Hết thời sang chảnh
Từng đón các tổng thống khi tới thăm Việt Nam, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch Covid. Để tìm kiếm nguồn thu, các khách sạn sang chảnh này phải nghĩ ra đủ cách.
Mùa hè vừa qua, khách sạn Sofitel Legend Metropole đã mở dịch vụ tiệc tại nhà cho khách hàng. Theo đó, đồ ăn được các đầu bếp chế biến giao tận nhà với thực đơn hạng sang như thăn bò Úc, cá hồi Na Uy, phô mai Pháp, hay gan ngỗng và các loại xúc xích cao cấp,...
Tương tự, JW Marriott cũng mở dịch vụ tại nhà kiểu mới, phục vụ bữa trưa và bữa tối; miễn phí giao hàng trong 5km, trên 5km thì phí ship 100.000 đồng với đơn hàng tối thiểu từ 750.000 đồng.
Thậm chí, các khách sạn còn bán cả đồ ăn gắn liền với cuộc sống bình dân như cơm rang dưa bò, phở xào,... Pan Pacific Hà Nội, Melia còn ship đồ ăn thuần Việt như: bún chả, phở gà, cháo sườn, cơm rang dưa bò, phở xào, cơm gia đình... Nhiều suất đồ ăn chỉ có giá từ 25.000 đồng.
Khách sạn 5 sao bán đồ ăn bình dân (Ảnh chụp facebook) |
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài với diễn biến khó lường, các khách sạn đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh để nhanh chóng thích nghi, như đăng ký làm cơ sở cách ly có trả phí, hoặc cung cấp dịch vụ lưu trú dài hạn.
Tại Hà Nội, trong số hơn 20 khách sạn tham gia dịch vụ này, hơn nửa là 4-5 sao, có giá thuê phòng thuộc loại đắt nhất tại Hà Nội như Khách sạn Hyatt Regency West, Khách sạn Sofitel Legend Metropole, Khách sạn InterContinental, Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La...
Tương tự, thị trường TP.HCM đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình, khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 78%. Tất cả các khách sạn 5 sao tại khu vực này đều đã được sử dụng làm sở cách ly y tế.
Giá phòng sụt giảm
Đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn. Theo CBRE, tại Hà Nội, giá giá phòng bình quân đạt 94,4 USD, giảm 3,9% so với quý 3/2020 và giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, công suất phòng bình quân đạt 26,2%, giảm 3% so với cùng kỳ 2020 và giảm 54,7% so với cùng kỳ 2019. Vì vậy, doanh thu trên phòng chỉ đạt 24,7 USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm 72.9% so với cùng kỳ 2019. Kết thúc quý 3/2021, thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội có tổng cộng 5.337 phòng với 38 dự án.
Còn tại TP.HCM, thị trường khách sạn 4-5 sao đã có sự thay đổi tương đối tích cực hơn so với giai đoạn dịch mới bùng phát hồi 2020, nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức khá thấp so với thời điểm trước dịch.
Báo cáo doanh thu và công suất |
Giá phòng bình quân quý 3/2021 chỉ đạt 61 USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ 2020. Giá phòng bình quân và công suất phòng bình quân lần lượt chỉ bằng 53,8% và 52,8% so với mức ghi nhận được tại quý 3/2019. Riêng doanh thu trên phòng sụt giảm khá mạnh, chỉ mới bằng 28,2% so với cùng kỳ 2019.
Tính đến hết quý 3/2021, thị trường khách sạn tại TP.HCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án. Hơn 3 tháng thực hiện giãn cách nghiêm ngặt đã tạo nhiều sức ép cho du lịch và khách sạn tại TP.HCM, do đây là hai nhóm ngành vốn đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề trong suốt năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa đến TP.HCM tiếp tục đà giảm 31% so với cùng kỳ, với 7,8 triệu lượt khách được ghi nhận, trong khi đó khách du lịch quốc tế hầu như không có.
Tương lai khó đoán
Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường khách sạn 4-5 sao sẽ còn gặp nhiều khó khăn do mức giá thuê phòng bình quân vẫn duy trì ở mức khá thấp. Các khách sạn mới sắp đi vào hoạt động đang gặp nhiều thách thức.
Khách sạn 5 sao ảnh hưởng vì dịch (Ảnh: D.A) |
Từ nay đến cuối năm 2021, nguồn cầu chính vẫn được kỳ vọng vào lượng khách chuyên gia, hoặc khách doanh nhân từ các địa phương khác đến Hà Nội làm việc khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Việc Hà Nội cho phép mở lại các cơ sở lưu trú cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ là những bước đi nhằm vực dậy du lịch trong nước.
Còn tại TP.HCM, lộ trình khôi phục hoàn toàn về trạng thái ”bình thường mới” của thành phố dự kiến trong quý 4/2021. Thị trường khách sạn được kỳ vọng hồi phục và có nhiều bước tiến hơn trong năm tiếp theo, cùng với đó đây là giai đọan Việt Nam cũng sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế đón khách du lịch nước ngoài trở lại.
Trong năm 2022, Hà Nội dự kiến có thêm một dự án mới đi vào hoạt động. Westin Hà Nội, Four Seasons Hà Nội và Hilton Hà Nội Westlake dự kiến khai trương năm 2023.
Theo đánh giá của CBRE, hầu hết các dự án này đều là khách sạn 5 sao nên sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ở phân khúc này trong tương lai, đòi hỏi các khách sạn hiện hữu phải liên tục đổi mới, cải tạo để giữ được vị thế của mình trên thị trường.