Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev. |
Trong một bài đăng trên The Diplomat, Tiến sĩ Stephen Blank - chuyên gia cao cấp về Nga tại Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ - cho biết Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Moscow chấm dứt thăm dò dầu khí ở Biển Đông, giữa lúc Nga đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Theo Tiến sĩ Stephen Blank, trong năm 2012, Nga đã bày tỏ mong muốn trở lại Cam Ranh - một động thái nhằm bảo vệ các dự án năng lượng ngoài khơi Nga-Việt và nhằm kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tập đoàn khi đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận thăm dò hai lô dầu khí nằm trong thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông, chiếm tới 49% cổ phần của hai lô có nhiều tiềm năng về khí đốt tự nhiên và khí ngưng tụ này. Những hành động đó hoàn toàn trái ngược với việc Trung Quốc yêu cầu Nga rời khỏi khu vực.
Quan hệ Nga-Việt đang phát triển vượt bậc, khi Việt Nam trở thành một khách hàng lớn mua vũ khí của Nga, chủ yếu là mua tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Nga và Việt Nam đã trở thành “đối tác chiến lược” từ năm 2001 và quan hệ song phương đã được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2012. Trao đổi thương mại, khoa học-văn hóa giữa hai nước đang được tăng cường, với việc Nga xếp hạng thứ 18 trong số 101 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sản xuất năng lượng. Nga đang giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. |
Nhưng có lẽ nổi bật nhất là hợp tác quân sự Nga-Việt. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng nhận định rằng hợp tác trong các lĩnh vực quân sự kỹ thuật Nga-Việt đã đóng góp đáng kể vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và thuận lợi cho sự phát triển của “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.
Nga đang giúp Việt Nam xây dựng một căn cứ tàu ngầm và một xưởng sửa chữa tàu để cung cấp dịch vụ hỗ trợ bảo dưỡng tàu hải quân của các nước khác. Căn cứ tàu ngầm này chứa các tàu ngầm Kilo mà Việt Nam mua của Nga để bảo vệ lợi ích ở Biển Đông.
Máy bay SU-30MK2 của Không quân Việt Nam. |
Nga cũng đã công bố việc bán thêm lô hàng 12 máy bay SU-30MK2 thứ 3 - loại máy bay chiến đấu có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên biển, trên không và trên mặt đất. Trước đó, Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka cải tiến (mà NATO gọi là Kilo) có chức năng chống tàu ngầm, tàu nổi, trinh sát và tuần tra ở các vùng biển tương đối nông như Biển Đông.
Tàu ngầm Hà Nội trước khi ra khơi chạy thử. |
Nhưng có lẽ, khía cạnh nổi bật nhất của hợp tác quân sự Nga-Việt là việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thông qua dự thảo Hiệp ước hợp tác quân sự Nga-Việt. Hiệp ước này sẽ qui định việc trao đổi thông tin, các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác tăng cường an ninh quốc tế và đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và kiểm soát vũ khí.
Nga liên tục nâng cấp quan hệ quân sự, kinh tế và chính trị với Việt Nam, mặc dù đang phát triển quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Đây rõ ràng là một phần của chiến lược “xoay trục” của Moscow sang Châu Á, với mục đích tăng cường vị thế “cường quốc Châu Á” của Nga vốn đã bị xói mòn đáng kể trong thập kỷ đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã.