Hồi năm nhất tôi trọ học ở con hẻm nhỏ dọc theo kênh Nhiêu Lộc. Phía sau nhà trọ lại là một con hẻm dốc, đổ dài. Thi thoảng những tối chệch đường, tôi lại chọn con hẻm này để về nhà trọ. Mấy bóng đèn neon trên cột điện leo lét không đủ soi sáng cái bóng tối hun hút của con hẻm. May nhờ bóng điện huỳnh quang của xe mì gõ góp thêm năng lượng.
Ảnh: Internet |
Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết món hủ tiếu của Sài Gòn, mà phần lớn người bán là dân xứ Quảng vô lập nghiệp. Lại nhớ xe hủ tiếu ở hẻm trọ, đó là đôi vợ chồng đâu tuổi bốn mươi. Cho đến khi tôi gặp thì họ cũng chục năm gắn với nghề gõ lóc cóc này rồi.
Thời đó, ngoài bột chiên, bò pía, gỏi cuốn tấp nập một khu rộn ràng góc Hồ Con Rùa, thì hủ tiếu chính là món không thể thiếu so với túi tiền cực ít ỏi của đám sinh viên tỉnh lẻ. Thời giá của tô hủ tiếu khi đó chỉ hai ngàn đồng. Vài miếng thịt “cán mỏng gió bay”, miếng bò viên cũng không thể nào mỏng hơn nữa, mớ giá hẹ, tóp mỡ, tỏi phi ở trên cùng, rồi chan nước súp vào. Vậy mà lôi cuốn không biết bao nhiêu mái đầu xanh xa nhà, thiếu thốn.
Bạn đồng hành của hủ tiếu nước là mì khô. Là loại mì trứng tươi trụng qua nước sôi, chần thêm nước súp, bỏ ra tô, cho sa tế, tỏi phi, nước sốt, nhanh tay đảo đều cho mì khỏi dính rồi mới điểm thêm lát thịt, tóp mỡ, giá hẹ.
Bọn sinh viên thời đó có đứa “khôn lén”, đi ăn hủ tiếu thường gọi mì khô. Bởi lẽ, ăn mì khô còn kèm theo tô nước súp. Và lắm khi bác chủ xe thấy thân quen ưu đãi thêm miếng xí quách là bữa tối về khuya của đời sinh viên coi như hoàn hảo lắm rồi.
Hủ tiếu cứ vậy mà nuôi bao thế hệ sinh viên Sài Gòn. Cho dù có lúc món nghèo này bị đồn rùm beng rằng nước dùng nấu từ trùn chỉ kênh Nhiêu Lộc. Nhưng tiếng đồn rồi cũng qua, bọn sinh viên gác trọ vẫn cứ hàng đêm ngóng tiếng gõ lóc cóc thân thuộc này.
Rồi đến khi ra trường đi làm, còn nhớ lúc đó tôi làm trong một toà nhà nằm đường Hai Bà Trưng. Thi thoảng cuối chiều cả đám con gái rù rì rủ nhau trốn sếp, gọi taxi, nhét năm, sáu đứa lên nhờ bác tài chở tới góc Hồ Con Rùa. Ở đó có một con hẻm nhỏ dẫn dài vô thật sâu, góc trái cuối cùng hiện ra một quán mì lúp xúp.
Món mì khá đơn giản nếu không muốn nói rằng chả có gì. Chỉ là mì, lên trên là giá hẹ, tóp mỡ, vài ba miếng bò viên, thịt luộc mỏng đét. Vậy thôi đó mà ngon thần sầu. Nó ngon từ cọng mì tươi được làm tại chỗ, ngon đến vị nước sốt không quá mặn, quá chua, hoặc hời hợt theo kiểu đại trà. Vị của sốt ngấm trong từng sợi mì dẻo dai.
Nhai một đũa mì, thêm miếng tóp mỡ béo giòn, cọng giá thanh mát kèm theo lát ớt xanh cay xè lưỡi, sau cùng là húp miếng nước dùng, chỉ có thể suýt xoa cùng đứa bạn ngồi cạnh: “đã thiệt!”. Cái đứa đang gục đầu vào ăn chợt đưa mắt lườm phát: “thì đã bảo ngon mà, chậm chân chút qua tám giờ đến xí quách chả có mà ăn”.
Sau này ít có cơ hội trở lại con hẻm Võ Văn Tần ăn món mì khô, tôi mày mò tìm mua nguyên liệu về làm. Cũng dầu hào, nước mắm, dầu mè, nhưng thứ nước sốt tôi làm chỉ gọi là hương vị tạm thời nguôi ngoai nỗi nhớ chứ khó mà sánh được với bí kíp trong quán hẻm đã từng ăn.
Sài Gòn còn có thêm hủ tiếu hồ người Hoa - chợ Lớn, đệ nhất hủ tiếu Nam Vang, mì cật Trương Định, chưa kể hủ tiếu cá ngon không kém của quận mười. Nhưng với đa phần dân chúng, tiếng gõ lóc cóc mỗi đêm của những xe mì lại gây không ít thương nhớ. Có lẽ đó là hương vị thời khốn khó của đại đa số sinh viên, người mưu sinh lao động. Nó trở nên quen thuộc ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Để khi nhắc đến sự thân thương của Sài Gòn, người ta lại nhớ đến hủ tiếu hay mì gõ.