Trưa 11/3, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết UBND tỉnh và các ngành chức năng hiện vẫn đang họp khẩn để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng.
Hàng trăm giáo viên tới UBND huyện Krông Pắk phản đối việc bị chấm dứt hợp đồng. |
"Hiện ngành chức năng đang họp để trao đổi, tìm giải pháp tốt nhất cho vấn đề trên. Cuộc họp đang diễn ra và chưa có kết quả cuối cùng" – bà Trinh cho biết thêm.
Liên quan đến việc này, vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn gửi LĐLĐ tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt giáo viên tại huyện Krông Pắk.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị các cơ quan liên quan sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy giáo, cô giáo vào làm việc ở địa bàn trong tỉnh.
Như báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 200 giáo viên trên tổng số gần 600 giáo viên dôi dư tại huyện này.
Ngay sau khi thông báo, hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng và các giáo viên nằm trong diện chuẩn bị chấm dứt hợp đồng đã kéo lên UBND huyện Krông Pắk để phản đối. Trong khi đó, chỉ tiêu xét tuyển sắp tới của huyện Krông Pắk chỉ có 83 chỉ tiêu, số còn lại sẽ bị tiếp tục mất việc.
Trước đó, từ khoảng 2010 đến 2015, UBND huyện Krông Pắk đã cho chủ trương hoặc trực tiếp ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế gần 600 giáo viên liên quan đến 3 đời Chủ tịch UBND huyện. Người có "thành tích" ký hợp đồng nhiều nhất là ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011 - 2015) bị kỷ luật cảnh cáo. Riêng ông Y Suôn Byă, đương nhiệm Chủ tịch huyện Krông Pắk ký hơn 100 hợp đồng hiện vẫn chưa thấy cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý.