Về giá bán, HoREA thống nhất mức giá trần không vượt quá 20 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT). Riêng đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, mức giá trần có thể trong khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2.
Về tiền sử dụng đất, HoREA nhận thấy đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp, có thể coi là trường hợp đặc biệt và khác với các dự án nhà ở thương mại thông thường khác, được đầu tư kinh doanh thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận.
Vì vậy, HoREA thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc Chính phủ có thể quy định giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án (Trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất, thì được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất); Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao thuê đất.
Về ưu đãi thuế, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách ưu đãi thuế. Dự án nhà ở thương mại giá thấp được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên trong chung cư có căn hộ chỉ 22m2 ở quận 12, TP HCM. |
Trước đó, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nói rằng để giảm giá đầu vào cho các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở thương mại giá thấp thì Nhà nước cần có cơ chế tháo gỡ. Vấn đề này có thể ảnh hưởng tới việc tăng dân số, cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành.
Trong đó, Bộ Xây dựng đang tính toán thúc đẩy xây dựng sản phẩm từ 20 triệu đồng/m2 trở xuống, đẩy mạnh phân khúc nhà ở giá thấp bằng các ưu đãi. Đơn cử như ưu đãi chậm nộp, thậm chí miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tháo gỡ thủ tục xây dựng...
Bộ cũng kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phân khúc này thì phải tạo điều kiện cho chủ đầu tư.
Để tháo gỡ cho nhà ở xã hội sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, Bộ Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và hiện đã có gói tín dụng với khoảng 2.000 tỉ đồng.
Từ đây các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỉ đồng. Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Như vậy những năm tới phân khúc nhà ở xã hội sẽ khởi sắc.
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít.
Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo nghị quyết trình Chính phủ.