Hôm nay, từ phong cảnh đẹp như tranh vẽ ở ngọn núi phía trên, du khách có thể nhìn thấy cổng vào của Địa đạo tổ chim ưng (Hawks Nest Tunnel) nằm ở sông New, cạnh cây cầu Gauley. Tại đó, nước sông chảy xuyên qua một hệ thống thép và đá dài 4949m. Nhưng hơn 90 năm trước, những đám mây bụi dầy đặc làm mờ mắt và nghẹn phổi của các công nhân phía trong đường hầm. Dự án mỏ đã thu hút hàng ngàn đàn ông trai tráng nhằm hy vọng có việc kiếm cơm trong suốt thời kỳ Đại khủng hoảng (1929-1939). Trong số họ là ¾ người Mỹ gốc Phi sống ở miền Nam.
"Đối với những người này, việc đi về phía Tây Virginia cũng giống như lên thiên đàng – vùng đất mới, hứa hẹn mới – và khi họ đến đó thì liền bị chưng hửng khi chui vào địa ngục”, dẫn lời ông Matthew Watts, một mục sư và là sử gia nghiệp dư ở Charleston (Tây Virginia). Hàng trăm công nhân đã chết sau thời gian làm việc trong địa đạo với việc phơi nhiễm bụi silic độc hại, một loại khoáng chất mà các mảnh của nó khi chui vào trong phổi sẽ y như những mảnh kính. Hãng tin NPR tường thuật rằng cùng một loại bụi “tử thần” đã làm hồi sinh một loại bệnh phổi đen trong số những công nhân mỏ than ở Appalachia (miền Đông nước Mỹ). Những công nhân mỏ ngày nay thường mắc bệnh trẻ hơn và tiến triển bệnh nhanh hơn. Thêm nữa, các nhà quản lý liên bang đã cố gắng ngăn ngừa nó. Nhưng trước khi dịch bệnh hiện đại càn quét các thợ mỏ thì thảm họa Địa đạo tổ chim ưng – sự cố gần như bị quên lãng về những nguy hiểm của bụi silic – đã khiến giới chức sở tại nhanh chóng phản hồi với Tử Thần trước nhà mình.
“THỊ TRẤN XÁC SỐNG”
Để tạo ra tuyến Địa đạo tổ chim ưng, các công nhân phải khoan vào đá sa thạch và làm giải phóng bụi silic độc hại, công nhân không mang mặt nạ phòng độc. Ảnh nguồn: Elkem Metals Collection, West Virginia State Archives |
Công ty Union Carbide and Carbon Corp (gọi tắt UCCC thành lập năm 1917) đã bắt đầu xây dựng tuyến địa đạo dài 3 dặm vào mùa Xuân năm 1930. UCCC muốn nạo vét nước từ sông New cho một nhà máy nằm ở hạ nguồn để phát điện cho việc luyện kim. Gần 3000 công nhân đã chia ca làm việc từ 10 đến 15 tiếng mỗi ngày. Địa đạo đã hoàn tất trong vòng 4 năm xây dựng. Công nhân đã khoan nhiều lỗ và xếp chất nổ vào bên trong để nổ tung lớp đá sa thạch. Núi Gauley nơi xây dựng tuyến địa đạo có 99% là sa thạch thuần túy, nó là nguồn hàng rất có giá trị vào năm 1930. Nhưng việc khoan xuyên sa thạch đã tạo ra bụi silic. Một công nhân sau đó phàn nàn rằng bụi quá đặc đến nỗi ông ta có cảm giác như nhai nó.
Nữ văn sĩ địa phương Catherine Venable Moore tếu táo nói: “Thời kỳ đó, cầu Gauley có một cái biệt danh hẳn hoi: “thị trấn xác sống”, bởi vì có quá nhiều công nhân bị ốm và cũng bởi vì họ như những bóng ma thoắt ẩn hiện khi ló người ra khỏi lớp bụi silic trắng xóa”. Một trong các thợ mỏ của thời kỳ đó là Dewey Flack, một người Mỹ gốc Mỹ tầm 17 hay 18 tuổi. Khó mà biết đích xác tuổi của Flack bởi vì cũng như những thợ mỏ người Phi khác chỉ có chút manh mối về cuộc đời và cái chết của anh. Theo sử gia Matthew Watts thì: “Dewey Flack rời nhà ở Bắc Carolina với tấm vé xe lửa một chiều đến Tây Virginia và hy vọng sẽ gửi tiền về cho cha mẹ và 5 người em. Nhưng người thân của Flack đã không nhìn thấy anh nữa”.
