Hitler và Giáo sĩ al-Husayni, ngày 28/11/1941. |
Họ sẽ đến thăm Muhammad VII al-Munsif, người trên danh nghĩa vẫn là nhà lãnh đạo của Tunisia, để gửi đến ông những lời chúc tốt đẹp nhân ngày lễ linh thiêng này và cũng để biểu thị lòng tôn kính đối với đạo Hồi. Phía trước Cung điện mùa Đông ở Hamman Lif, hàng trăm người dân hò reo chào đón đoàn xe trong khi các lính gác Tunisia nghiêm nghị đứng chào. Trong cuộc gặp với Quốc vương, phía Đức cam kết rằng dịp lễ Eid al-Adha tiếp theo sẽ diễn ra trong hòa bình và quân đội Đức sẽ cố gắng hết sức để người Hồi giáo không bị vướng vào chiến tranh. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa quan trọng hơn là việc người Đức công khai thể hiện lòng tôn kính đối với đạo Hồi.
Tại trụ sở của mình ở Tunis, Rudolf Rahn hăng hái đánh điện về hối thúc Berlin tổ chức nghi lễ trọng thể nhân dịp đón lễ Eid al-Adha. Trong những ngày sau đó, bộ máy tuyên truyền của Đức quốc xã lan truyền thông tin khắp Bắc Phi tung hô Đệ tam Đế chế là nước bảo trợ cho đạo Hồi.
Vào lúc cao điểm của Chiến tranh Thế giới thứ 2, giai đoạn 1941-1942, khi binh sĩ của Hitler tiến vào các vùng lãnh thổ của người Hồi giáo ở Bắc Phi, khu vực Balkan, Crimea và Caucasus cũng như tiếp cận Trung Đông và Trung Á, giới chức ở Berlin bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của đạo Hồi xét trên khía cạnh chính trị. Trong những năm sau đó, họ đã có những nỗ lực đáng kể để thúc đẩy hình thành một liên minh với thế giới Hồi giáo nhằm chống lại những kẻ thù chung là Đế chế Anh, Liên Xô, Mỹ và người Do Thái.
Các cảnh sát Hồi giáo ở thuộc địa Cameroon của Đức (1891). |
Mặc dù vậy, lý do Đệ tam Đế chế can dự với đạo Hồi không phải chỉ bởi các khu vực của người Hồi giáo đã trở thành một phần của những vùng chiến sự mà quan trọng hơn còn vì khi đó, quân đội Đức đang trở nên yếu thế. Ở Liên Xô, chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của Hitler đã thất bại. Khi các lực lượng vũ trang Đức phải chịu sức ép, Berlin bắt đầu tìm kiếm những liên minh chiến tranh rộng rãi hơn, thông qua những việc làm mang tính thực dụng cao. Họ “lấy lòng” người Hồi giáo để bình định những vùng lãnh thổ Hồi giáo đã chiếm đóng và huy động các tín đồ sùng đạo tham chiến bên cạnh quân đội của Hitler.
Giới chức Đức đã ngày càng tích cực can dự với người Hồi giáo từ cuối thế kỷ thứ 19, khi Hoàng đế Đức cai trị những thuộc địa có số lượng người Hồi giáo đáng kể là Togo, Cameroon và khu vực Đông Phi do Đức cai quản (gồm Burundi, Rwanda và phần lục địa của Tanzania ngày nay). Tại đây, người Đức tìm cách sử dụng tôn giáo như một công cụ để kiểm soát. Các tòa án theo hệ thống luật Sharia (hệ thống luật pháp cơ bản của đạo Hồi) được công nhận, các tài sản hiến tặng cho đạo Hồi được giữ nguyên, các cơ sở giảng dạy kinh Koran được hoạt động bình thường và những ngày lễ tôn giáo được công nhận. Giới chức thuộc địa cai trị thông qua các nhà trung gian Hồi giáo, những người mang lại tính hợp pháp cho chế độ thực dân.
Ở Berlin, đạo Hồi thậm chí còn được xem xét tạo điều kiện phát triển theo chính sách đối ngoại của Hoàng đế Đức Wilhelm II trong giai đoạn 1890-1918. Chính sách này được thể hiện rõ nét nhất trong chuyến công du Trung Đông của Wilhelm II năm 1898 và qua bài phát biểu “đầy kịch tính” của ông sau khi thăm lăng mộ Saladin ở Damascus, trong đó ông tự nhận mình là “người bạn” của 300 triệu tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Ngoài ra, Berlin cũng nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của người Hồi giáo sống ở các đế chế Anh, Pháp và Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Mặc dù tất cả những nỗ lực nhằm mở rộng cuộc thánh chiến vào năm 1914 đã thất bại, song các chiến lược gia Đức vẫn quan tâm nhiều đến nền địa chính trị gắn với đạo Hồi.
Với việc Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và quân đội Đức tiến vào những khu vực của người Hồi giáo, giới chức ở Berlin bắt đầu một lần nữa tính đến vai trò chiến lược của thế giới Hồi giáo. Cuối năm 1941, nhà ngoại giao Eberhard von Stohrer - cựu Đại sứ của Hitler tại Cairo - trong một bản ghi nhớ đã lần đầu tiên đề xuất “công cụ hóa” đạo Hồi một cách có hệ thống. Stohrer gợi ý cần triển khai một chương trình Hồi giáo tăng cường, trong đó sẽ bao gồm một tuyên bố về “thái độ của Đệ tam Đế chế đối với đạo Hồi”.
Từ năm 1941 đến cuối năm 1942, Bộ Ngoại giao Đức đã lập ra một đề án Hồi giáo, chiêu mộ những nhân vật tôn giáo mà nổi bật nhất là Giáo sĩ Amin al-Husayni ở Jerusalem, người đến Berlin cuối năm 1941. Ngày 18/12/1942, Đức quốc xã khai trương Học viện Hồi giáo Trung ương ở Berlin. Cơ sở này đã trở thành đầu mối của những chiến dịch tuyên truyền cho Đức quốc xã trong thế giới Hồi giáo. Tờ Völkischer Beobachter của Đảng Quốc xã cho chạy dòng tít đầy hứa hẹn “Cuộc chiến này có thể mang lại tự do cho người Hồi giáo”. Khi chiến tranh leo thang và quân đội Đức tiến vào những khu vực của người Hồi giáo ở Balkan và Liên Xô, người Đức vẫn duy trì những chính sách này.
Kỳ tới: Chiêu bài tôn giáo