Gỡ “điểm nghẽn” về văn hóa
Ngày 12/12, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ Bắc Ninh tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo Văn hoá 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh- Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 chủ trì họp báo. |
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, như chính tên gọi, hội thảo sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính bao gồm: Thể chế, chính sách, nguồn lực con người và nguồn lực tài chính. Ngoài ra, có một số vấn để còn vướng mắc cần phải tháo gỡ trong lĩnh vực văn hóa sẽ được thảo luận, đánh giá, xem xét một cách toàn diện tại hội thảo để cùng bàn giải pháp. Từ đó, hội thảo sẽ kiến nghị để sửa đổi bổ sung về mặt thể chế, chính sách nhằm bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính để đầu tư cho phát triển văn hóa.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa không phải là ít, tuy nhiên có đáp ứng được yêu cầu hay chưa thì qua đánh giá phải tính toán lại. Thực tế, nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho văn hóa còn khó khăn nhất định, cần khai thông thêm nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Muốn vậy, cần phải sửa đổi thể chế, xây dựng chính sách phù hợp, để văn hóa có sức hấp dẫn thu hút đầu tư, từ đó tạo được môi trường tốt hơn cho văn hóa phát triển.
Thông tin chi tiết về hội thảo, ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
“Với việc tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022, Ban tổ chức hy vọng góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhân dân, các chuyên gia
Tại buổi họp báo, các phóng viên đánh giá cao công tác truyền thông, một “điểm sáng” của việc tổ chức hội thảo này so với nhiều hội thảo khác.
Cụ thể, các tuyến bài về hội thảo được đưa lên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, trang web của hội thảo từ rất sớm, đầy đủ, với nội dung phong phú, toàn diện. Trang web cũng được xây dựng rất công phu. Điều này giúp các phóng viên có cái nhìn bao quát hơn về hội thảo, thuận lợi trong việc đưa tin.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, Phó Trưởng Tiểu ban Nội dung Hội thảo Văn hóa 2022 thông tin cụ thể về Hội thảo. |
Ông Bùi Hoài Sơn cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận, biên tập vào Kỷ yếu 105 bài tham luận có giá trị, chất lượng tốt.
Nội dung của các bài tham luận gửi về bám sát chủ đề trọng tâm của Hội thảo với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế, nguồn lực cho phát triển văn hóa. Các tham luận đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực trong phát triển văn hóa, là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc.
Cùng với đó, các tham luận xác định nhiều vấn đề đặt ra trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa; đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền.
Trả lời câu hỏi phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống liên quan đến công tác truyền thông, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi cho biết, toàn bộ hơn 100 bài tham luận sẽ được đưa lên trang web Hội thảo. Các cơ quan báo chí có thể sử dụng nguồn tư liệu này, góp phần lan tỏa ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ban Tổ chức rất mong sẽ nhận được ý kiến góp ý từ nhân dân, các chuyên gia về Hội thảo. |
Trả lời thêm câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ban Tổ chức rất mong, qua các thông tin Hội thảo được lan tỏa, sẽ nhận được ý kiến góp ý từ nhân dân, các chuyên gia. “Các ý kiến sẽ được tiếp thu, góp phần xây dựng chính sách được tốt hơn”, ông Vinh nói.
Tại họp báo, Ban tổ chức cũng thông tin thêm tới báo chí về một số vấn đề sẽ được đặt ra cho hội thảo sắp tới, trong đó, có chính sách đãi ngộ đối với văn, nghệ sĩ và nghệ nhân; những bất cập trong việc sắp xếp cán bộ làm văn hóa...
Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ khai mạc vào 17/12/2022 (từ 8h00 đến 17h30) tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.
Dự kiến, có khoảng hơn 800 đại biểu tham dự trực tiếp. Ngoài ra Hội thảo còn kết nối trực tuyến tại một số điểm cầu và qua nền tảng internet với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa trong và ngoài nước.
Mời quý độc giả xem video: "Câu chuyện văn hóa với chủ đề Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử". Nguồn: VTV1.