Bùi Ngọc Thành (23 tuổi, quê Phú Thọ), sau một năm thử việc, Thành được nhận vào làm nhân viên lễ tân tại một khách sạn lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, mới chỉ nhận được 3 tháng lương đầy đủ, dịch ập đến, số ca làm việc của Thành bị cắt giảm. Để trả đủ tiền nhà ở và sinh hoạt, Thành buộc phải kiếm thêm thu nhập từ công việc khác.
Nhờ sự giới thiệu của một người bạn, Thành xin được làm nhân viên vận chuyển nhà của một công ty nhỏ. Vì trực ca đêm, nên Thành có nhiều thời gian vào buổi sáng và đầu giờ chiều. Công việc vận chuyển không đều nhưng thu nhập cũng được thêm từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/tháng. Thành chia sẻ: “Trước đây, khi còn đang học đại học, em có đi làm lấy kinh nghiệm tại các khách sạn ở vị trí nhân viên hành lý. Vì vậy, công việc vận chuyển này cũng không quá vất vả. Thêm vào nữa, chỉ cần mình nhiệt tình, đa phần chủ nhà sẽ cho thêm tiền bồi dưỡng”.
Cùng cảnh ngộ, Lê Quang Vinh (23 tuổi, quê Thái Bình), từng làm nhân viên kéo hành lý của một khách sạn lớn tại Hà Nội. Dịch ập đến, vị trí của anh bị cắt giảm. Để có đủ tiền trả góp cho chiếc xe máy mua từ đầu năm, anh quyết định trở thành một shipper. Thông qua một số mối quan hệ, anh hợp tác với một hàng hoa quả, đều đặn khoảng 4-5 ngày/tuần, cứ chừng 4h, anh lại đến điểm hẹn lấy hoa quả đi giao hàng.
Có những hôm hàng nặng gần tạ, anh Vinh phải trở từ bến xe Mỹ Đình về đến Long Biên được 150.000 đồng, hôm nào nắng gắt, anh mới xin thêm 20.000 tiền uống nước. Anh còn tận dụng các ứng dụng giao hàng khác như Now, Grabfood để có thêm các đơn hàng. Anh Vinh sẽ gom vào trước khi đi chở hoa quả để cùng một chuyến sẽ tiết kiệm xăng hơn.
Không chỉ các nhân viên lễ tân, bộ phận buồng phòng các khách sạn cũng bị cắt giảm tối đa. Chị Nguyễn Bích Khiêm (50 tuổi, trú tại Long Biên) làm nhân viên dọn phòng đã nhiều năm nay, tình hình dịch phức tạp khiến thu nhập của gia đình chị giảm xuống gần như kiệt quệ và đã có lúc phải trông chờ vào những đồng lương ít ỏi của cô con gái làm giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh. Chồng chị Khiêm là tài xế chuyên lái xe du lịch 45 chỗ và mùa dịch, anh cũng bị rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Dựa vào những kinh nghiệm của bản thân, chị Khiêm quyết định tìm các công việc dọn nhà thuê theo giờ, hoặc có nhà thì tính theo mét vuông. May mắn, chị Khiêm đã nhận được lời giới thiệu của một số người. Đều đặn hàng tuần, mỗi thứ ba, năm, bảy, chị Khiêm sẽ đi đến các khu đô thị để lau dọn nhà cửa.
Chị Nguyễn Ngọc Thảo (25 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) đã làm lễ tân được ba năm nay. Vì khách sạn cắt giảm ca, tiền lương chỉ còn 3 triệu đồng/tháng. Chị quyết định sử dụng số tiền dự phòng ít ỏi trước đó để kinh doanh các loại nước uống giải khát trong mùa hè.
“Mình quyết định xoay từ công việc khách sạn sang kinh doanh vì trong mùa dịch. Mọi người đều khó chung, mình phải biết cách xoay xở để có thể mưu sinh được trong thời buổi khó khăn này. Mình cũng chỉ dựa vào những kỹ năng đã có từ trước để tự tạo ra việc làm và thu nhập cho bản thân”, chị Thảo cho biết.
Vốn là nhân viên tư vấn đặt phòng khách sạn, chị Nguyễn Thu Trang (22 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng) cho biết, cuộc gọi đến đặt phòng còn rất ít, đa phần các khách đã hoãn đặt phòng đến tháng 7, Trang quyết định đi dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học để có thu nhập và tiếp tục chờ đợi dịch tan.
Trang quyết định đi dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học để có thu nhập và tiếp tục chờ đợi dịch tan
Trang chia sẻ: “Điều mình mong muốn lớn nhất vẫn là làm PR và tổ chức sự kiện tại các khách sạn, nhưng vì dịch COVID-19 tái bùng phát, từ năm ngoái đến nay, vị trí đó vẫn chưa có khách sạn nào tuyển”.
Một ngày hiện tại của Trang chỉ loanh quanh trong căn phòng nhỏ, hết dạy học lại lướt facebook. Mong muốn lớn nhất của Trang là dịch được kiểm soát, các khách sạn hoạt động trở lại, em có thể tiếp tục theo đuổi dự định đã đặt ra từ trước đó và trở lại với công việc nhân viên tư vấn đặt phòng khách sạn.