Là một trong những nhân vật quyền lực nhất trên Trái đất, Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ có một vai trò then chốt đối với việc phát triển và quản trị Châu Á. Điều này đặc biệt đúng khi xem xét ảnh hưởng của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đối với các thị trường vốn toàn cầu, khi qui mô của nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ lớn hơn Mỹ trong những năm 2020 và bởi vì các nước khác của Châu Á - bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia - có thể sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.
Đối với Trung Quốc, bà Hillary Clinton là "nhân tố gây rối", còn ông Donald Trump là "nhân tố bí ẩn". Ảnh GQ Magazine |
Vậy chính sách đối với Châu Á của hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump sẽ như thế nào?
Tự do thương mại
Để hưởng lợi từ tiềm năng phát triển to lớn của Châu Á, Tổng thống Obama đã đàm phán Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thúc đẩy thương mại tự do với qui mô lớn hơn.
Nhưng thỏa thuận mang tính bước ngoặt này bây giờ đang bị chìm lắng hoặc thậm chí có nguy cơ bị loại bỏ, phụ thuộc vào việc và Clinton hay ông Trump giành phần thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 tới. Điều này sẽ dẫn đến tâm trạng bực bội của Nhật Bản và một số quốc gia ASEAN đã ký kết TPP.
Để giành quyền đề cử của đảng Dân chủ, ứng viên Hillary Clinton đã phải tỏ ra hoài nghi các giao dịch thương mại dưới thời Tổng thống Obama, bao gồm cả TPP mà chính bà đã góp phần khởi xướng.
Tương tự, Đảng Cộng hòa ngày càng trở nên chống tự do thương mại hơn, kể từ khi Đảng Trà bắt đầu gây áp lực lên các nghị sĩ quốc hội. Đây là một trào lưu mà ứng viên tổng thống Donald Trump đã triệt để tận dụng.
Tuy nhiên, mọi chế độ thương mại khuyến khích pháp quyền và tiêu chuẩn hóa cách thức kinh doanh đều sẽ có lợi cho sự phát triển trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ gây khó cho các nước “ỷ lớn, hiếp nhỏ” thông qua giao dịch thương mại và ảnh hưởng chính trị.
Trong một nỗ lực tái cân bằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Châu Á, ứng viên tỷ phú Donald Trump đã nói rằng ông sẽ nâng các rào cản thương mại đối với nhiều nước có sức cạnh tranh cao trong khu vực, trong đó có việc đánh thuế ở mức hai con số đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Căng thẳng tiền tệ cũng sẽ gia tăng, nếu Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Tố cáo một số quốc gia đang "gian lận" thông qua việc cố tình định giá đồng nội tệ quá thấp, tỷ phú Donald Trump có khả năng đòi Trung Quốc phải cải cách ngoại hối và gây sự với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vì cái tội giữ cho đồng yên định giá thấp so với đồng đô la Mỹ.
Chính trị và địa chính trị
Cả hai ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump đều hứa hẹn sẽ là "cứng rắn đối với Trung Quốc”. Điều này có thể chỉ là hùng biện chính trị. Trong nhiều thập kỷ qua, gần như tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ đều chơi con bài này trong chiến dịch vận động bầu cử, nhưng khi lên cầm quyền, không có tổng thống Mỹ nào có thể bỏ qua sức mạnh của nền kinh tế của Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế của nó.
Đối với Bắc Kinh, bà Clinton bị cho “nhân tố gây rối”, đặc biệt về các vấn đề nhân quyền, tự do internet và kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đóng vai trò then chốt trong quyết định đưa 60% đội tàu Hải quân Mỹ đến Châu Á vào năm 2020.
Về khía cạnh chính trị, Donald Trump vẫn còn là một “nhân tố bí ẩn” đối với Bắc Kinh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bị cho là ủng hộ ứng viên Donald Trump thắng cử. Do đó, Nga đã bị cáo buộc tội trộm cắp và làm rò rỉ các tài liệu nội bộ đảng Dân chủ vào mùa hè vừa qua. Donald Trump được coi là dễ bị uốn cong, có thể dẫn đến một nhiệm kỳ tổng thống hỗn loạn và cung cấp cho Nga cơ hội để lấy lại ảnh hưởng vốn có trên thế giới. Trung Quốc có thể cũng cảm thấy như vậy, khi tìm cách kiểm soát tốt hơn Biển Đông và các nước láng giềng Châu Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cần đề phòng khả năng những lời hùng biện chống Trung Quốc của phe cánh ông Trump biến thành những hàng rào thuế quan thương mại trên thực tế.
Nếu bà Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11, chính sách đối ngoại Mỹ có thể sẽ trở nên hiếu chiến hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho NATO.
Một số nhà phân tích cho rằng Nga và Trung Quốc đang ráo riết lấn sân trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, vì cho rằng đây là thời điểm thuận lợi hơn so với nhiệm kỳ tổng thống của bà Hillary Clinton.
Về vấn đề biến đổi khí hậu - một vấn đề lớn đối với các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á, hiện có khác biệt rõ rệt trong quan điểm của hai ứng viên tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump không chấp nhận các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu, trong khi bà Hillary Clinton gọi đây là một "mối đe dọa khẩn cấp”.