Đến Đầu Rồng, bị sứa cắn
Từ Hà Nội, bạn chỉ việc lên xe khách ngủ một đêm, sáng hôm sau có mặt ở Cái Chiên. Tất nhiên ngủ trên xe khách thường xuyên bị nhồi nhét thì cũng không tiện nghi lắm. Nhưng hẳn đấy là cách khả dĩ nhất để vượt qua quãng đường hơn 300km. Sau đó thêm 40 phút ngồi phà. Bạn cũng có thể chọn xuồng cao tốc nếu chịu chi. Dù sao hòn đảo thuộc huyện Hải Hà, thành phố địa đầu Móng Cái cũng xứng đáng để bạn vất vả một chút. Đảo Cái Chiên có gần như đầy đủ các yếu tố mà một du khách yêu thiên nhiên cần.
Hòn đảo đủ nhỏ để bạn có thể đi hết trong một ngày nhưng lại có lượng bãi tắm đủ đẹp và đa dạng để giữ chân khách. Đầu Rồng rộng rãi nhất, cát mịn- về độ thương mại không thua kém bất cứ bãi tắm nào ở miền Bắc. Chả thế mà một công ty đã quây phần đất gần bãi này để chuẩn bị xây khu nghỉ dưỡng. Tuy chưa động thổ nhưng một nhà tắm tráng nước ngọt hoành tráng một cách không cần thiết (vì nó chắn tầm nhìn) đã mọc lên. Ngoài ra, người dân vẫn tổ chức những dịch vụ thuộc dạng sơ khai phục vụ du khách đến Đầu Rồng. Du khách tha hồ trải chiếu, mắc võng… trong rừng phi lao. Còn người dân khu vực này vẫn đang băn khoăn không biết phi lao họ trồng sẽ được đền bù thế nào.
Đầu Rồng- bãi tắm tiện nghi nhất trên đảo Cái Chiên |
Trải nghiệm tắm biển Đầu Rồng nói chung hoàn hảo, bao gồm cả việc bãi này có nhân viên thường xuyên dọn rác. Trong khi tôi bơi ở đây có mấy con cá nhỏ cứ bơi vòng quanh, không có vẻ gì là sợ người. Có cả một con sứa to bằng bát đựng canh và trong suốt đủ để nhìn thấy mấy con cá nhỏ đang bị nó ngậm bên trong. Tôi tò mò lặn xuống định ngó con sứa từ dưới lên. Lúc ngoi lên tôi nhảy dựng hết cả người. Chỗ nào trên cơ thể chạm vào con sứa đều nhức buốt, hơn cả bị bọ lẹt đốt. Trước nay đi biển cũng có chạm phải những con sứa nhỏ và bị ngứa. Bị sứa cắn kiểu này là lần đầu tiên. Nhưng vết bỏng chỉ 2 hôm sau là tự lành.
Vào lúc hoàng hôn, nếu ở Đầu Rồng, bạn sẽ được ngắm hàng đàn chim nhiều chủng loại bay về tổ. Tuy nhiên Cái Chiên khó có khả năng trở thành một khu bảo tồn vì năm ngoái tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch khu kinh tế du lịch Cái Chiên, mời gọi các nhà đầu tư.
“Resort” bằng tôn
Nếu du khách muốn ngắm biển từ giường ngủ thì phải đến bãi Cái Chiên 2. Năm ngoái, kiểu bungalow tận dụng từ vỏ container ở bãi Cái Chiên 1 gây sốt, bỗng khiến Cái Chiên trở nên nổi tiếng hơn. Khách sạn container nằm trong rừng phi lao nay đã bị bỏ hoang do không được chính quyền cấp phép hoạt động.
Nhưng công bằng mà nói Cái Chiên 2 hơn Cái Chiên 1 về mọi mặt, thậm chí còn nhỉnh hơn Đầu Rồng về độ trong xanh của nước vì cát sáng hơn. Điểm đặc sắc của Cái Chiên 2 là những ghềnh đá chia bãi biển ra thành nhiều khu kín đáo riêng tư phù hợp với du khách trẻ ưa thám hiểm. Lưu ý là đá sắc nhọn, nếu không có giày dép thì cứ tắm táp ở bãi chính cho lành.
Cả dãy nhà dân nằm ven Cái Chiên 2 có dịch vụ homestay cho du khách lựa chọn. Trên mạng tôi tìm thấy hàng loạt số điện thoại của các cơ sở lưu trú trên đảo, không kèm bất cứ hình ảnh minh họa nào. Gọi đại một số và kết quả là dù không được ở container nhưng tôi được thử cảm giác trong phòng mà cả tường và mái đều làm bằng tôn. Thậm chí giường cũng là sắt hàn. Nếu không mở cửa thì căn buồng đúng là nóng như cái lò theo nghĩa đen. Được cái là nhảy cửa sổ, đi thêm vài bước chân nữa là ra biển. À mà trước đó phải tránh một đống rác thải gồm vỏ chai nhựa và vỏ lon nước. Nhà chủ tập kết ở đấy để bán cho người mua đem vào đất liền.
