Lượng du khách và tỷ lệ phòng khách sạn có người thuê đã giảm tới hai con số trong tháng 7 vừa qua, trong khi các hãng kinh doanh du lịch ghi nhận doanh thu trung bình trong 2 tháng qua giảm gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định chỉ trong 2 ngày 12 và 13-8 vừa qua, các hoạt động biểu tình đã khiến sân bay quốc tế Hong Kong không thể hoạt động, và gây thiệt hại về kinh tế tương đương 620 triệu HKD (khoảng 79 triệu USD).
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga xin lỗi người dân vì dự luật dẫn độ gây tranh cãi. |
Biểu tình bước sang tuần thứ 11
Phong trào biểu tình tại Hong Kong đã bước sang tuần thứ 11 với đỉnh điểm là ngày 18-8 vừa qua, hơn 1,7 triệu người đã xuống đường tham gia vào cuộc tuần hành được xem là lớn nhất kể từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu từ cách đây ba tháng.
Thậm chí, trước đó, hơn 470.000 người đã tham gia cuộc mít tinh, tuần hành tại Công viên Tamar ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) để phản đối bạo lực, kêu gọi thiết lập hòa bình và ổn định tại đặc khu này. Những người tham gia tuần hành giương cao cờ và các biểu ngữ "Chấm dứt bạo động", "Phản đối bạo lực" và "Cứu lấy Hong Kong".
Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay cũng như khôi phục trật tự xã hội nhằm phục hồi nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các cuộc biểu tình liên tiếp và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, các hành động bạo lực hay phá hoại liên tiếp xảy ra gần đây dưới danh nghĩa các cuộc biểu tình ở Hong Kong là vô cùng đáng lo ngại, cho rằng "những ai yêu mến Hong Kong sẽ không thể chấp nhận khi thấy trung tâm tài chính bị hủy hoại".
Bà kêu gọi người dân cùng nhau đương đầu và giải quyết những khó khăn hiện tại nhằm đưa Hong Kong quay trở lại đúng hướng sớm nhất có thể.
Tác động đối với nền kinh tế
Từ những tác động của hoạt động biểu tình, chính quyền Hong Kong đã tuyên bố hạ mức tăng trưởng GDP dự kiến xuống khoảng từ 0-1% trong bối cảnh phong trào biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và thậm chí có những tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế tại đặc khu hành chính này. Mức tăng trưởng GDP dự kiến được Hong Kong xác định trước đó là 2-3%.
Thị trường Hong Kong và rất nhiều lĩnh vực kinh tế đã chịu ảnh hưởng do các cuộc biểu tình, đặc biệt là dịch vụ hàng không, bán lẻ và bất động sản. Hệ thống giao thông công cộng của thành phố này cũng liên tục bị gián đoạn do hoạt động biểu tình đã kéo dài tới 3 tháng nay.
Cuộc biểu tình tại sân bay quốc tế Hong Kong khiến nhiều du khách bị ảnh hưởng. |
Ông Ray Dalio, nhà sáng lập Công ty đầu tư Bridgewater Associates, nhận định rằng các cuộc biểu tình của người Hong Kong đã "vượt quá mức độ biểu tình. Chúng gây gián đoạn và có những ảnh hưởng nhất định đối với địa chính trị toàn cầu".
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Dalio, thì tình hình tại Hong Kong sẽ chỉ là một "hiểm họa cỡ trung bình" - tương đương cỡ 3-4 trên thang 10 đối với nền kinh tế của Trung Quốc. Vì xét cho cùng, Hong Kong cũng chỉ là "một nơi rất nhỏ" trên tấm bản đồ kinh tế "rộng lớn và mạnh mẽ" của Trung Quốc.
Ông Đàm Diệu Tông (Tam Yiu-chung), thành viên của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, kêu gọi người dân phản đối mọi hành vi bạo lực. Trong khi đó, bà Maria Tam Wai-chu, thành viên Hội đồng lập pháp Hong Kong, nhấn mạnh mọi người dân đều phải tôn trọng sự tự do của người khác và hoạt động tự do không bao gồm hành vi phá hoại tài sản và cản trở giao thông công cộng.
Về phần mình, ông Wong Kam-leung - Chủ tịch Liên đoàn nhân viên giáo dục Hong Kong, bày tỏ sự bất bình về bạo lực gia tăng trong suốt 2 tháng qua và cho biết ông rất đau buồn khi chứng kiến những người trẻ tuổi sử dụng vũ lực và vi phạm luật pháp. Ông kêu gọi những người trẻ tuổi hãy chấm dứt những hành động gây hậu quả nặng nề nói trên.
Trước những diễn biến khó lường, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay cũng như khôi phục trật tự xã hội nhằm phục hồi nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các cuộc biểu tình liên tiếp và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Mới đây nhất bà Nguyệt Nga thậm chí đã kêu gọi tiếp tục đối thoại với người dân, song từ chối giải quyết những yêu cầu của người biểu tình đòi hủy bỏ toàn bộ dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Cuộc tuần hành cuối tuần qua dường như trở nên ôn hòa hơn, nhưng giới phân tích cho rằng điều quan trọng nhất lúc này vẫn là khôi phục trật tự xã hội càng sớm càng tốt. Khi mọi thứ ổn định lại, chính quyền sẽ tổ chức một cuộc đối thoại chân thành với người dân để hàn gắn những rạn nứt, và tái xây dựng sự hòa hợp trong xã hội”.