Nước Mỹ có Donald Trump
Donald Trump đắc cử tổng thống là ví dụ điển hình cho thấy chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Ông Trump dù chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ gì trong chính quyền nhưng đã giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống. Cái sự đầu tiên trong lịch sử đó khiến người ta nghĩ có thể vì chưa bao giờ là chính trị gia nên ông Trump mới thắng cử.
"Kẻ ngoại đạo" Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ một phần nhờ kích động chủ nghĩa dân túy. Ảnh The Daily Wire |
Hãng tin ABS - CBN News (Philippines) nhận định: Đối với hàng triệu cử tri là người da trắng không có trình độ đại học, những lời khiếm nhã của ông Trump nhằm vào người gốc Latinh, người Hồi giáo và phụ nữ chỉ đơn giản là những lời nói thẳng thắn hoặc chuyện phiếm của đàn ông. Những cử tri ủng hộ ông Trump đã hoan nghênh ông với tư cách là một “hiệp sĩ da trắng” giỏi kinh doanh, có thể giúp bảo vệ nền sản xuất trong nước trước làn sóng ngoại thương, có thể đặt lợi ích quốc gia lên trên những thỏa thuận quốc tế như hạt nhân Iran hay biến đổi khí hậu - vốn xa vời với lợi ích sát sườn.
Có thể nói, cử tri Mỹ sợ điều gì, ông Trump đã trấn an họ đúng điều đó. Cho dù ông trấn an họ bằng những biện pháp mà một số nhà phân tích cho rằng có thể chính ông cũng chưa biết sẽ thực hiện thế nào, nhưng điều quan trọng là ông đã có được lá phiếu của họ. Theo bình luận của tờ The Guardian (Anh), việc bầu Donald Trump là việc của người Mỹ nhưng điều đó thực sự cho thấy có quá nhiều người chỉ đơn giản là không còn cắn câu giới chính trị truyền thống nữa.
Ông Trump đã cam kết “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và phục hồi việc làm cho tầng lớp lao động và trung lưu Mỹ vốn lo lắng về tình trạng nhập cư và chảy máu việc làm. Khẩu hiệu này cùng với việc ông bác bỏ cái gọi là “tế nhị chính trị” đã gợi lại cho cử tri Mỹ (đặc biệt là cử tri nam da trắng cao tuổi) về “quá khứ vàng son” - thời mà xã hội Mỹ ít đa dạng hơn, sự lãnh đạo của Mỹ là không có đối thủ và mối đe dọa khủng bố chỉ xảy ra ở những miền đất xa xôi.
Châu Á có Duterte
Trước đó, một trường hợp tương tự đã xảy ra ở Philippines với Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo ABS - CBN News, chính nhờ sự phản đối giới tinh anh Philippines mà ông đã được cử tri coi là “người của nhân dân” rồi đưa lên làm tổng thống.
Thị trưởng Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines nhờ được coi là "người của nhân dân". Ảnh WSJ |
Nhà dân túy Duterte đã nói rõ ông sẵn sàng hi sinh nhân quyền vì luật pháp và trật tự, cam kết tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm ma túy. Bất chấp bị quốc tế và phe đối lập chỉ trích mạnh vì chiến dịch, ông Duterte vẫn được người dân Philippines ủng hộ mạnh mẽ. Bằng chứng là tỷ lệ ủng hộ ông sau ba tháng cầm quyền đạt 76% - mức mà bất kỳ chính trị gia nào cũng phải thèm muốn. Với ông Duterte, nhân quyền chính là nỗi ám ảnh của phương Tây nhằm kiềm chế Philippines dọn sạch ma túy.
Chủ nghĩa dân túy đối lập với giới tinh anh Philippines được ông Duterte thể hiện từ khi tranh cử tổng thống. Ông thường mặc quần jeans, áo sơ mi trơn đơn giản. Theo Nicole Curato, nhà xã hội học thuộc Đại học Canberra, chiến dịch của ông Duterte thuộc kiểu “tự làm”, tức là không dựa vào một chiến lược như các chính trị gia khác với các chiêu kiểu như phát bữa ăn miễn phí, tặng tiền hay áo. Ông dựa vào đội quân tình nguyện viên để quảng bá trên mạng xã hội.
Chiến thắng vang dội của ông Duterte được nhiều người coi như là cuộc biểu tình phản đối sự bất lực của giới chính trị gia truyền thống trong giải quyết các vấn đề của đất nước.
Châu Âu có Brexit
Các nhà bình luận gần đây đã so sánh chiến thắng của ông Trump với kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Cử tri Anh đã chọn rời Liên minh châu Âu (EU) cũng xuất phát từ nỗi sợ và sự giận dữ về làn sóng nhập cư cũng như việc Anh phải lệ thuộc nhiều vào EU.
Cử tri Anh đã chọn rời Liên minh châu Âu (EU) cũng xuất phát từ nỗi sợ và sự giận dữ về làn sóng nhập cư cũng như việc Anh phải lệ thuộc nhiều vào EU. Ảnh: The Independent |
Bất chấp các khảo sát và niềm tin của giới chính trị, truyền thông Anh, 52% cử tri Anh đã chọn điều mà không ai nghĩ tới. Lãnh đạo đảng Độc lập Anh (UKIP) Nigel Farage, một nhà dân túy, đã trở thành gương mặt của phong trào giành lại quyền kiểm soát về biên giới và chính sách nhập cư cho nước Anh. Chính nhờ khai thác tâm lý lo sợ của cử tri mà ông Farage đã thành công trong vận động Anh rời EU.
