TS Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, khi đã có quy định chung của Đảng, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng hơn và dần dần sẽ trở thành “văn hóa từ chức”.
Ông Lê Huy Ngọ, người đã xin từ chức Bộ trưởng Bộ NN&PTNT năm 2004 vì vụ án Lã Thị Kim Oanh. Tuy ông không phải chịu trách nhiệm nhiều nhưng vẫn từ chức vì vụ án xảy ra trong ngành ông quản lý. |
Công tác cán bộ luôn có sự chọn lọc, đào thải
Tại Hội nghị Văn hóa hóa toàn quốc vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa trong Đảng, ông thấy sao về điều này?
Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đảng ta đã xác định, văn hóa là nền tảng, đồng thời cũng là động lực, mục tiêu, và trong Nghị quyết của Trung ương cũng đã đề cập đến vấn đề xây dựng văn hóa phải ngang tầm với vấn đề kinh tế, chính trị. Tổng Bí thư cũng đã khẳng định “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, tức là nói đến tầm quan trọng của văn hóa.
Công tác xây dựng Đảng là vấn đề then chốt. Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo, để làm tốt điều này thì văn hóa có vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, Tổng Bí thư đã đề cập vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng. Trong đó có cả văn hóa lãnh đạo và cả văn hóa từ chức như nhiều người đã đề cập trong thời gian qua.
Theo ông, vì sao Tổng Bí thư nhấn mạnh điều này?
Có thể thấy, trong thời gian qua, ngoài mặt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có việc tự diễn biến, tự chuyển hóa về mặt kinh tế (như tham ô, tham nhũng) và tư tưởng, chính trị. Cho nên cần phải xây dựng lại, ngoài việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc chống diễn biến, chống chuyển hóa trong Đảng là điều rất quan trọng. Trong đó, việc xây dựng văn hóa của dân tộc nói chung, văn hóa trong Đảng cũng là một trong những vấn đề cần nhấn mạnh để chống tham nhũng, tiêu cực.
“Lâu nay, vì trách nhiệm chưa rõ nên người ta không sẵn sàng từ chức. Ai cũng nói “theo sự phân công của Đảng”, khi nào Đảng nói không được làm nữa, mới không làm. Vì chưa có căn cứ rõ ràng về vấn đề từ chức nên rất hiếm người làm như vậy. Còn bây giờ, khi đã có quy định chung của Đảng, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng hơn... Nếu 50% tín nhiệm thấp, không còn đủ uy tín, anh phải từ chức thôi” - TS Nguyễn Tiến Dĩnh |
Vấn đề “văn hóa từ chức” từng được nêu ra, và mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Cùng với việc xây dựng văn hóa trong Đảng, việc xây dựng văn hóa từ chức có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Công tác cán bộ có nhiều khâu, nhiều bước, nhưng quá trình đó luôn có sự chọn lọc, đào thải. Việc xử lý những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ là rất cần thiết. Từ công tác quy hoạch, đào tạo, đến sử dụng, bồi dưỡng, luân chuyển, đó là quy trình trong công tác cán bộ, quá trình phát triển đó có sự chọn lọc, đào thải. Đó là văn hóa. Đào thải không những tạo sức mạnh cho Đảng mà còn củng cố niềm tin trong nhân dân. Đồng thời, nếu làm tốt sẽ tạo ra được “văn hóa từ chức”, cán bộ nằm trong ngưỡng “báo động” sẽ căn cứ vào Quy định 41 để chủ động xin từ chức.
Tự giác từ chức sẽ hình thành văn hóa
Quá trình công tác, ông đã thấy trường hợp nào từ chức một cách đúng nghĩa chưa?
Nói về từ chức, tôi nhớ trước đây có nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ, nhưng những trường hợp như vậy không nhiều, không trở thành phổ biến. Đương nhiên, bây giờ nó phải trở thành phổ biến thì mới thành “văn hóa từ chức”.
Lý do dẫn tới việc từ chức là vấn đề hiếm thấy mà không trở thành phổ biến là gì, thưa ông?
Lý do thì có nhiều, từ chuyện quy định của Đảng trước đây không rõ, đến yếu tố tâm lý, văn hóa… Lâu nay, vì trách nhiệm chưa rõ nên người ta không sẵn sàng từ chức. Ai cũng nói “theo sự phân công của Đảng”, khi nào Đảng nói không được làm nữa, mới không làm. Cũng có người dựa vào lý do đó nên chưa hình thành “văn hóa từ chức”. Vì chưa có căn cứ rõ ràng về từ chức nên rất hiếm người làm như vậy. Lên được vị trí lãnh đạo, một cán bộ phải phấn đấu rất nhiều năm, đâu dễ để họ sẵn sàng từ chức. Chưa kể về mặt tâm lý, việc từ chức này còn ảnh hưởng đến gia đình, dòng họ…
Còn bây giờ, khi đã có quy định chung của Đảng, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng hơn, dần dần sẽ trở thành “văn hóa từ chức”. Nếu 50% tín nhiệm thấp, không còn đủ uy tín, anh phải từ chức thôi. Có quy định rõ ràng, anh không sẵn sàng từ chức, lại để cơ quan chuyên môn miễn nhiệm còn mệt hơn. Thà từ chức để người ta thấy anh còn có liêm sỉ hơn là bị miễn nhiệm.
Vậy làm sao để xây dựng được “văn hóa từ chức” một cách đúng nghĩa, thưa ông?
Chúng ta phải có quy định về vấn đề từ chức. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên đối với “văn hóa từ chức”. Khi làm nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, đội ngũ cán bộ tự soi vào và thấy, nếu không chủ động từ chức sẽ bị xử lý ở mức độ cao hơn. Quy định có rồi, khi đã đủ căn cứ, anh có 10 ngày để chủ động từ chức, còn nếu không chủ động sẽ làm theo quy trình. Như vậy, anh phải tự giác từ chức. Có sự tự giác sẽ hình thành văn hóa.
Cảm ơn ông.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Thu nhập giảm, hàng loạt cán bộ, công chức xin nghỉ việc
Nguồn: VTV