Lịch sử oai hùng
Tháng Chạp năm Canh Thìn (1700), Tống Phúc Tài làm nội hữu cai cơ cùng văn chức Trần Đình Khánh được chúa Nguyễn cử vào kinh lý Quảng Bình và Bố Chính, khi về dâng biểu xin tu bổ lũy Đồng Hới. Chúa Nguyễn sai thế tử Diệu, hiện làm ngoại tả tước Chưởng dinh và thư hợp Nguyễn Khoa Chiếm cùng Tống Phúc Tài và Trần Đình Khánh mộ dân phu và đem binh lính vào sửa sang chính lũy Đồng Hới từ núi Đâu Mâu đến cửa sông Nhật Lệ. Tháng 3 năm Canh Dần (1710), sai sửa sang thành quách, cầu cống, đường sá ở hai dinh Lưu Đồn và Quảng Bình dọc theo lũy Đồng Hới. Tháng 9 năm Quý Tỵ (1713), chúa Ninh Vương lại thân chinh đến ba doanh Bố Chính, Lưu Đồn và Quảng Bình thăm các cơ quan quân sự.
Mãi đến năm 1774, tức là sau một trăm năm Trịnh Nguyễn đình chiến, nhân trong Nam có quần thần Trương Phúc Loan chuyên chính ở trong, Tây Sơn đánh phá ở ngoài, chúa Trịnh Sâm bèn sai đại tướng Hoàng Ngũ Phúc đem thủy bộ hơn ba vạn quân vào đánh chiếm đất Bố Chính. Hoàng Ngũ Phúc sang sông Linh Giang sai Hoàng Đình Thể đánh lấy lũy Trấn Ninh, rồi đem quân xuống đóng ở Hồ Xá (phía bắc tỉnh Quảng Trị) đánh lấy lũy Đồng Hới, rồi chiếm cả tỉnh Quảng Bình. Trấn thủ Quảng Bình là Liêm Chính và Thống xuất đạo quân Lưu Đồn là Tống Hữu Trường bỏ chạy. Quân Trịnh tiến xuống phía Nam chiếm thành Phú Xuân. Quân nhà Nguyễn lánh nạn vào miền Nam, chẳng bao lâu, quân nhà Trịnh bị Tây Sơn đánh đuổi. Nguyễn Ánh lánh sang Thái Lan, sau đem quân về đánh Tây Sơn.
Tranh minh họa. |
Kết thúc buồn cho lịch sử Lũy Thầy
Năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị qua Đồng Hới, truyền Công bộ thượng thư hiệp cùng các quan bản tỉnh phải sửa chữa những đoạn trường lũy bị thời gian làm hư hỏng, tổ chức thao diễn của thủy quân tập cho quen địa thế và chiến lược. Lũy Đồng Hới từ đó được thay tên mới là Định Bắc trường thành. Tuy có cuộc trùng tu sửa chữa như thế, nhưng thành Đồng Hới sau này cũng không giúp ích gì trong việc phòng thủ.
Năm 1885, một đạo binh Pháp theo tiếng kèn, nhịp trống rầm rộ kéo vào thành Đồng Hới như vào một nơi bình địa dễ dàng. Đó là dấu chấm hết trên trang chiến sử của lũy Đồng Hới. Từ đó, trường lũy và thành Đồng Hới không còn một công cụ gì trong việc chiến thủ nữa. Năm tháng trôi đi, gạch đá của cố lũy cũng dần dần bị mất đi hoặc bị sử dụng vào việc xây dựng các căn nhà mới.
Những gì còn lại ngày nay của Lũy Thầy không thể giúp ta hình dung lại một công trình quân sự có ý nghĩa phòng thủ quan trọng trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn nữa. Cũng may vẫn còn những sử liệu để ta có thể hiểu được về thành lũy này. Thành lũy đã không còn, nhưng Đào Duy Từ, người xây dựng nên nó vẫn được người đời sau ghi nhớ. Ông không chỉ được các đời vua nhà Nguyễn sau này ghi nhận là người đứng đầu trong các bậc khai quốc công thần nhà Nguyễn, được phong Hoằng quốc công, được tùng tự trong Thái miếu... mà còn được nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi.