Dị mộng đổi đời
Gần bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và đã hơn 14 năm sống trong Trại giam Xuân Nguyên, phạm nhân Trần Thị Thanh Nhã luôn sống trong sự day dứt về những lỗi lầm đã qua. Nhã đã nếm trải đủ những sóng gió thăng trầm của một kiếp người với giàu sang phú quý, với nhục nhã ê chề từ những vết trượt dài tội lỗi. Trò chuyện với chúng tôi, người đàn bà đáng thương và đáng trách ấy tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Nếu bản thân không ham hố làm giàu, Nhã đã có mái ấm gia đình hạnh phúc và sau bao năm đứng trên bục giảng đã được về hưu, sống sum vầy bên con cháu. Thế nhưng, từ một giáo viên đứng trên bục giảng, được đám học trò kính trọng, Nhã đã bán đứng chính mình cho lòng tham vô độ, để rồi thị trở thành một phạm nhân ăn cơm tù, mặc áo số…
Theo hồ sơ vụ án, Trần Thị Thanh Nhã sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở nội thành Hà Nội, có truyền thống hiếu học học. Bố mẹ đều là giáo viên nên Nhã được ăn học đàng hoàng hơn những bạn bè cùng trang lứa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhã rời xa đô thành, về nhận về giảng dạy môn hóa tại một trường cấp 3 ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Vốn có chút nhan sắc, công việc ổn định nên ở cái tuổi ngoài 20, Nhã đã lọt vào tầm ngắm của bao thanh niên mảnh đất Hà thành và vùng mỏ Quảng Ninh. Thế nhưng, Nhã không hề bận tâm đến chuyện lập gia đình, điều quan trọng nhất đối với Nhã là phải tìm đủ mọi cách để có được cuộc sống sung túc, đầy đủ, tiền bạc rủng rỉnh.
Phạm nhân Trần Thị Thanh Nhã. |
Thế rồi với mộng làm giàu và thay đổi số phận của mình, Nhã quyết tâm từ bỏ bục giảng. Mặc dù bị gia đình ngăn cản nhưng Nhã vẫn quyết tâm bỏ trường, bỏ lớp, thị lao vào các phi vụ làm ăn. Năm 1985, được bạn bè giới thiệu, Nhã tìm được mối buôn bán qua biên giới Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Những ngày đầu buôn những món hàng hóa nhỏ như cây kim sợi chỉ, dần dần Nhã buôn đến thứ hàng hóa có giá trị cao và siêu lợi nhuận, đó là vàng. Đường dây làm ăn phi pháp của thị cùng đồng bọn bị công an truy quét, Nhã bị bắt và kết án 5 năm tù về tội “Buôn hàng cấm qua biên giới”. Năm 1989, Nhã được mãn hạn tù về gia đình. Ngỡ tưởng sau 5 năm trong song sắt, Nhã lấy đó làm bài học răn đe cho bản thân, nào ngờ thị vẫn không nguôi những cơn dị mộng, rắp tâm tiếp tục làm giàu bất chính…
Đang trong lúc không biết xoay vốn để làm ăn, sẵn có giấy tờ của căn nhà số 26 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm rộng 330m2 của mẹ Nhã là bà Nguyễn Thị Như đang hưởng đồng thừa kế với 2 người khác, Nhã đã giả mạo chữ ký của mẹ đẻ trong các giấy uỷ quyền và giấy tờ thế chấp ngôi nhà, vay trót lọt của 5 quỹ tín dụng: Cầu Giấy, Đống Đa, Sông Nhuệ, Rồng Vàng, Trúc Bạch (TP Hà Nội), tổng số tiền trên 600 triệu đồng. Số tiền này vào thời điểm ấy rất to. Nhã một phần dùng để chi tiêu cá nhân, một phần góp vốn làm ăn với một doanh nghiệp làm đường giao thông. Do kinh nghiệm làm ăn không có, Nhã thâm hụt vốn và không còn khả năng thanh toán. Khi mọi việc không thể cứu vãn được nữa, bị CATP Hà Nội truy nã gắt gao về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Nhã bỏ trốn vào Đồng Nai và tiếp tục lấn sâu vào vòng xoáy của những đồng tiền bất chính.
