Thời nay, phụ nữ ngoại tình chẳng còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, vào thời phong kiến với quan niệm "trọng nam khinh nữ" nặng nề, thì người phụ nữ dù bất kể tầng lớp nào cũng chỉ có giá trị như một người để duy trì nòi giống, không được phép làm những chuyện "vô đạo" như ngoại tình và phải luôn luôn giữ gìn phẩm hạnh cao đẹp, mặc cho chồng mình có năm thê bảy thiếp đi chăng nữa. Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ, kể cả phụ nữ phong kiến ở chế độ quân chủ, dù cho có ngồi lên được vị trí Mẫu nghi cũng vẫn không hiếm có những sự vụ "vượt rào" gây chấn động lịch sử.
(Ảnh minh họa) |
Và câu chuyện về vị Hoàng hậu họ Phùng dưới đây là một câu chuyện như thế. Thậm chí còn ghê gớm hơn khi nàng đã dám qua mặt Hoàng đế mà léng phéng với… thái giám trong cung. Chưa kể, trước đó, nàng còn nhẫn tâm hãm hại em gái cùng cha khác mẹ của mình vốn là Hoàng hậu tiền nhiệm, mặc cho người em này đã từng yêu thương mà giúp đỡ nàng đặt chân vào cung sau một thời gian dài "quy ẩn".
Hoàng hậu bạc nghĩa hãm hại em gái cùng cha khác mẹ
Vị Hoàng hậu đó, không ai khác chính là Phùng Nhuận, hay còn được gọi là Phùng Hoàng Hậu, nàng là vợ của Hiếu Văn Đế triều đại Bắc Ngụy. Sử liệu ghi chép về tuổi thơ và xuất thân của nàng khá sơ sài, chỉ biết nàng sinh ra trong một gia đình thuộc hoàng tộc với cha là thái sư Phùng Hi – anh trai ruột của Phùng Thái hậu quá cố triều Bắc Ngụy. Mẹ nàng là Thương thị, cũng là một người thuộc dòng dõi đài các quyền lực.
Tuổi thơ của nàng êm đềm với gia đình cho đến năm 13 tuổi, nàng cùng người em gái ruột được nhập cung làm phi tần của Hiếu Văn Đế, và bằng cốt cách của một tiểu thư đài các đoan trang, nàng và em cũng sớm được Hoàng đế sủng ái. Tuy nhiên, không lâu sau đó, em gái nàng lâm bệnh nặng và qua đời, bản thân nàng thì buồn trước cái chết của em và cũng mắc bệnh lạ, nên đành phải rời cung để về nhà tịnh dưỡng. Một thời gian ngắn sau nàng xuất gia đi tu "quy ẩn" từ bỏ hồng trần. Cứ tưởng trang đời của nàng sẽ cứ an yên từ đây, vui vầy với cỏ cây sống đời đạo thanh sạch.
Nhưng không, chẳng bao lâu nàng lại hồi cung do người em gái cùng cha khác mẹ với nàng, lúc này là một Hoàng hậu mẫu mực, cai quản chu toàn mọi việc trong cung, lại được lòng tất cả bá tánh, đã khuyên Hiếu Văn Đế rước chị mình về lại để làm tròn bổn phận của một phi tần dang dở xưa kia. Thế là mùa hè năm 496, Phùng Nhuận hồi cung, được Hiếu Văn Đế sắc phong làm Chiêu Nghi. Nàng tiếp tục trở thành một sủng phi của Hoàng đế.
Tuy nhiên, do bản tính tham lam đố kỵ, nên dù được em gái Hoàng hậu cùng cha đối đãi như một người chị ân tình ruột thịt, nàng Phùng Chiêu nghi vẫn cho rằng bản thân mình là chị gái, lại vào cung từ sớm năm 13 tuổi, bây giờ lại chịu thua vai vế trong cung với em gái. Thế là Phùng Chiêu nghi bày mưu hãm hại Hoàng hậu. Nàng đã vu khống em gái mình là một người ngoan cố, cứng đầu, dám chống lại các chính sách của Hoàng đế.
