Ngày 15/6, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã qua đời lúc 10 giờ 17 phút tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.
Sinh ngày 20/10/1922 tại Nghệ An, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm từng học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941-1946). Ngay từ năm học thứ 3, ông đã nhận được sự chú ý đặc biệt của giới hội họa với bức tranh sơn dầu “Người gác Văn Miếu”, giành giải nhất tại Salon Unique năm 1944.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Tham gia cách mạng từ năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc, tiếp đó giảng dạy tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tham gia Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957-1983)
Sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được trang trọng xếp vào nhóm “tứ trụ” thứ hai của mỹ thuật Việt Nam, gồm “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”. Cùng với nhóm “tứ trụ” thứ nhất (Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn), họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX tới nay.
Điểm nổi bật ở tranh Nguyễn Tư Nghiêm là sự hòa quyện của văn hóa dân gian với kỹ thuật tạo hình độc đáo của hội họa hàn lâm châu Âu, là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại. Ông là người đã đưa hội họa Việt Nam trở lại nguồn cội với một loạt tranh dân gian như Trung thu (1963), Múa sư tử (1962), Ông Gióng (1976)... bằng sự kết hợp tài hoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã được trao những giải thưởng, huân chương danh giá nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1) năm 1996, giải thưởng Hội họa quốc tế Sofia - Bulgaria năm 1983 cùng nhiều giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước khác; Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam...
Tang lễ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 11 giờ 15 phút ngày 17/6, lễ truy điệu lúc 12 giờ 45 phút cùng ngày, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.