Sống bơ vơ, chui lủi nơi đất khách quê người, Nhã dùng kế “kim thuyền thoát xác" nhờ một đối tượng làm giả CMND lấy tên Nguyễn Thị Liên, hộ khẩu ở TP Hồ Chí Minh để tìm mánh làm ăn mới. Rồi một ngày, run rủi thế nào Nhã làm quen được với Nguyễn Đình Vũ, làm dịch vụ giải chấp đáo hạn tiền vay tại các ngân hàng. Với chút nhan sắc, Nhã đã quyến rũ được Vũ lọt vào “bẫy tình” của mình và đến sống với Nhã như vợ chồng tại căn nhà thuê sang trọng thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Qua các mối quen biết của Vũ, Nhã tiếp tục giở đủ các chiêu lừa vay lãi suất cao. Để tạo một vỏ bọc có uy tín trong con mắt của các địa gia , Nhã mua đồ trang sức đắt tiền, thuê những chiếc xe sang trọng để đi lại, đồng thời lấy nhiều tên như: Hằng, Khánh, Liên, Hạnh, Minh đăng quảng cáo trên báo về dịch vụ giải chấp đáo hạn tại các ngân hàng nhằm “câu” các “con mồi”. Với “độc chiêu” làm ăn phi pháp đó, Trần thị Thanh Nhã đã khiến nhiều nạn nhân bị “sập bẫy”, lâm vào cảnh nhà tan, cửa nát…
Kết đắng của siêu lừa
Mặc dù bị truy nã vô cùng gắt gao của CATP Hà Nội, nhưng Trần Thị Thanh Nhã tiếp tục phạm tội trong quá trình bỏ trốn. Với chút nhan sắc, lại thường xuyên thuê những chiếc xe ô tô đắt tiền để đi lại, vàng trang sức rát đầy người, tiền tiêu rủng rỉnh, Nhã đã làm mờ mắt giới làm ăn ở Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh coi thị như một đại gia giàu có. Sau khi tạo được vỏ học hoàn hảo, Nhã tiếp tục tung chiều lừa, khiến các nạn nhân sập bẫy…
Trong những cơ hội được giao lưu với những người có tiền, Trần Thị Thanh Nhã đưa ra những chiêu bài đầu tư hùn vốn làm ăn lớn và cam kết vay trả rất đúng hạn với lãi suất cao. Khi nhận được tiền cho vay của đối tác làm ăn, Nhã đã không ngần ngại rút tiền trả lãi trước, không những thế thị còn rất chu đáo tặng quà và có những cử chỉ thân mật, hứa hẹn rất quân tử của một “đại gia” sống trên tiền. Bằng thủ đoạn vay tiền trả lãi từ 0,2-0,3% mỗi ngày, Nhã đã nhanh chóng tạo được lòng tin từ các đối tác. Lóa mắt vì hùn vốn được trả lãi suất cao hơn ngân hàng, không ít những thiêu thân liều mình lao đến gặp Nhã với mong muốn được đầu tư làm ăn lâu dài.
Với thủ đoạn tiền đầu tư làm ăn, rồi trả lãi suất cao, chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 6-2000 đến tháng 6-2001, với nhiều tên gọi khác nhau, Trần Thị Thanh Nhã đã lừa đảo chiếm đoạt của 12 người tại Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh với tổng số tiền là 4,6 tỷ đồng, 27.100 USD, 3.000 đô la Úc cũng rất nhiều tài sản có giá trị khác.