Thế là sau nhiều lần nỉ non với Hiếu Văn Đế, đồng thời loan tin xấu hãm hại Hoàng hậu. Cuối cùng, mùa thu cùng năm 496, Hiếu Văn Đế phế truất Hoàng hậu, Hoàng hậu uất ức, lập tức rời cung. Sang năm 497 thì Hiếu Văn Đế sắc phong Phùng Chiêu nghi trở thành Hoàng hậu thay thế. Từ đó, nàng chính thức trở thành Mẫu nghi thiên hạ của cả một giang sơn Bắc Ngụy.
Hoàng hậu "vô đạo" dám dan díu với thái giám sau lưng Hoàng đế
Vốn Phùng Nhuận nổi tiếng thông minh lại biết cách nói lời ngon ngọt làm lấy lòng người khác vì thế, suốt thời gian làm Hoàng hậu, nàng đã được Hoàng đế sủng ái hết mực. Hai người gắn bó với nhau như hình với bóng, sống vô cùng hạnh phúc bên nhau. Không bao lâu sau, Bắc Ngụy gặp chuyện binh biến, Hiếu Văn Đế phải rời cung, thân chinh xuất binh đi chống giặc. Hoàng cung lúc này chỉ còn lại Phùng Nhuận.
Sống cảnh thiếu vắng chồng, lại không chịu nổi cảnh cô độc quạnh quẽ phòng the, Phùng Nhuận liền tìm cách dan díu với một thái giám tên là Cao Bồ Tát. Thực chất, đây là một tên hoạn quan trá hình bởi hắn ta đã lách luật, vượt qua vòng "tịnh thân" để trà trộn vào hoàng cung làm thái giám, mưu cầu chút quyền lực và giàu sang. Thêm vào đó, Cao Bồ Tát lại là một kẻ rất khôi ngô tuấn tú, thân hình vạm vỡ, tráng kiện nên càng dễ làm Phùng Hoàng hậu động lòng. Sử sách chép rằng, trong suốt thời gian Văn Đế xa hoàng cung sống ở Nhữ Nam, Phùng thị gần như công khai qua lại với Cao Bồ Tát trong chốn hậu cung.
Cao Bồ Tát tuy chỉ là một thái giám trong cung nhưng đã sớm thành lập một thế lực cho riêng mình, Phùng Nhuận cũng chẳng vừa khi cấu kết chia bè chia phái trong cung suốt thời gian Hiếu Văn Đế xuất cung đánh trận bên ngoài. Vì thế, khi hai người đứng đầu của hai thế lực này hợp lại, dù có trái với luân thường đạo lý đi chăng nữa, có lộ liễu đi chăng nữa thì cũng không ai dám hó hé nửa lời với Hiếu Văn Đế.
Tuy vậy mà cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra khi Phùng Nhuận ngày càng tác oai tác quái. Nàng đã dùng quyền lực của một Hoàng hậu mà bắt ép Bành Thành Công chúa – một cô Công chúa vô cùng xinh đẹp nhưng đã sớm trở thành góa phụ vì chồng qua đời sớm - gả cho em trai của mình là Phùng Túc, mặc cho Công chúa hết lời cự tuyệt. Thế là, biết không thể nào chống lại Phùng Hoàng hậu, Công chúa đã âm thầm sai người mật báo với Hiếu Văn Đế ở xa để cho hay rằng Hoàng hậu trong cung lạm dụng quyền lực, ép người quá đáng và ngoại tình với một tên Thái giám.
Văn Đế nghe xong, vừa sững sờ vừa giận dữ, tuy nhiên cho rằng em gái vì không muốn cưới Phùng Túc nên mới nghĩ ra chuyện này. Thế nhưng, sau đó, một hoạn quan thân tín của Hiếu Văn Đế là Lưu Đằng đã tới mật báo với Hiếu Văn Đế chuyện tư tình của Phùng Hoàng hậu. Tới lúc này, ảo tưởng của Hiếu Văn Đế về mỹ nhân họ Phùng mới thực sự tan vỡ. Hoàng đế bản lĩnh một thời ngã vật xuống đất ngay trong doanh trại của đội quân hùng mạnh.
