Đại diện các gia đình nạn nhân làm thủ tục nhận hỗ trợ |
Từ ngày 5/11, Ban vận động Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân phối hợp MTTQ phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Ban vận động) trao số tiền gần 124 tỷ đồng (đợt 2) cho các gia đình nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, trong phương án chia tiền hỗ trợ, vẫn còn một số ý kiến trái chiều từ gia đình các nạn nhân. Chị D. đại diện gia đình phòng 404 cho biết, trong vụ cháy, chị gái và cháu bị tử vong. Vì thế, theo phương án, gia đình được hỗ trợ 1 tỷ đồng. Gia đình rất cảm động trước sự quan tâm của cộng đồng. Chị D. cũng cho rằng, phương án hỗ trợ của Ban vận động với người bị thương, người dưới 16 tuổi và trẻ em là phù hợp. Tuy nhiên, các gia đình có người tử vong như chị D. mong muốn Ban vận động “công bằng” hơn.
Cụ thể, theo phương án, những người sống trong tòa nhà được chia “cào bằng” là 700 triệu đồng/người. Tuy nhiên, chị D. cho rằng, nhóm này cần phải phân làm 2 đối tượng. Thứ nhất, người sống bị thương trong vụ hỏa hoạn thì số tiền hỗ trợ phù hợp. Thứ hai, những người sống trong tòa nhà nhưng không có mặt trong vụ hỏa hoạn (ví như đi vắng, đi công tác) mà vẫn được hỗ trợ 700 triệu đồng/người là không phù hợp. “Có gia đình không có mặt ở tòa nhà nhưng nhận đến mấy tỷ đồng tiền hỗ trợ. Chúng tôi cho rằng như thế là không công bằng với người chết”’, chị D. nói.
Ý kiến của chị D. cũng là ý kiến của nhiều gia đình có người tử vong. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, ngày 5/11, một số gia đình có người tử vong đã có ý kiến về vấn đề này. “Thiệt hại về tài sản, nhà cửa là như nhau. Nhưng có người không ở nhà vẫn được nhận 700 triệu đồng/người. Đáng ra, Ban vận động cần giảm tiền hỗ trợ cho đối tượng này để dành cho những đối tượng khác”, chị H., đại diện một gia đình có người tử vong trong vụ cháy, bày tỏ.
Ngoài ra, trong vụ cháy có nhiều chủ căn hộ cho thuê (8 căn) nhưng không nhận được bất kỳ hỗ trợ gì. Bà Phạm Thị Hằng (chủ căn hộ 604) cho biết, sự cố là không ai mong muốn. Bà rất chia sẻ với gia đình có người bị nạn.
Bà Hằng hiện đã 50 tuổi nhưng vẫn phải đi làm tạp vụ để có thêm thu nhập. Trước khi xảy ra vụ cháy, bà đi trông cháu nên có cho thuê căn hộ của mình. Trong vụ cháy vừa qua, căn nhà là tài sản duy nhất của bà đã bị cuốn theo ngọn lửa. Tuy nhiên, đến thời điểm này gia đình chưa nhận được hỗ trợ gì.
Theo phương án được phê duyệt, 88 người sống trong tòa nhà (tính đến ngày 12/9) nhận hỗ trợ 700 triệu đồng/người; hỗ trợ thờ cúng đối với người tử vong 500 triệu đồng/người (56 người). Ngoài ra, Ban vận động cũng hỗ trợ cho người bị thương, trẻ dưới 16 tuổi. Có 144 người được hỗ trợ trong đợt này.
Không có phương án tuyệt đối
Với ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ “cào bằng”, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, tại các cuộc họp trước đó, vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc kỹ và được làm rõ. Theo đó, các đại biểu thống nhất rằng, người còn sống sẽ phải đối diện tương lai khó khăn như mất chỗ ở, áp lực về tâm lý, tinh thần nên rất cần nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là trẻ em, người dưới 16 tuổi.
Cũng theo vị lãnh đạo này, sau khi xảy ra cháy, quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát kỹ các trường hợp sống tại tòa nhà. Quá trình đó, xác định một số trường hợp không ở trong căn hộ cả tháng và khi kê khai gia đình cũng không đưa vào. Đến khi thấy nguồn tài trợ lớn thì gia đình lại đòi hỏi quyền lợi. Hoặc như chủ các căn hộ, dù là tài sản ở đó nhưng không trực tiếp sống ở đó thì không thuộc đối tượng hỗ trợ, bởi số tiền của cộng đồng là để hỗ trợ các trường hợp bị nạn, sống ở tòa nhà thường xuyên.
Trong việc xác định thương tích, nếu làm đúng theo quy định thì phải giám định tỷ lệ thương tật. Tuy nhiên, để làm theo đúng quy trình thì sẽ mất nhiều thời gian, kinh phí. Trong khi đó, yêu cầu là phải hỗ trợ nhanh nhất cho các nạn nhân nên cán bộ quận, phường phải căng mình làm việc. “Mọi phương án không thể tuyệt đối mà chỉ là tương đối. Chúng tôi rất mong cộng đồng, gia đình cùng thông cảm và chia sẻ với địa phương”, vị lãnh đạo nói.