Cách đây một thời gian, thuốc lá điện tử được quảng cáo và khuyến cáo sử dụng như một biện pháp nhằm cai nghiện thuốc lá truyền thống một cách hiệu quả. Theo đó, các thông tin quảng cáo được đăng tải rầm rộ trên các trang báo, mạng xã hội và thậm chí là cả banner ở những nơi công cộng.
Nghe theo lời quảng cáo, không ít người đang nghiện thuốc lá nặng đã sẵn sàng chi tiền trăm, tiền triệu để sử dụng loại thuốc lá này. Tuy nhiên, có những trường hợp đã sử dụng thuốc lá điện tử các đây gần 4 năm mà vẫn chưa bỏ được, thậm chí còn bị nghiện nặng hơn khi hút loại thuốc lá này.
Trao đổi với phóng viên, BS Tạ Chi Phương – nguyên Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, những người có suy nghĩ và sử dụng biện pháp hút thuốc lá điện tử nhằm giảm tác hại và giúp bỏ thuốc lá truyền thống là hoàn toàn sai lầm vì thuốc lá điện tử không những độc mà còn độc hơn gấp hàng chục lần so với những loại thuốc lá thông thường.
Bộ thuốc lá điện tử đang được bày bán trên mạng. |
BS Phương cho biết, đã có không ít trường hợp mắc ung thư phổi vì nghe theo lời giới thiệu, quảng cáo mà sử dụng thuốc lá điện tử. Thậm chí có trường hợp đã chuyển sang ung thư giai đoạn cuối chỉ vì loại thuốc lá này.
Thực tế tại các khoa Ung bướu hoặc các bệnh viện ung bướu chứng minh rất rõ điều này. Ví dụ điển hình như trường hợp của Vũ Quốc Hùng (27 tuổi, ở Thanh Hóa) đang phải nằm điều trị và chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện K Trung ương, cũng chỉ vì hút thuốc lá.
Theo hồ sơ bệnh án, Hùng có thâm niên hút thuốc 11 năm và hiện đang phải điều trị bằng hóa chất, đồng thời phải chăm sóc giảm nhẹ (giảm đau) vì mắc bệnh ung thư phổi.
Theo đó, học hết cấp 2 do gia đình khó khăn, Hùng phải nghỉ học ở nhà lao động kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Cũng từ đó, Hùng bắt đầu bập vào hút thuốc lá và cả thuốc lào. Đến năm 23 tuổi, khi ra Hà Nội theo anh rể để làm những công trình xây dựng lớn hơn, Hùng bắt đầu cảm thấy tức ngực, khó thở …khi đó đi khám chưa phát hiện ra bất thường gì, bác sĩ có khuyên cần phải bỏ ngay thuốc lá.
Trước những khuyến cáo của bác sĩ, Hùng bắt đầu thấy sợ và tìm cách cai thuốc lá, thuốc lào, đúng thời điểm đó Hùng được bạn bè giới thiệu nên hút thuốc lá điện tử vì không độc, sau một thời gian sẽ mất cảm giác và bỏ được hẳn.
Nghe theo lời giới thiệu, Hùng bỏ ra cả triệu bạc để mua “đồ nghề” cho việc hút thuốc lá điện tử, tuy nhiên càng hút càng nghiện và đã gần 4 năm kể từ khi khi sử dụng loại thuốc lá này, cho đến tận ngày nhập viện và phát hiện mắc bệnh ung thư phổi thì Hùng mới bỏ hẳn tất cả các loại thuốc lá mà trước đây đã sử dụng.
Từ trường hợp trên, BS Phương cho rằng, điều đó là không lạ và không hiếm đối với các bác sĩ điều trị bệnh ung thư. Bởi có đến hơn 90% các bệnh nhân mắc bệnh ung thư có liên quan đến việc hút thuốc, trong đó có cả hút thuốc lá điện tử và 5% tuy không trực tiếp hút thuốc nhưng cũng bị ảnh hưởng của việc hút thuốc thụ động.
Theo BS Phương, thuốc lá điện tử khi hút vẫn bơm chất nicotin vào phổi như thuốc lá bình thường và vì vậy vẫn gây nghiện như mọi loại thuốc lá khác. Đặc biệt, trong thuốc lá điện tử có chất ormaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Vì thế, để tránh gây hại cho sức khỏe, BS Phương khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không hút thuốc lá dưới mọi hình thức , điều này không chỉ tốt cho bản thân mà còn tốt cho chính người thân trong gia đình mình, vì nhiều trường hợp người hít phải khói thuốc lá bị ung thư trước cả người hút thuốc.
Mời quý độc giả xem video Những thực phẩm thường gặp nhưng rất độc (nguồn Youtube):