Nhà chủ mới sắm máy ép nước mía. Thành phẩm được đựng trong cốc nhựa loại dùng một lần, cắm ống hút. Nếu bạn gọi cốc đá, họ cũng sẽ đưa đá đựng trong loại cốc đó. Tất nhiên nước để uống không có khái niệm miễn phí, bạn sẽ phải mua chúng trong các chai nhựa. Thế nên là đống rác thải nhựa kia sẽ ngày càng nhiều thêm.
Vì Cái Chiên thưa dân nên nếu ra bãi biển vào ngày thường, bạn sẽ có cảm giác như đang ở thiên đường. Tuy nhiên vào dịp lễ như 2/9 thì lại rất khác. Bãi Cái Chiên 2 gần như biến dạng bởi những đống tro than sau đêm lửa trại. Trong đó có cả mảnh chai do ai đó cao hứng đập nát vỏ chai rượu ném vào đống lửa. Sóng đánh vào bờ củi rều và cả rác. Trong khi con người vẫn vô tư chơi đùa ngay cạnh. Tất nhiên rác rưởi chưa đến mức thảm họa (như Lý Sơn chẳng hạn) nhưng trong tương lai khi du khách biết đến đảo nhiều hơn thì cũng chưa biết tình hình môi trường sẽ đi về đâu.
Con đường giữa biển
Rời thôn Cái Chiên đi về phía Đông đảo, bạn sẽ đến với những bãi tắm dài hàng cây số thực sự hoang sơ là Vạn Lộc và Vạn Cả. Khu vực này của đảo chủ yếu là rừng, dân thưa và không ai làm nhà ở ven biển. Bạn có thể dừng bất cứ ở chỗ nào thuận tiện để tiếp cận bãi biển nước trong xanh. Có chỗ khi triều xuống nổi lên một con đường cát giữa biển đầy mời gọi.
Đảo Cái Chiên có địa hình ngộ nghĩnh. Hầu hết các quả đồi xanh tốt đều có dạng bát úp. Người dân tận dụng khoảng đồng bằng giữa chúng để trồng lúa. Vì ngư nghiệp không phát triển nên hải sản mà khách ăn trên đảo chủ yếu đem từ đất liền ra. Duy ốc dân tự bắt, bán với giá gấp đôi trên bờ. Giá thực phẩm nói chung cũng thế. Trình độ nấu ăn của dân đảo xem ra còn hạn chế, cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn no. Cũng phải thông cảm với đầu bếp, vì gia vị trên đảo không sẵn. Đảo thậm chí còn chưa có chợ. Bữa sáng, lựa chọn duy nhất của du khách là mì tôm ăn kèm xúc xích, trứng trần hoặc… trứng rán. Các nhà nghỉ cũng nấu cho khách ăn luôn, đảo không có nhà hàng riêng.
Đi lại trên đảo ngoài xe điện cho khách đoàn, phượt thủ có thể thuê xe máy với giá 170.000 đồng/ngày (đã gồm 20 nghìn tiền xăng). Chúng tôi thuê xe của nhà chủ đi chưa hết ngày đã hết xăng, khi đang cách nhà độ 2km. Dắt bộ được một quãng thì nhà chủ đem chai xăng lít rưỡi ra. Tiền thuê xe vì thế nâng lên 200 nghìn. Tức là chúng tôi trả luôn tiền xăng cho người thuê xe tiếp theo. Cũng với chiếc xe đó, chủ nhà dùng làm xe ôm ra bến phà với giá 20.000 đồng/khách. Riêng vụ đón khách từ phà về, khuyến mại.
Kể cả có chi tiêu tiết kiệm thì du khách cũng phải tốn cho Cái Chiên tầm 1 triệu/ngày. Không rẻ so với chất lượng dịch vụ. Nhưng biết sao được, khi dịch vụ hạn chế lại đồng nghĩa với thiên nhiên còn nguyên sơ, chưa bị xâm hại nhiều. Người dân Cái Chiên nhìn chung thân thiện cởi mở, nhưng cũng hơi trầm lắng. Sự đon đả chào mời và những nụ cười hiếu khách trên đảo hơi hiếm. Vì bao đời nay dân đảo chỉ quanh quẩn trồng cấy hay mò cua bắt ốc. Du lịch là nghề tay ngang mang tính mùa vụ (mùa rét thì còn ai đến đảo chơi nữa) mới hình thành. Dân số trên đảo thậm chí còn có xu hướng giảm vì bọn trẻ lớn lên hầu hết đều tìm đường vào đất liền sinh sống. Tuy nhiên nhà giàu trong đất liền bắt đầu có xu hướng xây nhà nghỉ kiêm cho thuê trên đảo.