Ngoài ra, việc đảng UKIP khơi gợi lại thời gian trước khi Anh gia nhập EU cách đây hơn 40 năm cũng đánh trúng vào tâm lý hoài cổ của cử tri, muốn quay lại thời mà quốc hội Anh độc lập, xã hội chủ yếu là người da trắng Anglo - Saxon, các ngành công nghiệp nặng tạo nhiều công ăn việc làm.
Ông Trump từng ví chiến dịch tranh cử của mình là “Brexit +++”. Còn ông Farage, sau chiến thắng của ông Trump, đã chúc mừng và nhận định năm 2016 là năm của hai “cuộc cách mạng chính trị vĩ đại”.
Sóng dân túy dâng trào
Không chỉ ở Anh với phong trào Brexit, làn sóng dân túy còn càn quét hầu như mọi nước ở châu Âu trong bối cảnh châu lục đang đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Không phải ngẫu nhiên mà sự trỗi dậy của các đảng dân túy trên thế giới lại trùng hợp với làn sóng người nhập cư gia tăng, trong đó số người tị nạn tìm kiếm hòa bình, an ninh, cuộc sống tốt đẹp hơn ở các nước giàu có phương Tây tăng chóng mặt. Phản ứng với những người mới đến này là làn sóng bài ngoại, phân biệt chủng tộc công khai ở nhiều nước châu Âu. Bối cảnh đó đã khiến các đảng dân túy dễ dàng khích động, tập trung và củng cố tâm lý bài ngoại vì mục tiêu chính trị. Làn sóng dân túy càng được tiếp thêm năng lượng sau sự kiện Brexit, ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ và mới đây nhất là Thủ tướng Italy Matteo Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân và đã từ chức.
Thủ lĩnh Marine Le Pen của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Pháp - người đang sẵn sàng tranh cử tổng thống vào tháng 5/2017. Ảnh The Politico |
Năm 2017, cử tri ở Hà Lan, Pháp và Đức, có thể cả ở Italy và Anh, sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử mà không ai dám chắc là sẽ không nhuốm màu Trump và Brexit. Có thể kể tới những cái tên nổi bật có khả năng gây bất ngờ như thủ lĩnh Marine Le Pen của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Pháp - người đang sẵn sàng tâm thế để tranh cử tổng thống vào tháng 5/2017. Tháng 3/2017, Hà Lan sẽ bước vào cuộc bầu cử quốc hội mà đảng Tự do cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc đang dần giành được lợi thế. Tháng 9/2017, nước Đức tổ chức bầu cử quốc hội trong bối cảnh đảng chống người nhập cư, bài xích Hồi giáo mang tên Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đang giành được 12% tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc sau khi thắng một số ghế trong bầu cử nghị viện bang. Đảng này đang là cơn đau đầu với Thủ tướng Angela Merkel khi bà chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ 4. Có thể nói các nhân vật thuộc đảng dân túy từng đứng bên rìa đang dần mạnh lên và được người dân chấp nhận.
Các lãnh đạo dân túy như Donald Trump hay Duterte hiện diện nổi bật ở nhiều quốc gia, thay đổi đặc điểm cạnh tranh giữa các đảng ở các xã hội phương Tây. Theo thống kê, các đảng theo đường lối dân túy đã giành được lá phiếu và ghế quốc hội ở nhiều quốc gia, tham gia vào liên minh chính phủ ở 11 nền dân chủ phương Tây, trong đó có Áo, Italy và Thụy Sỹ.
Khắp châu Âu, tỷ lệ phiếu bầu trung bình của các đảng dân túy trong các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu và bầu cử quốc gia đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1960, từ 5,1% lên 13,2%. Trong cùng giai đoạn, số ghế nghị viện của họ đã tăng gấp ba, từ 3,8% lên 12,8%. Ngay cả ở những nước không có nhiều đại diện dân túy được bầu, các đảng này vẫn có thể tạo ra áp lực lớn với các đảng chính thống, quan điểm dư luận và nghị trình chính sách, ví dụ như vai trò của đảng UKIP ở Anh, đảng tạo xúc tác cho Anh rời Liên minh châu Âu.
Lý giải về trào lưu ủng hộ mạnh mẽ các đảng dân túy, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân được công nhận rộng rãi nhất là bất bình đẳng kinh tế trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi: kinh tế tri thức gia tăng, tự động hóa kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành công nghiệp sản xuất sụp đổ, dòng lao động, hàng hóa, con người và vốn gia tăng quy mô toàn cầu, mạng lưới an sinh xã hội suy giảm, chính sách thắt lưng buộc bụng ngày càng phổ biến. Bất bình đẳng kinh tế và nghèo khổ trong số những người bị bỏ lại đã châm ngòi cho tâm lý bất mãn của dân chúng với tầng lớp chính trị.
Nếu ông Trump đã thắng cử ở Mỹ, ông Duterte đã thắng cử ở Philippines và nước Anh đã rời EU, thì việc các nhân vật dân túy ở châu Âu kể trên giành chiến thắng và củng cố quyền lực là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện có một cơ hội rất thực rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể trở thành hiện tượng chính trị quyết định trong thập kỷ tới, không chỉ ở Mỹ hay châu Âu mà ở khắp các nền dân chủ phát triển.