Vụ việc 500 giáo viên huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) rớt nước mắt hoang mang tột độ vì bị mất việc đang thu hút sự chú ý của dư luận. Trong số đó, có đến 200 giáo viên hợp đồng dạy các môn không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 đã bị UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thông báo chấm dứt hợp đồng vào chiều 9/3. Hơn 400 giáo viên khác sẽ phải chạy đua trong cuộc thi tuyển vào tháng 3 này nhưng chỉ có 83 người được chọn theo chỉ tiêu, số còn lại buộc chấm dứt hợp đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hơn 500 giáo viên hợp đồng mất việc. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất như hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện Krông Pắk đã phải thốt lên rằng, ông không thể hiểu căn cứ nào mà nhiều năm qua "ở trên huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng lao động.
Giáo viên bị chấm dứt hợp đồng kéo lên UBND huyện phản đối. Ảnh: Cao Nguyên/Người lao động |
Ngay trong Kết luận Thanh tra Chính phủ tháng 1/2018 cũng chỉ rõ, huyện Krông Pắk đã cho hợp đồng ngoài chỉ tiêu với 526 giáo viên, bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021) là 2 người được xác định đã ký tuyển dụng. Trong đó, ông Kỷ chỉ đạo ký tuyển dụng hơn 400 trường hợp, ông Y Suôn Byă ký hơn 100 trường hợp.
Rõ ràng, trong việc thừa giáo viên tại huyện Krông Pắk lỗi không phải xuất phát từ các giáo viên mà do lãnh đạo UBND huyện qua các thời kỳ đã “nhắm mắt ký bừa” khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không việc lợi dụng chức vụ xét tuyển, ký hợp đồng với số lượng giáo viên lớn như trên để kiếm tiền, trục lợi? Và tất nhiên, dư luận cũng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm do có những hành vi vi phạm đối với các lãnh đạo huyện Krông Pắk khi ký các hợp đồng tuyển dụng giáo viên đó như thế nào?
Ngay trong kết luận thanh tra, TTCP cũng đề xuất kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắk để xảy ra trong thời gian dài không kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có phương án xử lý.
Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2015-2020 do tiếp tục ký hợp đồng với các giáo viên khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh. Bên cạnh đó, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên đã hợp đồng thừa theo các phương án đã đề ra.
Tuy nhiên, việc quan trọng nhất hiện nay, tỉnh Đắk Lắk và huyện Krông Pắk cần giải bài toán việc làm cho hơn 500 giáo viên chứ không phải lãnh đạo huyện ký sai rồi "mặc kệ "hơn 500 giáo viên hợp đồng, đuổi việc họ để phủ trơn trách nhiệm.
Hơn 500 giáo viên rơi nước mắt hôm nay bởi ngày mai họ không biết làm gì, biết đi đâu về đâu để có việc làm, lo toan cuộc sống gia đình. Hơn 500 giáo viên họ ít nhiều đã có cống hiến cả tuổi thanh xuân cho ngành giáo dục huyện Krông Pắk và tỉnh Đắk Lắk, chỉ vì cái sai của một số cá nhân mà bất đắc dĩ phải lâm cảnh thất nghiệp.
Trong khi đó, rõ ràng, có rất nhiều phương án để giải cứu họ như UBND huyện bố trí việc làm tạm thời cho các giáo viên huyện Krông Pắk trong thời gian đợi các chỉ tiêu tiếp theo hoặc tỉnh Đắk Lắk và ngành giáo dục tỉnh này vào cuộc, phân bổ lượng giáo viên này đến những huyện lân cận còn thiếu giáo viên. Trên thực tế, số lượng giáo viên hiện nay được cho là thừa nhưng thời gian tới lại có thể thiếu, phải có giải pháp đào tạo lại họ để sắp xếp những công việc ở những vị trí phù hợp.
Đừng để tiếng kêu cứu thống thiết của hàng trăm giáo viên trên không có người hồi đáp. Đừng vời khi thiếu và vắt chanh bỏ vỏ khi thừa, đó là việc làm của những con người vô trách nhiệm. Đừng để dư luận tiếp tục thất vọng với ngành giáo dục cũng như công tác tuyển dụng giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk. Quan trọng nhất là đừng bao giờ để người dân mất niềm tin vào người lãnh đạo, vào chính quyền khi mà tiếng kêu của họ không thấu được đến ai.