- Khi Hà Nội hợp nhất, ông đặt nhiệm vụ nào là quan trọng nhất để giải quyết ngay?
- Việc đầu tiên là phải sắp xếp bộ máy và bố trí cán bộ. Đó vừa cần thiết, quan trọng, cũng vừa là khó nhất. Cần thiết và quan trọng vì nó như đầu não của cơ thể con người, cái đó hoạt động thì tất cả những cái khác mới hoạt động được.
Khó vì phải giải quyết những vấn đề chế độ, chính sách liên quan đến con người: tư tưởng, tình cảm, thậm chí tâm lý. Đang làm trưởng xuống phó người nào cũng có tâm tư nhất định.
Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Hai giám đốc sở, chọn người nào cũng có thể được. Nhưng GĐ Sở NN&PTNT thì ưu tiên cho Hà Tây vì về khách quan, Hà Tây quy mô đất đai và lĩnh vực nông nghiệp rộng lớn, nếu cán bộ Hà Nội “ôm luôn” thì không nên.
Tất cả bố trí đó đều hợp lý, khách quan, sát thực tế, rất trong sáng.
- Tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức Hà Tây, Hà Nội khi nghe thông tin hợp nhất thế nào, thưa ông?
- Mỗi phía đều có lo lắng riêng. Phía Hà Nội lo ngại nguồn lực bị dàn mỏng ra, tất cả chỉ số phát triển sau hợp nhất bị kéo lùi xuống. Ai cũng lo là nội bộ không biết có chịu bắt tay, đoàn kết, hợp tác làm việc hay không.
Phía Hà Tây thì lo mình là tỉnh hợp nhất vào không có vị thế, bị đánh giá thấp, không được bố trí tương xứng.
- Việc giải quyết công việc giữa Bí thư Hà Nội và Bí thư Hà Tây hay giữa 2 GĐ Sở có thoả thuận gì không để cùng bắt tay làm việc?
- Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, tôi và các phó bí thư của Hà Nội chủ động liên hệ với Thường trực và Bí thư của Hà Tây, 2 bên tổ chức gặp nhau để bàn về bước đi, lộ trình, cách thức thực hiện việc sắp xếp bộ máy và cán bộ.
Tôi nói với các đồng chí Thường trực Hà Nội, cuộc họp đầu tiên chúng ta phải vào Hà Tây. Phải có những động tác để giảm thiểu tối đa suy nghĩ mặc cảm nếu có trong cán bộ.
Cuộc họp bàn rất thẳng thắn. Trưởng Ban Tổ chức 2 địa phương lập danh sách để bàn, phân tích sở nào ai là giám đốc. Có thứ không thể theo lý thông thường. Khách quan Hà Nội có vị trí quan trọng hơn các tỉnh, nhưng không có nghĩa cái gì Hà Nội cũng làm trưởng hết. Các đồng chí Hà Tây cũng không thể nào chấp nhận như vậy.
Do đó, Hà Nội cũng có những lĩnh vực quan trọng nhưng cuối cùng vẫn phải thôi làm trưởng.
Sau phân tích, đánh giá, cuối cùng là bỏ phiếu kín để bố trí ai làm GĐ. Khi đó 2 Ban Thường vụ chưa biết nhau nhiều, nhưng để sau này không ai nói là công tác bố trí lúc đấy do người này người kia áp đặt, mà đây là sản phẩm tập thể 2 Ban Thường vụ Hà Nội và Hà Tây, bình đẳng với nhau.
Không tạo cú sốc giảm đột ngột
- Quá trình bỏ phiếu kín có quyết định nào trước đấy bị sai với dự kiến ban đầu không, thưa ông?
Do dự kiến là sát nên đều trúng như dự kiến, người thấp cũng được hơn 80%. Việc dự kiến cũng rất công bằng và hợp lý.
Các đại biểu dự kỳ họp hợp nhất HĐND TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây (8/2008) |
Lãnh đạo chủ chốt thì phân công. Bí thư Hà Tây, anh Bùi Duy Nhâm làm Phó bí thư Thường trực, anh Nguyễn Công Soái và Tưởng Phi Chiến vẫn là Phó bí thư. Các PGĐ Sở cũng vậy, không có ai xuống chức trưởng phòng, nhưng sau đó đưa về quận huyện bớt, giảm dần.
