Hôm 21/4 trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Đình Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa & Thể thao Hội An (Quảng Nam) cho biết, thành phố đang triển khai thí điểm đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” tại 2 phường Minh An và Cẩm Phô với mục đích khôi phục lại tính nhân văn, con người của phố Hội, hướng đến xây dựng hình ảnh đẹp hơn trong mắt du khách…
Pano "Dừng xe, ngả mũ-nón, cúi chào khi gặp đám tang” tại Hội An. |
Theo đó, đề án sẽ được thực hiện trong 2 năm (2017 - 2018) với nội dung chủ yếu tập trung vào 4 hành vi ứng xử gồm ứng xử giữa con người với chính mình, với con người, với gia đình và với xã hội. Chủ thể mà đề án hướng đến là dân cư, cán bộ, công chức, người lao động ở cơ quan, công sở, doanh nghiệp, học sinh, người dân địa phương khác nhưng đang sinh sống, buôn bán và làm việc trên địa bàn triển khai đề án.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu “Hội An - Nhân tình thuần hậu”, chính quyền đã lập ra bộ tiêu chí ứng xử gồm 10 thông điệp (thuộc 3 nhóm đạo đức, chấp hành luật giao thông, môi trường - buôn bán - xã hội).
Một số tiêu chí đáng chú ý trong đề án là: dừng xe ngả mũ, nón cúi chào khi gặp đám tang; hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ; không cởi trần, mặc quần đùi, áo lót khi đi lại trong phố, khi tham gia buôn bán; không nói thách, chèo kéo du khách; không bấm còi, phóng nhanh, nẹt pô; không sử dụng đèn pha khi tham gia giao thông trên đường phố, cố gắng làm nhiều việc thiện...
Hội An đang cố gắng hướng người dân đến những nếp cư xử thuần hậu, nhân văn. |
“Đây không phải là lần đầu tiên mà người Hội An ngả mũ trước đám tang, mà việc này có rất lâu rồi, từ năm 1975 lận. Lúc trước không chỉ có người dân mà kể cả học sinh các trường khi gặp đám tang cũng ngả mũ cúi chào, cái này có truyền thống rồi, bây giờ chỉ khôi phục lại thôi.
Đề án cũng nhằm bảo tồn, phát huy nếp sống, lối sống tốt đẹp của người dân Hội An, trước mắt là người dân khu vực phố cổ, trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt đời thường nhằm tăng tính hấp dẫn cho văn hóa, du lịch Hội An. Đây là ứng xử văn hóa - văn minh; loại trừ các hành vi thiếu văn hóa, phản cảm, thiếu văn minh, vi phạm nếp sống văn hóa...,giữa cộng đồng dân cư với nhau, giữa cộng đồng dân cư với khách du lịch. Đáp ứng được những mong muốn của những người thực sự có tâm huyết đối với việc gìn giữ, bảo tồn những tinh túy và linh hồn của phố cổ. Nếu được, tất cả các hệ thống chính trị của thành phố sẽ vào cuộc kêu gọi và nhân rộng ra toàn thành phố” - ông Châu nhấn mạnh.
Ban thực hiện đề án tuyên truyền với học sinh trên địa bàn về “Hội An - nhân tình thuần hậu”. |
Ông Trần Mạnh Hùng (người dân phố cổ Hội An) cho biết: “Việc gặp đám tang hay ma chay cúi đầu chào, đã có từ lâu trong con người Hội An, chứ không phải bây giờ mới triển khai. Bây giờ thành phố xây dựng đề án “Hội An - nhân tình thuần hậu” nên họ đưa vào nhằm giữ được nét nhân văn giữa con người với con người Hội An thôi. Tôi thấy đề án còn có rất nhiều tiêu chí như: hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ; không cởi trần, mặc quần đùi, áo lót khi đi lại trong phố, không chèo kéo du khách… Những tiêu chí này thấy hợp lý và đúng với bản chất của một thành phố du lịch”.
Ông Trần Đình Châu cho biết thêm, trước khi thực hiện đề án, thành phố đã triển khai lấy ý kiến của nhân dân. Vì chủ thể và đối tượng trực tiếp của đề án là con người nên đòi hỏi sự tham gia thực hiện đồng bộ của các thành viên, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, trường học,... trên địa bàn hai phường Minh An, Cẩm Phô. Quan trọng là phải nhất quán về chủ trương và có kế hoạch giới thiệu - tuyên truyền - vận động nhân dân; đánh giá kết quả, đặc biệt là nhân dân trong các khu vực có liên quan hiểu được lợi ích lâu dài của sản phẩm để đồng thuận và tích cực hợp tác, ủng hộ đề án.