Thực hư ra sao còn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng song thông tin này cũng đã đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu tâm về một hiện tượng trong xã hội cũng như về góc độ pháp lý.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) về câu chuyện đại gia tố cáo hoa hậu Phương Nga lừa đảo tiền tỷ.
Thưa bà, trong xã hội hiện nay, bà có nghĩ là có phổ biến những sự đổi tình lấy tiền được ký kết như một hợp đồng kinh tế dân sự với đầy đủ các điều khoản, quy định của bên bán bên mua?
Những thoả thuận tình - tiền là có thật, nhưng mức độ phổ biến như thế nào thì có lẽ khó mà biết được. Chúng ta chỉ biết được chỉ khi các vụ việc vỡ lở, một bên hoặc cả hai bên đều vi phạm những thoả ước với nhau, cãi cọ rồi đưa nhau ra toà... thì lúc đó, xã hội mới biết có những thoả thuận tình - tiền như vậy.
Nhưng có lẽ, một điều mà ai cũng biết rằng, những thoả thuận tình- tiền như vậy bây giờ dường như ngày càng nhiều hơn.
Trở lại câu chuyện về hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, giả dụ hợp đồng tình ái có thật thì theo bà nó có giá trị pháp lý hay không theo quy định của Việt Nam?
-Căn cứ theo Điều 122 của Bộ Luật Dân sự 2005, hợp đồng giữa Trương Hồ Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ, nếu có thật thì cũng sẽ không có giá trị pháp lý. Vì sao? Bởi vì, căn cứ theo điều này, hợp đồng này đã vi phạm những quy định về pháp luật.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đang trao đổi với Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet).
|
Cụ thể, ông Cao Toàn Mỹ đã có gia đình, đang chung sống trong tình trạng có hôn nhân. Ngoài ra, nó còn vi phạm những quy tắc ứng xử, đạo đức con người trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, nếu hợp đồng đó quả thật có tồn tại giữa hai người thì nó sẽ phải là cơ sở để Toà án xem xét đi đến luận tội việc Trương Hồ Phương Nga có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như là bị ông Cao Toàn Mỹ tố cáo hay không?
-Nếu thực sự có một hợp đồng như vậy thì câu chuyện này, tôi nghĩ là Toà sẽ phải xem xét theo một cách khác. Như vậy, nó mới thực sự là công bằng, do dù hợp đồng đó vi phạm cả về quy định về pháp luật và đạo đức xã hội.
Nếu gọi đây là một thỏa thuận, dù là thoả thuận miệng hay giấy viết tay thì thứ mà người ta bán- mua là tình cảm và quan hệ xác thịt, là tình dục. Vậy thì làm sao phân biệt được giữa việc coi đó là mua bán dâm trái phép hay lừa đảo tội chiếm đoạt tài sản công dân?
-Tôi nghĩ là khó có thể coi thoả thuận này là một hành vi chiếm đoạt tài sản công dân, nếu thực sự có một hợp đồng, hay thoả thuận như vậy. Tại vì, hợp đồng đó được hai người thảo ra trên cơ sở thống nhất các điều khoản.
Tiếc cho hoa hậu Trương Hồ Phương Nga khi cô khai ký hợp đồng nô ệ tình dục (ảnh: theo VNN).
|
Tôi cũng coi đó là một hợp đồng liên quan đến chuyện mua bán dâm. Thông thường, những thoả thuận mua bán dâm là một lần, nó không tước đi những sự tự do của người cung cấp dịch vụ. Nhưng ở đây, hợp đồng kéo dài 7 năm, có những quy định vô cùng cụ thể ràng buộc tự do của người phụ nữ.
Tôi muốn gọi đây là một hợp đồng nô lệ tình dục, vi phạm quyền con người nữa.
Đây là một bài học rất lớn cho những người phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ. Thực ra, đây là câu chuyện rất buồn và đáng tiếc. Một nhân vật mà tôi nghĩ rằng, lẽ ra đã có một tương lai sáng lạn như Trương Hồ Phương Nga, tôi rất tiếc cho cô ấy.
Tôi biết bà từng bày tỏ quan điểm nên cho phép hành vi bán dâm là một nghề hợp pháp. Thế thì khi đó, có lẽ những hợp đồng tình ái sẽ được thừa nhận trước pháp luật?
-Nếu một xã hội chấp nhận coi mại dâm là một công việc thì các thoả thuận, mua bán trao đổi tình dục để lấy tiền hay lấy một giá trị vật chất nào khác là giữa hai con người tự nguyện với nhau. Ngoài ra, nó cũng phải dựa trên điều kiện cả hai người không được vi phạm các quy định pháp luật liên quan. Ví dụ, hai người đó không có gia đình chẳng hạn.
Xin cảm ơn bà!