Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với 3 triệu cổ phiếu TTJ của CTCP Thủy Tạ vào ngày 19/1. Theo đó, ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này là ngày 18/1.
Lý do hủy giao dịch là CTCP Thủy Tạ hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Cổ phiếu TTJ của Thuỷ Tạ sắp rời sàn chứng khoán. |
CTCP Thủy Tạ tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ, thành lập tháng 5/1958, là nhà hàng duy nhất nằm sát bờ Hồ Gươm. Hiện Kem Thủy Tạ là thương hiệu kem lâu đời được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó công ty còn có chuỗi Café Thủy Tạ, nước tinh khiết Pha Lê, bánh trung thu Thủy Tạ…
Cổ phiếu TTJ chính thức giao dịch trên UPCoM từ 20/6/2017 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại mức 31.000 đồng/cp, tuy nhiên lại không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư khi thanh khoản giao dịch của TTJ rất thấp.
Cổ phiếu TTJ duy trì tại mức giá 45.000 đồng/cp từ hồi giữa tháng 5/2020 và đã không phát sinh giao dịch nào trong khoảng thời gian đó đến nay.
Từ năm 2016-2018, kết quả kinh doanh của TTJ thể hiện sự sụt giảm rõ rệt khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ hơn 7 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 2 tỷ đồng trong năm 2018.
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của Thủy Tạ sụt giảm là do mảng kem - vốn là mảng chủ lực của Công ty liên tục đi xuống. Cụ thể, từ mức doanh thu hơn 54 tỷ đồng năm 2016, giảm xuống còn 47,5 tỷ đồng năm 2017 và còn 45,9 tỷ đồng năm 2018.
Hơn nữa, trong bối cảnh doanh thu không tăng trưởng, thậm chí sụt giảm thì chỉ cần một sự gia tăng ở chi phí (chí phí bán hàng) cũng đủ làm cho lợi nhuận của TTJ bị ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ.
Theo đánh giá của TTJ, sản phẩm kem mang tính thời vụ cao nên chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết không thuận lợi. Sự cạnh tranh từ đối thủ nhiều tiềm lực ngày một gay gắt với nhiều dòng sản phẩm mới, trong khi thị trường tỉnh lẻ xuất hiện nhiều dòng sản phẩm kem rẻ tiền.
Hơn nữa, chi phí bán hàng lớn, đặc biệt chi phí khấu hao về tủ đông, trong khi hiệu quả quản trị hệ thống kem có tủ thấp. Chất lượng kem của Thủy Tạ đi xuống vì độ lạnh không đảm bảo do hệ thống máy móc quá cũ, chưa đầu tư kịp. Vì thế các sản phẩm kem không có khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng lên bán hàng và tiêu thụ.
Còn trong năm 2019, Thủy Tạ ghi nhận doanh thu thuần hơn 88 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2018. Khấu trừ các khoản chi phí, lãi trước thuế tăng 35% lên hơn 3,9 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí thuế TNDN hiện hành tăng cao gấp 5 lần nên lãi sau thuế giảm mạnh xuống mức 791 triệu đồng, giảm mạnh chỉ bằng 1/3 kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái.