UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 21/6/2024 về việc công nhận Điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt”, tại số 01 Quang Trung, Phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý.
Trên bản đồ du lịch, ga Đà Lạt được biết đến như một trong những điểm tham quan thu hút du khách nhất của thành phố trên cao nguyên Lâm Viên.
Nhà ga đẹp nhất Đông Dương
Theo Báo Lâm Đồng, ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932-1938, nằm trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, để kết nối thành phố cao nguyên với Phan Rang (Ninh Thuận). Ga Đà Lạt được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là: Moncet và Revêron.
Theo gợi ý của nhà cầm quyền Pháp thời bấy giờ thì nhà ga phải hội đủ điều kiện kỹ thuật và mặt tiền của ga phải thiết kế như thế nào đó để cho hành khách khi lên xuống tàu có cảm giác đây là một nhà ga mùa hè. Nhưng sau khi vẽ đồ án ga Đà Lạt, ngoài ý của chính quyền như đã nói trên, hai kiến trúc sư Revéron và Moncet đã đưa vào đồ án ý nghĩa ngộ nghĩnh của mình là muốn gợi cho du khách đến Đà Lạt ý niệm: dãy Langbiang với ba đỉnh cao đón mời du khách từ khi bước chân xuống tàu. Chiếc đồng hồ đặt trên “đỉnh núi” ở mặt tiền nhà ga tượng trưng cho thời gian bác sỹ Yersin chinh phục cao nguyên Lâm Viên mà ông đã ghi trong nhật ký.
Mặt trước ga Đà Lạt. Ảnh: Quốc Lê. |
Mặt sau nhà ga, từ dãy hành lang nhìn ra là một đường hỏa xa chạy dài tượng trưng cho chí phiêu lưu tang bồng của Yersin. Bên trong nhà Ga nhìn lên là cả một khoảng không gian rộng lớn với các góc cạnh, đường nét ngay hàng thẳng lối, vừa uy nghi cao cả, cũng như vừa chân thật, giản dị như chính cuộc đời của Yersin.
Ngoài ra việc thiết kế trần nhà theo lối vòm cao, xung quanh có các ô kính màu vừa để trang trí vừa để tăng cường chiếu sáng cho nhà ga, phòng bán vé, phòng khách, phòng nhận hàng…tạo thành một dãy dài nên không án ngữ và làm vướng mắt du khách. Đứng trong nhà ga người ta có cảm giác như đứng trong lòng dãy núi cao ấm cúng, vui vẻ, tiếng ồn vang vọng tạo ra ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc khó quên trong buổi gặp mặt cũng như lúc chia tay.
Bên trong ga Đà Lạt. Ảnh: Quốc Lê. |
Trên lớp tường đế bao quanh nhà ga, ở chân cột trụ vòm cửa trước, cửa sau là những khóm hoa đỏ thắm, (một loài hoa có xuất xứ từ nước Pháp). Đứng ngoài nhìn vào ta có cảm giác như nhà Ga được đặt gọn trong một chậu hoa khổng lồ.
Về kiến trúc, nhà ga Đà Lạt được thiết kế theo kiểu mái xuôi của vùng núi miền Trung nước Pháp -vùng Massif Central, nên mái đủ độ dốc như sườn núi và rất hợp với vùng có nhiều mưa như Đà Lạt giúp thoát nước nhanh, khó bám rêu làm bẩn mái. Xung quanh có các ô kính chạy để luôn luôn đưa ánh sáng từ các hướng vào phòng ga, nhờ vậy không bị tối tăm khi không có điện. Ngoài ra nhà ga còn mang nét đặc thù riêng của Đà Lạt đó là kiến trúc mặt trước của nhà ga lấy hình dáng đỉnh núi cao của dãy Langbiang làm biểu trưng, đồng thời gợi nhớ kỷ niệm về Yersin - nhà bác học có nhiều đóng góp to lớn trong việc khám phá và xây dựng thành phố Đà Lạt.
Với lối kiến trúc độc đáo, ga Đà Lạt được coi là nhà ga đẹp nhất Đông Dương thời bấy giờ. Đây cũng là nhà ga cao nhất Việt Nam vì tọa lạc ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển.
Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, cùng sự gián đoạn của tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, ga Đà Lạt ngừng hoạt động từ năm 1972. Sau ngày đất nước thống nhất, tuyến đường sắt gắn với ga Đà Lạt được vận hành trở lại nhưng chỉ chạy được 7 chuyến từ Đà Lạt đến cầu Tân Mỹ (Ninh Sơn, Ninh Thuận) thì bị ngưng lại vì không hiệu quả kinh tế. Từ năm 1986, tuyến đường sắt trứ danh một thời bị tháo dỡ dần dần.
Tới tháng 9/1991 Liên hiệp Đường sắt khu vực III kết hợp với ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng mới khôi phục lại một đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 7 km để tổ chức các chuyến du lịch ngắn ra ngoại ô bằng tàu hỏa phục vụ du khách đến Đà Lạt tham quan.
Tín hiệu hồi sinh tuyến đường sắt lịch sử
Sự lụi tàn của tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng những người yêu mến phố núi Đà Lạt. Nhưng trong thời gian gần đây, hi vọng về sự hồi sinh của tuyến đường sắt huyền thoại này đã được thắp lên qua tín hiệu tích cực từ các cơ quan chức năng cũng như nhà đầu tư.
Cụ thể, vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, với trọng tâm là khôi phục, cải tạo và khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Đà Lạt - Tháp Chàm cho mục đích du lịch.
Liên quan đến kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao Công ty Cổ phần Thương mại-Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng là nhà đầu tư đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (bao gồm tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát) bảo đảm theo quy định.
Sân ga của ga Đà Lạt. Ảnh: Quốc Lê. |
Trước đó, Công ty Cổ phần Thương mại-Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã có tờ trình gửi Bộ GTVT đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đi qua địa phận thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với chiều dài khoảng 83,5km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).
Dự án bao gồm 2 hợp phần, cụ thể: Hợp phần thứ nhất có khối lượng lớn hơn là khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát có chiều dài 76,8km, gồm việc khôi phục, xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng toàn bộ kết cấu tầng trên đường sắt.
Hợp phần thứ hai là nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt - đoạn đang khai thác với chiều dài 6,7km, trong đó có việc tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát. Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.
Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có tổng mức đầu tư 24.924 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay, chi phí tài chính); trong đó, 2 khoản chi nặng nhất là chi phí xây dựng là 4.517 tỷ đồng và chi phí thiết bị là 9.246 tỷ đồng.
Nếu tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được phục hồi, ngoài chức năng vận chuyển hàng hóa và hành khách thông thường giữa Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, đây sẽ là một sản phẩm du lịch tàu hỏa tuyệt vời và độc đáo, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy doanh thu từ ngành du lịch và phát triển kinh tế của địa phương cũng như toàn khu vực.