Phó Chủ tịch Phan Tùng Mậu tham gia chủ trì hội thảo. |
Đến dự và chủ trì Hội thảo có TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. |
Hội thảo đã diễn ra rất sôi nổi với gần 20 ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học vào Dự thảo. Các chuyên gia đều thống nhất, so với Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004, Dự thảo luật lần này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, thể hiện sự thay đổi cách nhìn nhận ngành lâm nghiệp không chỉ đơn thuần nhằm bảo vệ môi trường mà là một ngành kinh tế đặc thù. Trong Dự thảo này, chức năng bảo vệ môi trường cũng đã được nhìn nhận dưới góc độ kinh tế bằng các khái niệm như dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ lưu giữ các-bon.Với chức năng là một ngành kinh tế, Dự thảo đã bao quát, xuyên suốt chuỗi giá trị từ khâu trồng rừng cho đến chế biến, tiêu thụ phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế. Dự thảo Luật cũng đã có lưu ý tới vai trò của các cộng đồng dân tộc thiểu số và luật tục truyền thống trong bảo vệ, phát triển và hưởng dụng tài nguyên rừng.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Dự thảo Luật cũng đã kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính liên tục, tính thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng với các luật khác có liên quan, hài hòa hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Dự thảo đã bổ sung một số chương, điều, cụ thể như một số điều mới về quy hoạch rừng và 4 chương bao gồm Chương VI - Chế biến và thị trường lâm sản gồm 3 điều; Chương VII - Hợp tác quốc tế gồm 4 điều; Chương VIII - Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành trong lâm nghiệp gồm 4 điều; Chương IX - Đầu tư, tài chính, dịch vụ công và các hình thức liên kết, hợp tác trong lâm nghiệp gồm 9 điều. Nội dung của 4 chương mới này cũng đã được quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 tại một số điều nhưng chưa cấu trúc thành các chương riêng biệt.Trong Dự thảo Luật này, một số khái niệm, thuật ngữ được định nghĩa đầy đủ như dịch vụ môi trường rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, quản lý rừng bền vững”.
GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo. |
Mặc dù đánh giá cao Dự thảo, tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn cho rằng Dự thảo vẫn còn một số điểm cần được thảo luận và điều chỉnh thêm để Luật được ban hành có chất lượng tốt hơn, tính khả thi cao hơn, khắc phục được những nhược điểm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong hơn 10 năm qua, phản ánh đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Dự thảo còn thiếu những giải pháp hữu hiệu giải quyết những khó khăn, bất cập đã chỉ ra trong tổng kết thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004; Dự thảo nên bổ sung, sửa đổi đối với một số vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác và hưởng dụng rừng, Dự thảo cũng chưa làm rõ mối quan hệ của Luật bảo vệ và phát triển rừng với các luật khác; về phân loại rừng, Dự thảo vẫn phân làm 3 loại như trước đây chứ không như thông lệ trên thế giới là 2 loại; về quy định chuyển đổi mục đích sử dụng, Dự thảo vẫn thiếu quy định cụ thể về tiêu chí và điều kiện chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác, chưa quy định diện tích tối đa được phép chuyển mục đích và cơ quan có thẩm quyền cho phép, khắc phục hậu quả sau chuyển mục đích sử dụng rừng; về giao rừng, cho thuê rừng cần quy định rõ trình tự, thủ tục trong thực hiện giao rừng, cho thuê rừng mà không gắn với giao đất, cho thuê đất (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) và trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng có gắn với giao đất, cho thuê đất (rừng sản xuất)...
Ngoài ra, các đại biểu cũng thống nhất nên đổi tên Dự thảo luật này là Luật Lâm nghiệp cho ngắn gọn và đúng với nội hàm của các quy định trong Dự thảo hơn.