Hòn đá lạ Đền Hùng độc hại về tâm linh

Đó là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm Việt Nam) xung quanh vấn đề “hòn đá lạ” ở đền Hùng trong buổi tọa đàm "Hòn đá lạ ở đền Hùng dưới góc nhìn khoa học" do tòa soạn tổ chức sáng ngày 6/6/2013.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà tâm linh… nhằm đem đến cho độc giả, những người quan tâm góc nhìn khách quan, đa chiều về vấn đề “hòn đá lạ” mà dư luận quan tâm thời gian vừa qua.
 
Hòn đá không được phép xuất hiện ở đền Hùng
Khẳng định lại đây là hai lá bùa trên hòn đá lạ là của Trung Quốc, có tính chất độc hại, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Phạm Thức cho rằng, đây có thể là cuộc chiến tâm linh bởi lẽ: Thứ nhất, nội dung bùa chú trường thọ, cầu quan chức… cho cá nhân chứ không phải cầu quốc thái dân an như người đưa hòn đá vào đền lý giải. Thứ hai, đây không phải là bùa của Trần Hưng Đạo mà là bùa của Gia Cát Lượng. Thứ ba, nếu lý giải các chữ bên phải, mặt sau của bùa chú là để tăng hào quang, độ uy linh của Phật là hoàn toàn bịa đặt.
Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Phạm Thức phân tích hình ảnh trên hòn đá ở Đền Hùng.
Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Phạm Thức phân tích hình ảnh trên hòn đá ở Đền Hùng.

TS Nguyễn Xuân Diện cho rằng, dưới góc độ khoa học, hòn đá không được phép nằm trong khu Di tích Đền Hùng, kể cả khi hòn đá đó có giá trị quý báu hoặc là do quan chức cao cấp nào hiến tặng đền. Khi lập hồ sơ xét Di tích lịch sử Quốc gia đền Hùng sẽ phải có danh sách tên các hiện vật và theo nguyên tắc là không được tùy tiện chuyển ra, vào các hiện vật này.
Thứ hai, hòn đá không phải vật thuần Việt. Tín ngưỡng thờ vua Hùng là tín ngưỡng nguyên sơ, thuần Việt nhất. Trong khi đó, hòn đá vừa là bùa vừa có ký tự chữ Hán, chữ Phạn, và những hình vẽ quái đản, khó hiểu… không có trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt. Thêm vào đó, trong các truyền thuyết cổ xưa, đền Hùng thờ thần núi, thần đá, có nguồn gốc phổ biến khắp thế giới chưa từng có câu chuyện nào nhắc tới sự có mặt của “hòn đá lạ” trong khu di tích đền Hùng.
Thứ ba, TS. Nguyễn Xuân Diện cho biết: “Lúc đầu nghiên cứu, tôi nghĩ đơn giản rằng đây là bùa cầu phúc, bùa cầu tốt lành nhưng là cho dòng họ, phe nhóm hoặc cá nhân. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ, tôi nhất trí với ý kiến của nhà nghiên cứu Phạm Thức, thừa nhận đây là loại bùa chú độc hại, hỗn loạn về mặt tâm linh. Và tôi khẳng định rằng, loại bùa chú này có ảnh hưởng đến dân tộc, nằm trong hệ thống nhằm triệt phá uy linh vùng đồi núi nghĩa lĩnh thời vua Hùng”.
TS.Nguyễn Xuân Diện.
 TS.Nguyễn Xuân Diện.

Ngoài ra, TS.Nguyễn Xuân Diện cũng chia sẻ một số vấn đề xung quanh việc biến mất hòn đá thề ở đền Hùng, lễ nhập tượng bất thường tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và có nhắc lại cả vấn đề ấn đền Hùng mà dư luận quan tâm suốt thời gian qua.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Trường nói cho rằng, ở góc độ địa chất cần được tiếp cận hòn đá, lấy một mảnh nhỏ để nghiên cứu trực tiếp mới có thể kết luận được tên, thành phần, xuất xứ và tác động của hòn đá với con người. Tuy nhiên, theo cảm nhận qua hình ảnh, PGS. TS Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, hòn đá đó cũng không quý, không quá lạ lẫm, có thể đó chỉ là một hòn đá bình thường.
Hòn đá mang năng lượng xấu
Về phía các nhà tâm linh, cảm xạ và ngoại cảm, mỗi người bằng một cách khác nhau chứng minh năng lượng của “hòn đá lạ” tốt - xấu qua con lắc hoặc là qua cảm nhận. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng, hòn đá mang nhiều năng lượng xấu.
Đại tá Quân đội Lê Thanh Diệu đồng thời là nhà nghiên cứu tâm linh cho rằng, nên suy nghĩ đến cái gọi là “trấn yểm quốc gia”. Ông đưa ra một ví dụ, rằng có những bức tượng Phật có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài mang năng lượng xấu. Nghĩa là ngoài những điều thể hiện bên ngoài bề mặt hòn đá như nhà nghiên cứu Phạm Thức phân tích, ông cho rằng cần phải nghiên cứu đến yếu tố tâm linh phía trong.
Đại tá Lê Thanh Diệu.
 Đại tá Lê Thanh Diệu.

Đại tá gợi ý là có thể thử năng lượng tốt hay xấu của viên đá bằng cách cực đơn giản là nuôi một con thỏ ở gần nơi đặt hòn đá lạ xem con thỏ sống tốt hay không.
Ở một góc độ khác, nhà nghiên cứu Lương Gia Tĩnh thì cho rằng những hình ảnh mà các nhà nghiên cứu gọi là “bùa chú” đó thực ra… vô nghĩa, không có ý nghĩa gì và cũng không phải là bùa. Ông cho rằng, cách tốt nhất là phải chất vấn trực tiếp người đưa hòn đá lạ đó vào Đền Hùng về nội dung cụ thể của hình vẽ trên hòn đá lạ đó là gì, có phải bùa chú hay không.
Nếu như nhà nghiên cứu Phạm Thức đưa ra hình ảnh và dẫn chứng cho rằng, trước đây, trên đỉnh hòn đá có đầu tượng Phật, thì ông Trần Tuấn Sinh nguyên là Phó viện trưởng Viện y học dân tộc lại cho rằng không thể có chuyện đó. Ông cho rằng giả thiết hòn đá có đầu là hoàn toàn bịa đặt vì “không ai lại đi làm một bức tượng chỉ có đầu không có tay chân”.
Dù các nhà nghiên cứu tâm linh, khoa học có nhiều ý kiến tranh luận, nhưng tọa đàm vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Tại sao hòn đá được đưa vào đền Hùng và được đưa vào đây bằng cách nào? Hòn đá hiện ở đâu? Trách nhiệm của những người quản lý Di tích đền Hùng?
Những người tổ chức cùng những người tham dự buổi tọa đàm đều tỏ ra tiếc nuối, vì những người trực tiếp đưa hòn đá vào đền và những người trong ban quản lý Di tích dù được mời tham dự tọa đàm nhưng không đến. Trong thời gian tới, tòa soạn tiếp tục tìm hiểu và đưa đến những thông tin, kết luận cuối cùng xung quanh "hòn đá lạ" ở khu Di tích lịch sử Đền Hùng linh thiêng của quốc gia đến với bạn đọc.

(còn nữa)

TIN BÀI LIÊN QUAN:


BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Đọc nhiều nhất

Tin mới