Khoa học và kinh doanh là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học kinh doanh giá trị thật, mà họ tìm được thì sẽ tạo ra một điểm chung lớn là: Mang đến lợi ích cho người tiêu dùng.
Box cả bài: Khi các nhà khoa học làm kinh doanh, ưu điểm là luôn cân bằng cẩn thận giữa hoài nghi trực giác và những con số chính xác. Họ sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt dự trên thống kê, số liệu và không cảm tính.
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) là "tác giả có nhiều bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Việt Nam".
Ông Hoàng Đức Thảo là tác giả của 102 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích; 223 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; 17 giải thưởng quốc tế về sáng tạo khoa học công nghệ từ quá trình nghiên cứu, thực hành và thực chứng kết quả trong thực tiễn để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2016…
“Khoa học đâu chỉ vị khoa học, khoa học phải hướng tới vị nhân sinh! Phần mình giờ phải cố gắng đi nhanh để phục vụ cộng đồng nhiều hơn và sớm ghi tên mình vào dấu ấn quốc gia trên bản đồ khoa học công nghệ môi trường thế giới” - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo
Ngày 9/1/2020, đại diện tổ chức kỷ lục thế giới (WorldKings) và kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã công bố và trao tặng kỷ lục cho Anh hùng lao động - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo và Công ty Busadco.Ông Hoàng Đức Thảo sinh ra tại xã Vũ Thắng, Kiến Xương (Thái Bình). Hiện, ở cương vị “thuyền trưởng” Busadco, nhà khoa học - doanh nhân Hoàng Đức Thảo, với vốn liếng ban đầu 10 tỷ đồng thành lập doanh nghiệp về cấp thoát nước và phát triển đô thị, tới nay tạo nên cơ đồ khủng: tài sản cố định trên 664 tỷ đồng, tài sản lưu động trên 285 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên của Việt Nam.
“Muốn làm giàu phải có cách đi riêng!” là tâm nhiệm của PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học, đồng thời là Giám đốc Công ty Nấm Linh Chi. Bà được giới khoa học trân trọng tặng biệt danh “Nữ hoàng nấm”; là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, trồng thành công sinh khối linh chi và nấm dược liệu dạng sợi, dạng quả thể có khả năng làm tan u tới 87,06%, khả năng khử gốc tự do đạt 59,9%.
Nhà giáo – Nhà khoa học – Doanh nhân Nguyễn Thị Chính được vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng quý giá như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ các năm 2002, 2018; Giải thưởng sản phẩm đạt tinh hoa Việt Nam trong Diễn đàn APEC hội nhập và phát triển năm 2006; là một trong số 7 nữ doanh nhân khu vực Mê Kông được Ngân hàng Thế giới tặng thưởng; Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; Nữ doanh nhân tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và rất nhiều giải thưởng danh giá khác...
“Muốn làm giàu từ khoa học thì phải biết ứng dụng những nghiên cứu khoa học của mình vào đời sống bằng những sản phẩm khoa học” – PGS.TS Nguyễn Thị Chính
Bà là nhà khoa học nữ người Việt đầu tiên được mời làm cố vấn đặc biệt về nấm cho thành phố Giang Tô, tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) và là thành viên của Mạng lưới nấm quốc tế.Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Chính hiện là Phó chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Dù ở tuổi 73, bà vẫn nhanh nhẹn và say mê làm khoa học. Bà đã đem nhiều sản phẩm của mình đến giúp những bệnh nhân nghèo ở bệnh viện K, bệnh viện Đống Đa Hà Nội, trẻ bị nhiễm HIV tại Ba Vì… Đã có hàng vạn ngưởi sử dụng nấm dược liệu của “Nữ hoàng nấm” và thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Với tiêu chí “Khoa học Việt - sáng tạo Việt - để phục vụ cộng đồng Việt" và vốn khởi nghiệp 300 triệu đồng, năm 2015, TS. Đỗ Ngọc Chung quyết định tham gia sáng lập Công ty TNHH Giải pháp năng lượng Toàn Diện.
Giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, cố vấn kỹ thuật, TS. Đỗ Ngọc Chung đặt mục tiêu đem những sản phẩm hữu ích, ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đúng Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh của Viêt Nam. Hiện nay, công ty có doanh thu hàng chục tỷ đồng trong 3 năm, với nhiều sản phẩm ưu việt như: Thiết bị làm giá sạch đa năng GV - 102, Thiết bị làm rau dinh dưỡng Happy…
"Nghiên cứu, khoa học giúp tôi rèn rũa bản lĩnh, để đương đầu với thử thách, khó khăn; các sáng chế phải được ứng dụng vào thực tiễn đời sống của người dân, phục vụ cộng đồng XH” - TS. Đỗ Ngọc Chung
TS. Đỗ Ngọc Chung sinh năm 1980 tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Năm 2002 - 2008, ông là cán bộ nghiên cứu tại Viện khoa học Vật liệu, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 2016, ông giảng dạy tại Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Nội và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật liệu và Linh kiện Nano.
Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Xưởng Cơ khí điện tử, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Truyền thông công nghệ, thuộc Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.