Hoạ sĩ trong vụ kiện "Thần đồng Đất Việt": Có một cái Tết thanh thản sau 12 năm
Sáng ngày 1/2, phiên tòa Sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp tác quyền đối với 4 hình tượng nhân vật trong truyện tranh Thần đồng Đất Việt đã được tiếp tục với phần phát biểu đánh giá quan điểm của đại diện cơ quan công tố.
|
Đại diện cơ quan công tố phát biểu quan điểm |
Đại diện cơ quan công tố tại tòa đã cho rằng trong đơn yêu cầu Cục bản quyền tác giả cấp bản quyền tác giả cho 4 hình tượng các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo" thì nội dung chỉ xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm: bản vẽ nhân vật bé Sửu Ẹo, Trạng Tí, Cả Mẹo, Dần Béo để in trên bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt và toàn bộ quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị, không có nội dung nào xác nhận ông Lê Linh là đồng tác giả với bà Hạnh.
Trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6 Thần đồng Đất Việt, ghi tác giả truyện và tranh là Lê Phong Linh. Ngoài ra công ty Phan Thị từng xuất bản tập truyện Thần đồng Đất Việt trong đó xác định Lê Linh tham gia 6 bước trong quy trình xuất bản bộ truyện này. Phía bị đơn cho rằng bà Hạnh đã chỉ vẽ cho ông Linh nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh.
Từ đó đại diện cơ quan công tố cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông Linh là có cơ sở chấp nhận, ông Linh là tác giả duy nhất và bà Hạnh không phải là đồng tác giả của 4 hình tượng nhân vật này.
Về yêu cầu buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo từ các tập Thần đồng Đất Việt tiếp theo cũng như trên các ấn bản khác như Thần đồng Đất Việt khoa học, Thần đồng Đất Việt mỹ thuật…, đại diện cơ quan công tố cho rằng năm 2006, ông Linh nghỉ việc và ngừng sáng tác truyện tranh Thần đồng Đất Việt.
Trong thời gian này, ông phát hiện công ty Phan Thị phát hành các tập truyện Thần đồng Đất Việt tiếp theo mà không có sự đồng ý của ông. Theo đánh giá qua phiên xét xử tại toà, công ty Phan Thị có quyền sở hữu nhưng không có quyền làm biến thể khi chưa được sự đồng ý của ông Linh. Việc làm biến thể làm thay đổi bản gốc của các hình tượng này ảnh hưởng đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của ông Linh.
Chính vì thế, cơ quan công tố đề nghị Tòa chấp nhận phần yêu cầu này của ông Linh, buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo đồng thời buộc bị đơn xin lỗi công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp và thanh toán chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác quyền của mình bị xâm phạm là 20 triệu đồng.
|
Họa sỹ Lê Linh trả lời phỏng vấn |
Sau khi đại diện cơ quan công tố nêu quan điểm, Chủ toạ phiên toà là thẩm phán Nguyễn Quanh Huynh đã cho rằng đây là vụ án phức tạp, cần nghị án kéo dài nên Toà sẽ tuyên án vào 14h ngày 14/2.
Chia sẻ với Tiền Phong sau phiên xét xử, hoạ sỹ Lê Linh tỏ ra khá hài lòng khi thấy đại diện cơ quan công tố đã chấp nhận hết mọi yêu cầu trong đơn khởi kiện. “Khi khởi kiện công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, tôi luôn tin công lý sẽ đứng về phía sự thật. Tôi là hoạ sỹ duy nhất sáng tạo ra bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt nên trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ cố gắng giữ đứa con tinh thần của mình lại. Quan điểm của cơ quan công tố đã cho tôi thấy nếu quyết tâm đeo đuổi thì công lý sẽ đến với bạn. Sau 12 năm, đến Tết này tôi mới có thể ăn một cái Tết thanh thản”.
|
Họa sỹ Lê Linh tại tòa |
Thần đồng Đất Việt là một bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập được xuất bản tại Việt Nam. Tập truyện đầu tiên mang tên Pháp sư gọi bưởi được NXB Trẻ phát hành ngày 16/2/2002. Ban đầu tác phẩm được thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị. Ông Lê Linh đã cùng với bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) đứng tên đăng ký quyền tác giả. Từ tháng 5/2002, Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, ghi nhận quyền tác giả thuộc về đồng tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.
Tuy nhiên, Thần đồng đất Việt phát hành đến tập thứ 78 thì họa sĩ Lê Linh quyết định ngưng cộng tác với Phan Thị. Các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn tiếp tục ra đời nhưng không đề tên tác giả, họa sĩ là ai. Phía Phan Thị cho rằng mình là chủ sở hữu có các quyền tài sản đối với tác phẩm nên tổ chức xuất bản các tập tiếp theo mà không cần ý kiến của tác giả. Trong khi đó ông Lê Linh cũng không còn làm việc tại Phan Thị. Vì vậy công ty có quyền thuê người khác làm những tập tiếp theo.
Họa sĩ Lê Linh thì cho rằng mình là tác giả nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm, không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật trong truyện của mình. Vào tháng 4/2007, họa sĩ Lê Linh đã chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị. Tuy nhiên phải mãi tới cuối tháng 12/2018, toà án Nhân dân quận 1 mới chính thức đưa vụ kiện ra xét xử.