Theo đó, ông Navin Rajagobal - cựu Phó Giám đốc phụ trách Luật Quốc tế ở Đại học Quốc gia Singapore - cho hay, sự kiện tàu buôn Santa Catarina xảy ra vào ngày 25/2/1603, rất ít người dân Singapore biết, nhưng nó lại có ảnh hưởng quan trọng tới ngày nay.
Cụ thể, sự cố trên xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông của Singapore, gần Changi. Santa Catarina, con tàu buôn Bồ Đào Nha do thuyền trưởng Sebastian Serrao đã bị tấn công và bị bắt giữ bởi các con thuyền nhỏ hơn được chỉ huy bởi thuyền trưởng người Hà Lan tên là Jacob van Heemskerk.
Con tàu buôn Santa Catarina cùng số hàng hóa quý giá mà nó vận chuyển gồm lụa là, các đồ gốm sứ, long não và các chiến lợi phẩm khác đã được đưa về Amsterdam. Trong phiên đấu giá, tiền thu được từ những hàng hóa này lên tới khoảng 300.000 bảng Anh, một con số khổng lồ đối với người dân sinh sống ở vùng Bắc Âu hồi thế kỷ 17.
Hình ảnh một công trường cải tạo đất trái phép mà Trung Quốc đang thực hiện ở Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Lẽ đương nhiên, người Bồ Đào Nha vẫn muốn số của cải trên được đưa về nước trong khi đó nhiều người dân Hà Lan lại hoài nghi trước sự hợp pháp của vụ bắt giữ trên. Một trong những lý do mà người Hà Lan góp mặt ở châu Á là mong muốn phá vỡ vị thế độc tôn của Bồ Đào Nha trong hoạt động giao thương giữa châu Âu với châu Á.
Nhằm đối phó với những rắc rối ở trong và ngoài nước quanh vụ bắt giữ tàu buôn trên, nhà tài trợ cho thuyền trưởng van Heemskerk là Công ty United Amsterdam Company đã thuê vị luật sư trẻ tuổi tên Hugo Grotius (1583-1645) soạn thảo một văn kiện nhằm nêu các lý lẽ trong hành động thu giữ tàu Santa Catarina.
Luật sư Grotius biện minh rằng, hành động của van Heemskerk đã thách thức một cách hoàn toàn hợp pháp sự thống trị không công bằng của Bồ Đào Nha trong hoạt động giao thương với châu Á.
Ông Grotius giải thích, người Bồ Đào Nha không chỉ ngăn cản người Hà Lan tiếp cận thị trường và các bến cảng ở châu Á mà còn sử dụng vũ lực bất hợp pháp để duy trì thế độc tôn của họ trong các hoạt động buôn bán với châu lục này. Vì thế, việc thu giữ tàu Santa Catarina là hành động để bảo vệ sự tự do hàng hải giữa châu Âu và châu Á.
Quan điểm của Grotius về vụ tàu buôn Santa Catarina về sau trở thành “kim chỉ nam” cho luật quốc tế hiện đại. Đơn cử, Grotius cho rằng, biển cả là vùng lãnh thổ quốc tế và rằng bất cứ quốc gia nào cũng được phép tự do sử dụng để phục vụ cho hoạt động thông thương trên biển. Đây cũng là nền tảng cho luật quốc tế liên quan tới biển và đại dương. Nguyên tắc này sau đó đã được hệ thống hóa trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo ông Navin Rajagobal, những diễn biến gần đây, bao gồm cuộc tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, cũng làm nổi bật lên tầm quan trọng của luật quốc tế liên quan tới biển.
Một số nhà quan sát cho rằng, bản đồ “đường chín đoạn” gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc vốn hình thành dựa trên học thuyết mare clausum (biển đóng) mà người Bồ Đào Nha rất ưa dùng hồi những năm 1600.
Trong khi đó, điều này lại đi ngược lại so với học thuyết mare liberum (biển tự do) mà Grotius đề xướng sau sự cố Santa Catarina và quan điểm này sau đó được đưa vào UNCLOS.