Từ trước đến nay, các tàu chiến hay máy bay, xe tăng.. của Mỹ đều chỉ sử dụng vũ khí do nước này sản xuất. Tuy nhiên, điều này đang có những thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Theo tờ Defencenews, sắp tới tàu chiến duyên hải USS Coronado (LCS-4) của Hải quân Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm với tên lửa NSM do Na Uy sản xuất.
Đây là lần đầu tiên một tàu chiến của Mỹ tiến hành thử nghiệm vũ khí do nước ngoài sản xuất. Dự kiến, thử nghiệm sẽ được tiến hành vào khoảng tháng 9/2014 tại vùng biển Nam California. Trước đó, tên lửa NSM đã được phóng thử nghiệm thành công từ tàu khu trục nhỏ Fridtjof Nansen của Hải quân Na Uy trong khuôn khổ cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC-2014 gần quần đảo Hawaii (đánh chìm tàu đổ bộ Ogden đã ngưng hoạt động).
Việc một tàu chiến của Mỹ sử dụng tên lửa chống hạm không phải do họ sản xuất đã cho thấy Mỹ bắt đầu quan tâm đến các vũ khí do nước ngoài sản xuất.
NSM được đánh giá là tên lửa chống hạm thế hệ 5 số 1 châu Âu hiện nay. |
Vậy NSM là loại tên lửa gì? Tính năng của nó mạnh cỡ nào mà được sử dụng trên tàu chiến của quốc gia sản xuất vũ khí số 1 thế giới?
NSM là viết tắt của cụm từ Naval Strike Missile (tên lửa tấn công hải quân) là một loại tên lửa hành trình chống hạm thế hệ 5 do Kongsberg Defence & Aerospace, Na Uy phát triển. NSM là một sự phát triển kế thừa từ tên lửa chống hạm Penguin. Nó là loại tên lửa chống hạm tấn công chính xác thế hệ 5 duy nhất trên thế giới.
Quá trình phát triển tên lửa NSM được bắt đầu từ năm 1996, hợp đồng sản xuất loạt với Hải quân Hoàng gia Na Uy được ký kết vào năm 2007 nhằm trang bị cho tàu khu trục nhỏ thế hệ mới Fridtjof Nansen và tàu tuần tra lớp Skjold của hải quân nước này.
Tháng 10/2012, Hải quân Hoàng gia Na Uy tiến hành bắn thử lần đầu tiên với tên lửa NSM. Đến tháng 6/2013, Hải quân Hoàng gia Na Uy tiến hành thử nghiệm NSM với đầu đạn thật đánh trúng mục tiêu là một chiếc tàu khu trục nhỏ lớp Oslo đã ngưng hoạt động.
Tên lửa NSM được thiết kế và phát triển theo công nghệ tiên tiến, thân được chế tạo bằng vật liệu composite giúp nó có khả năng tàng hình rất cao. Tên lửa được thiết kế để sử dụng một cách hiệu quả trong môi trường lộn xộn ven biển và các vùng biển xa.
Công nghệ dẫn hướng hiện đại cùng cảm biến khóa mục tiêu hồng ngoại cực kỳ chính xác chính là điều làm nên sức mạnh vượt trội cho tên lửa NSM. |
NSM có chiều dài 3,96 mét, mang theo đầu đạn HE nặng 125kg, trọng lượng chiến đấu 410kg, tên lửa có tầm bắn tối đa khoảng 185km. Tên lửa NSM được trang bị công nghệ dẫn hướng rất hiện đại kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, hệ thống định vị toàn cầu GPS, giai đoạn cuối tên lửa khóa mục tiêu bằng cảm biến hình ảnh hồng ngoại thụ động hai băng tần cho phép phân biệt các mục tiêu trong môi trường lộn xộn.
Đối với nhiệm vụ tấn công mặt đất, NSM có thể sử dụng hệ thống dẫn hướng tham chiếu địa hình cùng hệ thống xác nhận mục tiêu độc lập ATR đảm bảo phát hiện một cách chính xác các mục tiêu. Đầu đạn được điều khiển bằng một ngòi nổ đặc biệt được lập trình để kích nổ đầu đạn đúng thời điểm nhằm tăng hiệu quả tiêu diệt mục tiêu.
Tên lửa NSM phóng đi bằng một động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, sau đó động cơ phản lực Microturbo TRI-40 sẽ được kích hoạt. Động cơ này giúp tên lửa đạt tốc độ xấp xỉ tốc độ siêu âm. Tên lửa NSM có thể phóng từ tàu chiến, xe phóng di động trên đất liền.
NSM được đánh giá là loại tên lửa hành trình chống hạm số 1 châu Âu hiện nay. Năm 2008, Ba Lan đã đặt hàng biến thể phòng thủ bờ biển của tên lửa NSM. Năm 2007 Kongsberg và Lockheed Martin đã ký thỏa thuận tiếp thị chung cho biến thể nâng cấp của NSM là JSM sẽ được trang bị cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ.
Hải quân Mỹ mê mẩn tên lửa NSM
Kongsberg đang hướng đến Hải quân Mỹ như là khách hàng tiềm năng của tên lửa NSM. Các tàu chiến duyên hải LCS đã không có một hệ thống tên lửa chống hạm đủ mạnh từ khi Hải quân Mỹ hủy bỏ chương trình phát triển tên lửa không đường ngắm NLOS vào đầu năm 2011.
Tàu chiến duyên hải USS-Coronado (LCS-4) sẽ có cơ hội trải nghiệm sức mạnh vượt trội của NSM vào tháng 9/2014 tới. |
Gần đây, Hải quân Mỹ đang tiến hành công việc tích hợp tên lửa Hellfire sử dụng cho các tàu LCS. Tuy nhiên, Hellfire là một tên lửa quá nhỏ và có tầm bắn quá khiêm tốn so với yêu cầu nhiệm vụ tác chiến của LCS.
Trung tá Kurt Larson, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy các hệ thống hải quân NAVSEA cho biết: “Kế hoạch thử nghiệm NSM vào tháng 9/2014 theo chương trình thử nghiệm nước ngoài nhằm so sánh và kiểm tra tính khả thi của con tàu để thực hiện nhiệm vụ tác chiến mặt nước cho các nhiệm vụ ngày càng tăng. Ngoài ra, nó sẽ cung cấp một cái nhìn sâu vào khả năng của NSM trong phạm vi, khả năng sống sót và tiêu diệt mục tiêu”.
Mặc dù, Hải quân Mỹ không cam kết bất cứ điều gì vượt ra ngoài đợt bắn thử NSM vào tháng 9/2014 sắp tới. Tuy nhiên, đại úy Michael Ladner quản lý chương trình vũ khí tàu mặt nước của NAVSEA thừa nhận: “NSM là một tên lửa không thể tin được, nó có khả năng sống sót rất cao, cảm biến khóa mục tiêu rất tiên tiến và nó bắn xa hơn 100 dặm”.
Tuy nhiên, trên tàu LCS không có hệ thống kiểm soát bắn ở phạm vi vượt quá 100 dặm. Đại úy Ladner nói: “Nếu tôi có thể bắn một tên lửa ở khoảng cách 100 dặm nhưng tôi không thể nhìn thấy mục tiêu ở khoảng cách đó. Nếu chúng ta có thể tìm ra cách giải quyết trình tự từ phát hiện đến tấn công thì đó có thể là một ứng viên phù hợp”.
Khả năng tương thích giữa NSM và LCS sẽ được minh chứng vào tháng 9 sắp tới nhưng điều đó cho thấy rằng Mỹ không còn là “kẻ độc tôn” trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao.