Sẽ không ở nơi nào khác mà người ta được chứng kiến những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới xuất hiện cùng lúc: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Trump, người thường không mấy hào hứng với các cuộc gặp gỡ quốc tế, sẽ có lịch trình bận rộn với 7 cuộc gặp song phương trong vòng 48 giờ tới.
Những cuộc gặp đáng chú ý
Trong số này không có cuộc gặp nào với thủ tướng Anh, nhưng mọi người đều đang chờ đợi xem ngôn ngữ cơ thể của ông Trump và bà May sẽ như thế nào khi họ nhìn thấy nhau.
Hồi đầu tuần, tổng thống Mỹ đã thẳng thắn chỉ trích thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đạt được với EU, ông Trump cho rằng thoả thuận này sẽ ngăn cản một hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và Anh trong tương lai.
Thái tử Saudi Mohammed bin Salman xuất hiện trong sự kiện quốc tế đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù vậy nhân vật đáng chú ý nhất của sự kiện năm nay diễn ra tại Argentina chính là Thái tử Mohammed bin Salman. Những cuộc gặp của Thái tử Saudi với bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ được truyền thông theo dõi đặc biệt.
Liệu có những cái bắt tay hay những nụ cười? Liệu vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi có được nhắc đến? Nếu không thì tại sao? Rất nhiều những câu hỏi và kỳ vọng sẽ được đặt ra và mọi con mắt sẽ hướng về các hoạt động của nhà lãnh đạo 33 tuổi.
Sự hồi hộp xuất hiện một phần vì việc tiếp cận với thông tin từ các cuộc gặp là rất hạn chế. Điều này khiến cho những đồn đoán và dự báo ngày càng gia tăng khi ngày diễn ra sự kiện đến gần.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là nhân vật quan trọng không kém của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, trong bối cảnh vừa có đụng độ giữa tàu Nga và Ukraine trên eo biển Kerch.
Trong động thái phản ứng trước vụ việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã huỷ cuộc gặp dự kiến với nhà lãnh đạo Nga. Điều này có nghĩa cả hai bên sẽ không thể tiếp tục các cuộc đàm phán mà Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã khởi xướng vào mùa hè năm nay nhằm giải quyết các vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân và về những gì diễn ra ở khu vực Trung Đông.
Có đột phá cho cuộc gặp Trump - Tập?
Rất nhiều người mong chờ cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập, không ai muốn căng thẳng tiếp tục vì điều đó sẽ là tin xấu với thương mại toàn cầu.
Nếu như thật khó để dự đoán Tổng thống Trump sẽ làm gì, thì ở chiều ngược lại, Chủ tịch Tập được coi là người có quan điểm rất rõ ràng. Khác với ông Trump, ông Tập sẽ còn lãnh đạo trong nhiều năm tới và sẽ tham dự những hội nghị G20 tiếp theo, khi mà ông Trump đã kết thúc nhiệm kỳ.
Nhưng tại Buenos Aires cuối tuần này, ông Trump sẽ còn được nhắc đến nhiều trong tương lai nếu như tổng thống Mỹ đưa ra những quyết định góp phần định hình thương mại thế giới trong thế kỷ 21.
Ông Trump trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hồi đầu tuần cho biết ông sẵn sàng áp thuế với lượng hàng hoá trị giá 267 tỷ USD còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông cũng chia sẻ nhiều khả năng sang năm 2019 ông sẽ tăng thuế lên 25% đối với lượng hàng hoá 200 tỷ USD đã được áp thuế 10% trước đó.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập trong khuôn khổ G20 năm nay sẽ được cả thế giới chú ý đến, vì tầm quan trọng của nó với nền thương mại toàn cầu. Ảnh: Getty. |
Cố vấn kinh tế của ông Trump đã cố gắng cải thiện bầu không khí trước cuộc gặp Mỹ - Trung khi nhận định “nhiều khả năng” hai bên sẽ đạt được thoả thuận nếu như Trung Quốc chấp nhận các điều kiện của Mỹ về sở hữu trí tuệ, tài sản công nghệ và một số lĩnh vực khác để đảm bảo thương mại “công bằng”.
Các cuộc gặp của Tổng thống Mỹ với các lãnh đạo thế giới khác sẽ tiếp tục xoay quanh chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, đặc biệt là trong vấn đề thương mại. Điều này nhiều khả năng sẽ ngăn cản hội nghị G20 đưa ra một tuyên bố chung, đây cũng là việc đã diễn ra tại hội nghị APEC tháng trước và hội nghị G7 mùa hè năm ngoái.
Việc ông Trump tăng cường bảo hộ và chống lại chủ nghĩa đa phương bắt đầu tạo ra những diễn biến kịch tính trong quan hệ toàn cầu, điều này sẽ làm người ta chú ý đến G20 hơn.
Một số lãnh đạo khác cũng sẽ được quan tâm, nhưng ở mức độ ít hơn, đó là Thủ tướng Anh Theresa May, người đang phải đối mặt với những phản đối trong nước về thoả thuận Brexit với EU.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ đối mặt nhiều câu hỏi trước những thách thức mà EU đang phải đối mặt.