Chuyện làm ăn mờ ám của Trần Thị Thanh Nhã bị lật tẩy khi một trong số những chủ nợ nhờ đáo hạn giải chấp giúp một số cổ phiếu của Công ty dược phẩm Vân Đồn. Do không có khả năng trả nợ, Trần Thị Thanh Nhã đã mang số cổ phiếu thế chấp cho người khác. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cổ phiếu đó không có giá trị nếu người khác sử dụng vì người chủ cổ phiếu đã báo cho công ty Cổ phần. Biết chuyện Nhã đang có biểu hiện mập mờ về tiền bạc, các chủ nợ chẳng ai bảo ai, cứ ùn ùn kéo đến đòi tiền Nhã kết quả là con số 0. Mắc phải chiêu lừa ngoạn mục của Trần Thị Thanh Nhã, nhiều chủ nợ đã lâm vào cảnh trắng tay, bởi ham cho vay lãi suất cao đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng, sau đó cho Nhã vay lại…
Không còn khả năng trả nợ, bởi những đồng tiền vay được một phần Nhã đã ném vào việc chi tiêu cá nhân, một phần đầu tư kinh doanh địa ốc nhưng bị thua lỗ và một phần lớn đã trả lãi cao cho các chủ nợ. Biết đã mất trắng số tiền đầu tư chpo vay, các chủ nợ đồng loạt phát đơn khởi kiện, khiến Nhã bị CATP Hồ Chí Minh bắt ngay sau đó với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Do phạm tội nhiều lần mang tính chuyên nghiệp, tài sản chiếm đoạt lớn, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nên tháng 9.2003, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Thanh Nhã mức án chung thân. Sau khi bị kết án, Trần Thị Thanh Nhã đã bị di lý ra Hà Nội và tiếp tục lĩnh 8 năm tù về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của TAND TP Hà Nội. Tổng hợp hình phạt của 2 bản án, buộc Trần Thị Thanh Nhã phải chấp hành mức án chung là tù chung thân.
Thời gian sau, Trần Thị Thanh Nhã bị chuyển từ trại giam Chí Hòa, lên trại Xuân Lộc rồi dy lý ra Hỏa Lò. Đến năm 2006, Nhã chuyển về Trại giam Xuân Nguyên để thụ án. Thời gian đi nhanh, thấm thoát đã hơn 14 năm Nhã sống trong song sắt.
Tuổi già sống cảnh cô quạnh bởi không gia đình, không chồng, không con cái, Trần Thị Thanh Nhã lại mắc căn bệnh tiểu đường đã biến chứng nhiều năm, khiến đôi mắt ngày càng mờ. Rồi những lúc thay đổi thời tiết, tuổi càng cao, sức càng yếu, Trần Thị Thanh Nhã thường xuyên bị đau nhức xương khớp nên lúc nào cũng phải thủ sẵn thuốc trong người. Sống trong cô đơn, nhưng điều an ủi đối với Trần Thị Thanh Nhã là trong những năm tháng cải tạo, đó là sự quan tâm của anh, chị và các cháu đang sống ở Hà Nội. Mặc dù tuổi đã cao, anh chị vẫn xuống thăm cô em gái đều đặn, gửi cho Nhã từng cái kim, sợi chỉ, khăn mặt, bánh xà phòng, dầu gội và thuốc men….
Nghĩ về quá khứ lầm lỗi, Trần Thị Thanh Nhã đã vô cùng ân hận. “Gieo gió, gặt bão”, thị đã tự đẩy cuộc đời mình chìm vào bóng tối, đẩy 12 gia đình vào cảnh túng quẫn đến cùng cực. Những lúc buồn, Trần Thị Thanh Nhã lại khóc, cho đến khi đôi mắt sưng to. Rất may, những lúc ấy, Nhã luôn nhận được sự quan tâm của Ban giám thị, quản giáo và những nữ phạm nhân cùng cảnh lẫm lỗi.
Hàng ngày, sau giờ lao động, Trần Thị Thanh Nhã vẫn giành chút thời gian để tụng kinh, niệm phật và cảm thấy lòng mình thanh thản hơn...