Xứ Thanh vốn nổi tiếng là vùng đất “ Địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh nhiều bậc nhân tài kiệt xuất, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nức tiếng của cả nước. Đương nhiên, quả là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến di tích đền Đồng Cổ - ngôi đền có lịch sử lâu đời bậc nhất xứ Thanh, gắn liền nhiều thần tích, truyền thuyết ăn sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Khám phá ngọn núi Tam Thai
Người dân vùng đất Đan Nê từ bao đời nay luôn tự hào là nơi mở đầu công cuộc đào sông khơi ngòi của anh hùng dân tộc Lê Hoàn, người có công đầu trị thủy là Đào Lang ( làng Bùi Đỉnh, xã Yên Trung), dòng sông khai nguồn từ đền Đồng Cổ ghi dấu ấn chiến công của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, là huyết mạch giao thông để Thanh Hóa chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Nói đến cụm di tích núi và đền Đồng Cổ, không thể không nhắc đến dãy núi Tam Thai (tên chung của 3 ngọn núi: núi Xuân, núi Nghễ, núi Đổng), mỗi ngọn núi lưu giữ những giá trị lịch sử quý giá khác nhau.
Quang cảnh đền Đồng Cổ. |
Núi Xuân là ngọn núi phía Tây Bắc đền Đồng Cổ, tương truyền là nơi các vị thần về chầu trời, trên vách núi có khắc hai tấm bia một chữ Hán, một chữ Pháp. Tại tấm bia chữ Hán có viết, trong một lần nghỉ lại vùng đất Đan Nê, Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con trai vua Quang Trung) vào cầu khấn trong đền, sau đó ứng nghiệm, bên bờ nam sông Mã xuất hiện một chiếc trống đồng cổ, năm 1802 ngài đem hiến cho đền trông coi, bảo quản.
Còn tại ngọn núi Nghễ, có động Trung Vân, nơi xưa kia là nơi trú quân của một đơn vị bộ đội, nên có tên gọi “ hang Tòng quân”.
Là ngọn núi đứng độc lập phía Tây Nam đền, trong hang núi Đổng có động Ích Minh – trong kháng chiến chống Pháp từng là nơi sản xuất vũ khí của một công binh xưởng, sau đó là nơi đặt nhà máy điện Bình Giã, cung cấp điện phục vụ quân đội…
Phía dưới là bến Trường Châu bên bờ sông Mã, theo sử sách có ghi, nơi đây xưa kia Lý Phật Mã neo thuyền (năm 1020) trong một lần dẹp giặc phương Nam, đồng thời là nơi đô hội buôn bán tấp nập một thời của vùng đất Ái Châu xưa.
Thần tích và truyền thuyết đền Đồng Cổ
Thần Đồng Cổ hay còn gọi thần trống đồng, là vị thần được thờ trong đền Đồng Cổ, thuộc núi Đồng Cổ ( còn gọi là núi Khả Phong), thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền, tạ lễ, cho đúc trống đồng, lập đền thờ, phong cho thần là “ Đồng Cổ Đại Vương.”
Đền Đồng Cổ nhìn từ ngoài thành. |
Năm 956, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong một lần đem quân đánh giặc Chiêm Thành, qua địa phận sông Bà Hòa (thuộc huyện Tĩnh Gia ngày nay), trời bỗng nổi mưa to gió lớn, thuyền bè không đi được, thần Đồng Cổ hiện lên báo mộng xin giúp sức, tỉnh dậy Lê Hoàn liền chắp tay bái tế, lập tức trời quang mây tạnh, sóng gió trở lại bình yên, thuyền bè đi lại dễ dàng. Trận đó quân ta thắng lớn.
Trong cuốn sách “Việt Điện U Linh” từ thế kỷ XIV thời Trần, vua Lý Thái Tông khi chưa lên ngôi, trong một lần dẹp giặc phương Nam đã dừng chân trong đền, thấy thần hiện lên giúp sức. Đến khi lên nối ngôi, nằm mộng được thần hiện báo ba vị vương em vua (Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh) có âm mưu khởi loạn giành ngôi, tỉnh giấc nhà vua liền sai Lê Phụng Hiểu chế ngự, việc trong nhà dẹp yên.
Xung quanh đền Đồng Cổ, người dân làng Đan Nê còn lưu truyền nhiều giai thoại, truyền thuyết gắn liền lịch sử của đền.
Theo lời một số bậc cao nhân tại đây cho biết, khi xưa dân làng đào giếng, tự nhiên đất khơi lên đỏ như son, khi ngựa chiến của vua tôi nhà Lý trong cuộc bình Chiêm qua làng, lúc dừng vó nghỉ chân ở đền, uống nước trên hồ Bán Nguyệt trước đền, mõm con nào cũng đỏ như son.
Đầu thời Trung Hưng, trong cuộc nội chiến Lê – Mạc, quân Mạc đang thế mạnh, qua cửa biển Thần Phù tràn vào các đường hai huyện Vĩnh Ninh và Yên Định ( Vĩnh Lộc và Yên Định ngày nay), thủy quân nhà Lê án ngữ phía thượng lưu sông Mã, lâp doanh trại đóng quân, đêm đêm thường nghe tiếng trống ầm ầm như sấm, tiếng ngựa hí… dồn đến vang xa mấy nghìn dặm. Sáng hôm sau, quân nhà Lê truy kích, quân Mạc tan vỡ rút chạy. Dò la hồi lâu, mới biết tiếng ầm ầm trống chiêng phát ra từ miếu thờ thần Đồng Cổ.
Chỉ trong một đêm có thần thác mộng giúp nhà Lê phá giặc, đến ngày giao chiến, gió thuận triều dâng rất mạnh, khí thế quân nhà Lê tăng gấp bội phần, quân Mạc thua chạy. Về sau, triều đình nhà Lê Trung Hưng sai quan tu sửa đền thờ, miễn giảm cho dân các việc quân để thờ phụng ở đền, đền đáp công giúp nước của thần. Trong đó, công lao giúp sức của ông Nguyễn Văn Giai, người làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc thuộc Châu Hoan, tỉnh Nghệ An ( đỗ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân, được bổ nhiệm làm quan Hiến sát sứ lộ Thanh Hóa năm Canh Thìn 1640) rất quan trọng.
Dẫn lời một số cao nhân trong làng, trước Cách mạng tháng Tám 1945, cứ vài ba năm lại có một cái tán vàng hiện ra ở quán Triều Thiên, ba ngày sau mới lặn, quan địa phương đến xem xét tế lễ. Vào một buổi chiều mây mù ùn ùn kéo đến, gió mưa nổi lên, người dân nhìn thấy một con rồng đen uốn mình từ trên trời trườn xuống đền. Mỗi khi hạn hán, các quan cùng dân lại lại làm lễ cầu mưa và ứng nghiệm…
Vào năm 2001, đền Đồng Cổ đã vinh dự được xếp hạng Di tích, lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Nếu đã có dịp ghé thăm ngôi đền cổ kính, linh thiêng này, hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với kết cấu “ Tiền nhất – hậu đinh”, gồm tiền đường, chính tẩm, nhà cầu và thượng điện. Đền nằm ở vị trí tâm điểm thuộc dãy núi Tam Thai, bên trong có một cái trống bằng đồng nặng chừng 100 cân, chế tác rất tinh xảo, tương truyền được làm từ đời Hùng Vương.
Cứ đến ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân xã Yên Thọ, huyện Yên Định lại tổ chức lễ hội đền Đồng Cổ để tưởng nhớ vị thần có công với đất nước.