Tuy Bộ Công Thương vẫn chưa cập nhật giá xăng dầu trên thị trường Singapore chu kỳ trước. Nhưng theo các chuyên gia xăng dầu, bình quân toàn chu kỳ theo giá thế giới, giá xăng và dầu giảm nhẹ. Vậy nên giá xăng trong kì điều hành diễn ra chiều nay ngày 11/1 có thể sẽ giảm.
Theo nhận định chuyên gia, giá dầu thế giới những ngày gần đây có xu hướng tăng, giảm đan xen song vẫn giảm nếu so với kỳ điều hành liền trước. Vậy nên, nếu giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng hiện tại thì tại kỳ điều hành giá trong nước hôm nay, nhà quản lý có thể sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu. Mức giảm phụ thuộc vào việc trích lập, chi quỹ Bình ổn giá (BOG).
Hôm nay, giá xăng có thể quay đầu giảm. |
Tại kỳ điều hành ngày 3/1, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 332 đồng/lít, bán ra 21.352 đồng/lít; xăng RON95 tăng 347 đồng lít, bán ra 22.154 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu diesel giữ nguyên giá mức 22.151 đồng/lít trong khi dầu hỏa tăng 601 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.767 đồng/lít; dầu mazut tăng 107 đồng/kg bán ra không cao hơn 13.740 đồng/kg.
Tại kỳ này, nhà điều hành không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut, trong khi thực hiện trích lập đối với dầu diesel ở mức 605 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít).
Đồng thời không thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, thực hiện chi đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 350 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít; dầu mazut ở mức 100 đồng/kg.
Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa cho biết tại họp báo thường kì Quý IV Bộ Tài chính, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu. Như báo chí đã đưa tin, Bộ Công Thương đề xuất một số phương án, trong đó có phương án giao đầu mối quản lý về Bộ Tài chính. Công tác quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính cơ quan cùng tham gia chủ động, trách nhiệm trong việc việc điều hành giá có hiệu quả.
Về việc giao đầu mối cho cơ quan nào quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định.
“Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao”, ông Chi cho biết.
Trước đó Chất lượng Việt Nam - VietQ.vn đã đưa tin, trong văn bản gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 95/2021và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính toàn quyền điều hành giá xăng dầu.
“Phương án giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu”, Bộ Công Thương đề xuất.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022, tham gia làm rõ một số vấn đề về công tác điều hành thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương.