Bước vào hành lang tối lờ mờ và sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi, họ chọn phòng bằng cách ấn vào một nút. Với chỉ vài ngàn yên (khoảng từ 25 đến 30USD) trao cho một nhân viên tiếp tân giấu mặt (thường là đằng sau tấm kính cửa sổ mờ đục), họ được tự do trải nghiệm khoảng thời gian riêng tư nhất.
Trước đây, ngành kinh doanh khách sạn tình yêu ăn nên làm ra bởi vì những cặp đôi yêu đương muốn có được một chốn riêng tư, thoát khỏi những căn nhà có quá nhiều thành viên chung sống - Shigenmi Sudo, Giám đốc Hiệp hội Tokyo Hotel & Ryokan Inn, bình luận. Mỗi ngày, ước tính khoảng 1,4 triệu người Nhật Bản tìm đến khách sạn tình yêu.
Mặc dù chưa có số liệu chính thức, song giới chuyên gia phân tích cho rằng, ngành công nghiệp này trị giá 2 đến 3 nghìn tỷ yên (17 đến 25 tỷ USD) một năm. Tuy nhiên, chuỗi khách sạn tình yêu - được gọi theo Hotel Love, khách sạn đầu tiên mở cửa ở Osaka vào cuối thập niên 1960 - đang bước vào thời kỳ kinh doanh ảm đạm nhất do sự phổ biến của lối sống độc thân cùng với sự suy giảm dân số trẻ trong độ tuổi 20 đến 29 ở Nhật Bản.
Con số các khách sạn công khai phục vụ “nhu cầu xác thịt” giảm xuống còn khoảng 6.000 do nhu cầu trong nước không còn cao nữa và luật năm 1985 của chính quyền Nhật Bản yêu cầu ngành kinh doanh này phải có bộ mặt “lành mạnh” hơn.
Khung cảnh lãng mạn trong phòng khách sạn tình yêu. |
Hiện nay, những “khách sạn tình yêu” - với những tên gọi như Amore, Elegance và Asian Resort - ở Nhật Bản đang đối mặt với suy thoái do nhu cầu từ loại khách này giảm mạnh. Để tồn tại, chuỗi khách sạn tình yêu - tập trung đông đảo ở khu phố Dogenzaka của Tokyo nhờ sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền, đã bắt tay vào sửa chữa phòng ốc cho “sáng sủa” hơn để tiếp đón lượng du khách nước ngoài đang tăng nhanh, đặc biệt là người Trung Quốc (chiếm gần một phần ba).
Năm 2016, lượng du khách đến Nhật Bản với con số kỷ lục - 20 triệu người. Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản có tham vọng vào mùa Olympic 2020, nước này sẽ đón 40 triệu du khách. Do những khách sạn tiêu chuẩn quốc tế và của công ty du lịch không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu, sự thiếu hụt phòng ốc được bổ sung bởi chuỗi khách sạn nhỏ dành cho du khách ba lô và khách sạn tình yêu.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các khách sạn tình yêu bắt buộc phải đổi mới bộ mặt của mình. Cụ thể, những quầy tiếp tân chìm trong ánh sáng mờ ảo được thay thế bằng loại hình dịch vụ cafeteria. Ví dụ như Hotel Will ở quận Saitama thành phố Tokyo sử dụng loạt bóng đèn neon sáng chói bên ngoài, giấy dán tường màu hồng được thay thế bằng màu sơn trắng giản dị và giường đơn thế chỗ cho những chiếc giường đôi trong phòng.
Tivi màn hình lớn và tủ lạnh cũng được bố trí tại những nơi mà trước kia là chiếc gương khổng lồ, song chỉ có phòng tắm được trang bị đầy đủ tiện nghi vẫn được giữ nguyên. Hotel Will chật kín du khách Trung Quốc nhờ khách sạn ký được hợp đồng với một công ty du lịch nước này.
Do gặp khó khăn về tài chính, doanh nghiệp khách sạn Manryo biến đổi 3 khách sạn tình yêu ở quận Asakusa của Tokyo thành nhà nghỉ dành cho du khách ba lô - người phát ngôn Erika Yamato của Manryo cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn một số khách sạn tình yêu tiếp tục phục vụ cho những cặp tình nhân. Khách sạn Almex quảng cáo với du khách về những căn phòng tình yêu trên trang web tiếng Anh loveinjapan.com.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, Almex sẽ giới thiệu 2 phiên bản trang web bằng tiếng Trung và tiếng Hàn. Người phát ngôn của Almex có vẻ lạc quan: “Du khách bắt đầu tìm đến các khách sạn tình yêu do những khách sạn thông thường đã kín chỗ, hoặc có khi họ chỉ muốn tìm hiểu về loại hình dịch vụ nhạy cảm này ở Nhật Bản”.
Một số khách sạn tình yêu có tên gọi khá ngộ nghĩnh - Hotel Gorilla Dream (khách sạn Giấc mơ Gorilla), Innocent Beaver (Hải lý Vô tội) hay Hotel Banana & Doughnut (khách sạn Chuối và Bánh nướng). Các khách sạn tình yêu có thể được tìm thấy ở khắp nơi trên đất Nhật Bản và điểm đặc trưng của chúng là cho phép những cặp đôi tình nhân hay vợ chồng đến thuê chỉ để “quan hệ” hơn là ngủ.
Điểm khác biệt so với khách sạn thông thường là khách sạn tình yêu chỉ cho thuê phòng trong thời gian giới hạn khoảng 2 đến 3 giờ. Tuy nhiên, khi thuê phòng sau 10 giờ tối thì các cặp đôi có thể được phép kéo dài thời gian thuê suốt đêm. Tại một số khách sạn tình yêu, khách có thể chọn phòng bằng cách ấn vào một nút nằm kế bên bức hình giới thiệu nội thất thiết kế đặc biệt trên tường và sau đó chìa khóa phòng tự động bung ra qua một cái khe.
Trong khi một số khách sạn loại này chỉ là những bức tường bê tông khô khan, mặt tiền một số khác được xây dựng theo kiểu lâu đài châu Âu hoặc được sơn màu tươi sáng và trang trí với nhiều bóng đèn màu hay những trái tim. Những chiếc giường tình yêu tại một số khách sạn được thiết kế giống như khoa bệnh trong bệnh viện, nhà thờ, tàu hỏa hay thậm chí tàu cướp biển.
Những bức tường trong phòng được trang trí bằng hình ảnh nhân vật truyện tranh hay một con mèo Hello Kitty bám trên tường phía trên đầu giường của cặp đôi. Ngoài ra, nếu như khách thuê phòng từng mơ ước ăn mặc như Thỏ Bunny, cheerleader (nữ cổ vũ) hay cô hầu Pháp sẽ có cơ hội biến giấc mơ thành hiện thực. Thú vị hơn, một số khách sạn còn phục vụ chiếc giường có đệm nước xoay tròn hay buồng tắm hình trái tim.
Những quầy bar nho nhỏ không chỉ phục vụ đủ loại nước giải khát mà còn bán bao cao su. Phần lớn các phòng trong khách sạn tình yêu không có cửa sổ cũng như được cách âm hoàn toàn cho phép cặp đôi thoải mái tận hưởng những giây phút riêng tư với nhau.