Anh em lên được cấp chức như thế là cả quá trình phấn đấu. Về mặt nguyên tắc, cán bộ không vi phạm, không bị kỷ luật gì thì không thể hạ chức họ được. Sau này không thể giải thích trong lý lịch hồi ấy vì hợp nhất tôi đang trưởng xuống phó, nó rất khó hiểu. Mà dù cho họ xuống trưởng phòng thì người trưởng phòng đó cho đi đâu. Tất cả những lập luận như vậy tôi phải có chính kiến bảo vệ anh em.
Khi hợp nhất các Bộ có người nào thôi thứ trưởng đâu. Thứ trưởng nhiều vẫn để nguyên . Hà Nội cũng phải cho anh em quyền lợi như vậy.
- Thực tế trong quá trình sắp xếp của Hà Nội thì TƯ cũng đưa ra chính sách tinh giản biên chế?
- TƯ lúc bấy giờ có một số gợi ý, nhưng chưa có tiền lệ mô hình nào hợp nhất như thế này nên TƯ cũng không chỉ đạo cụ thể, gần như giao cho Hà Nội tự làm.
Có đồng chí ở Ban Tổ chức TƯ nói làm sao HĐND và cấp uỷ lại đông như thế này. Tôi nói, chúng ta đồng ý hợp nhất mà không đồng ý cán bộ nhiều thì giải quyết ra sao. Có người bảo phải bớt đi thì tôi bảo bớt thế nào? Họ bảo bớt ai nhiều tuổi đi. Tôi bảo, nếu thế thì bớt tôi đầu tiên, tôi nhiều tuổi nhất.
Trước thực tế như vậy nên phải chấp nhận phương án là hợp nhất nguyên trạng về cán bộ.
Ta chấp nhận thời điểm đó phải như vậy nhưng trong quá trình điều hành sau này phải từng bước giảm dần, chứ không tạo cú sốc giảm ngay đột ngột sẽ không khả thi.
Trong công tác quản lý, giữa Hà Nội và Hà Tây có những khác biệt, về phương pháp, thói quen, nề nếp. Điều này được khắc phục như thế nào?
Cả 2 bên đều phải điều chỉnh. Hà Tây đang làm việc theo cách của Hà Tây. Không thể nói như thế là dở hay là kém. Hà Nội làm cách này là của Hà Nội. Bây giờ 2 cỗ máy tốc độ chạy khác nhau, đường kính bánh xe khác nhau lắp ráp lại thành một, nên cả 2 bên đều phải điều chỉnh.
- Có thời điểm nào ông mất kiên nhẫn trong việc này không?
Trong những trường hợp cá biệt thì cũng sốt ruột, phải xử lý. Mọi người chờ đợi như vậy mà ai đó không hợp tác, không phấn đấu, không vượt lên thì cũng phải xử lý.
Ông từng chia sẻ trong 10 năm hợp nhất vừa qua, nếu cứ làm ào ào, UB Kiểm tra vào cuộc thì chắc có nhiều củi vào lò?
Bây giờ nói sớm quá thì cũng không phải, muộn quá thì cũng chưa muộn. Nếu Hà Nội 10 năm vừa qua đổ vỡ hay sai sót nhiều thì tình hình hôm nay không ổn định và phát triển được như thế này.
Về yếu kém, bất cập, Thủ đô vẫn còn kẹt xe, tắc đường, môi trường bụi bặm, quản lý quy hoạch, xây dựng… chưa tốt, phải cố gắng giải quyết, nhưng những sai phạm lớn là không có.
Tổ chức cán bộ 10 năm rồi nhất là ở thời điểm hợp nhất gần như không có đơn thư phản ánh là thiên vị, trù dập, áp đặt hay lên chức thần tốc.
- Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của Hà Nội bây giờ so với 10 năm trước, ông có cảm thấy thở phào nhẹ nhõm với quyết định ngày ấy?
Nói là nhẹ nhõm thì chưa nhẹ nhõm được vì lúc nào áp lực công việc cũng là những đòi hỏi lớn. Nhưng cảm thấy những việc thành phố đã làm được như thế cũng là đóng góp đáng kể cho cái chung.
Nói một cách công bằng, trong điều kiện như vậy, Thủ đô đạt được như hiện nay là đáng mừng, bởi không phải nơi nào hợp nhất, sáp nhập cũng được như vậy. Còn so với những nơi tốt hơn thì mình tiếp tục phải học hỏi.