Cái kết của một Hoàng hậu bội bạc
Phùng Hoàng hậu cũng nhanh chóng biết được chuyện tư thông của mình đã bại lộ nên tìm gặp mẹ đẻ là Thường thị để bàn cách đối phó. Hai mẹ con họ Phùng quyết định mời một nữ phù thủy vào cung tìm cách yểm bùa, nguyền rủa Hiếu Văn Đế sớm chết để mình có thể thâu tóm quyền lực trong triều đình. Sau đó, để thám thính tình hình, Phùng Hoàng hậu cử rất nhiều tâm phúc của mình tới doanh trại của Hiếu Văn Đế để "thăm nom". Để khỏi rút dây động rừng, Hiếu Văn Đế giả như không biết chuyện gì đang xảy ra trong cung.
Tới năm 499, Hiếu Văn Đế bí mật đột ngột quay trở về kinh đô Lạc Dương. Sau đó, ông liền cho người bắt Cao Bồ Tát lại thẩm vấn để xác thực chuyện gian díu với Hoàng hậu. Chịu không nổi đòn roi, Cao Bồ Tát đành khai hết tất cả với Hiếu Văn Đế, khai cả chuyện Hoàng hậu dùng bùa chú để hãm hại Hoàng đế. Thế là, Hiếu Văn Đế nghe xong đau đớn như đứt từng khúc ruột, điên tiết cho người bắt Phùng Hoàng hậu khám xét, lúc này trong người Phùng Nhuận rơi ra một đoản đao có khắc chữ tà thuật.
Đau đớn trước người vợ mình yêu thương vốn đã gian díu mang tội tày trời, lại còn cả gan dùng tà thuật hãm hại mình, Hiếu Văn Đế liền sai người chém đầu Phùng Hoàng hậu. Tuy nhiên, Phùng Hoàng Hậu không phục trước cái chết ban cho mình, nàng liền khóc lóc van xin, nỉ non với Hiếu Văn Đế. Cuối cùng vì quá thương vợ, Hiếu Văn Đế đành tha cho nàng. Tuy nhiên, ông vẫn cho người giam nàng vào lãnh cung và không bao giờ nhìn đến mặt nàng một lần nào nữa.
Cuối cùng, vì sốc trước những chuyện vô đạo mà Hoàng hậu làm sau lưng mình dù mọi chuyện có thể coi như đã được giải quyết, sức khỏe Hiếu Văn Đế vẫn ngày càng suy kiệt. Đến lúc gần lâm chung, sợ rằng sau này khi mình chết đi, Phùng Hoàng hậu lại tác oai tác quái mà không ai cản được, ông mới ra lệnh: "Sau khi ta chết, sợ rằng không có ai khống chế được Hoàng hậu. Các ngươi hãy dùng di lệnh của ta ban chết cho bà ta. Tuy nhiên, vẫn tổ chức tang lễ như của Hoàng hậu, đừng làm bại hoại thanh danh nhà họ Phùng".
Sau khi Văn Đế qua đời, một số thân vương tuân theo di mệnh, ban thuốc độc cho Phùng Nhuận uống. Tuy nhiên, đến nước này Phùng Hoàng hậu vẫn một mực không chịu uống, không còn cách nào khác, các phân vương đành sai người ép đổ vào miệng nàng ta. Sau đó, Phùng Nhuận qua đời nhưng vẫn được ân huệ cuối cùng là được tổ chức tang lễ theo đúng nghi thức cung đình, và được ban cho thụy hiệu là U Hoàng hậu. Kết thúc cuộc đời của một đài các tuy quyền lực, được yêu thương nuông chiều nhưng lại vô đạo, bất nhân bất nghĩa đến độ hiếm có trong dòng lịch sử Trung Hoa phong kiến.