“THANH NIÊN TRAI TRÁNG CỨ RỤNG DẦN”
Chẳng mấy chốc sau khi công trình bắt đầu xây dựng, các thợ mỏ bắt đầu lăn ra ốm và chết trong địa đạo. Trong bản tin có từ năm 1936, một thợ mỏ làm ở Địa đạo tổ chim ưng đã nhớ lại: “Hàng ngày tôi đã làm việc trong địa đạo đó và giúp cho từ 10 đến 14 đồng nghiệp vượt qua bức tường bụi”. Những bức ảnh chụp trong suốt thời gian xây dựng cho thấy hình ảnh vật vờ như bóng ma của thợ mỏ trong đám mây bụi trắng xóa. Theo các tài liệu còn lưu lại của UCCC thì “80% thợ mỏ bắt đầu ốm, chết hoặc bỏ ngang sau 6 tháng làm việc. Ông Martin Cherniack, giáo sư của Đại học Connecticut, người từng viết một cuốn sách về Địa đạo tổ chim ưng vào năm 1986, cho biết: “Bác sĩ địa phương cũng mù tịt về diễn biến bệnh của các thợ mỏ. Những thợ mỏ trẻ, khỏe cứ thế đổ gục dần dần chỉ trong một thời gian ngắn, thực sự chưa từng có tiền lệ cho sự việc này”.
Bà Charlotte Yeager, nhà xuất bản tờ báo địa phương đang chăm sóc nghĩa địa Whippoorwill. Ảnh nguồn: Adelina Lancianese/NPR |
Số liệu thợ mỏ qua đời rất khác nhau. Theo tuyên bố của Quốc hội Mỹ tại thời điểm đó thì có khoảng 300 thợ mỏ bị chết do bệnh bụi phổi silic được hình thành bởi tiếp xúc với bụi silic. GS Martin Cherniack ước tính rằng con số thợ mỏ chết ít nhất phải là 764 người bao gồm cả Dewey Flack. GS Cherniack dẫn chứng: “Họ (thợ mỏ) đột nhiên lăn ra ốm, khó thở, sụt cân nghiêm trọng, không thể cử động và thực hiện các chức năng sinh hoạt và tập thể dục”. Thợ mỏ Dewey Flack qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 1931, chỉ 2 tuần sau ca làm việc cuối cùng tại địa đạo. Giấy chứng tử của Flack nói rằng anh chết vì chứng viêm phổi, nhưng theo GS Cherniack thì các bác sĩ của công ty UCCC thường chẩn đoán sai đối với những cái chết của thợ mỏ hay quy cái chết của các công nhân bằng một căn bệnh mang tên là “viêm đường hầm”. Sau đó, UCCC đã sử dụng những giấy chứng tử này để chứng minh cho một vài trường hợp tử vong.
SỰ THẬT BỊ CHE ĐẬY
Hàng trăm thợ mỏ da trắng đã làm việc trong tuyến địa đạo cùng với những thợ mỏ người Phi di cư như Dewey Flack, nhưng điều kiện làm việc ngày một tồi tệ thêm cho hơn 2000 thợ mỏ người gốc Phi, họ chiếm phần đông đảo của lực lượng thợ mỏ. Những công nhân người Phi đã khai trước Quốc hội vào năm 1936 rằng họ bị chủ từ chối nghỉ giải lao 30 phút để hít thở không khí sạch. Họ nói rằng nếu chẳng may đổ bệnh thì các quản đốc sẽ ép họ đi nằm dưới họng súng canh gác. Theo các giấy chứng tử thì xác những thợ mỏ gốc Phi được chôn trong những nấm mồ vô danh. Theo sử gia Matthew Watts thì một số thợ mỏ khi qua đời, người thân của họ còn không hề hay biết.
Bà Sheila Flack-Jones đến từ Charlotte (Bắc Carolina), là cháu họ của thợ mỏ Dewey Flack, nhớ lại: “Lúc tôi còn nhỏ, cha tôi hay kể rằng người anh trai của cha có lẽ đã bỏ việc đi đâu đó. Tôi rất sốc khi biết sự thật rằng cả gia đình tôi đều không biết ông bác đã chết đau đớn trong hoàn cảnh đó, họ không biết đến sự thật như vậy”. 5 năm sau khi thợ mỏ Dewey Flack và hơn 700 thợ mỏ khác bắt đầu phát bệnh bụi phổi silic, Ủy ban lao động thuộc Hạ viện Mỹ đã tổ chức một phiên đều trần về thảm họa Địa đạo tổ chim ưng. Các đại diện từ công ty UCCC từ chối tham dự. Một trong số các đại diện của UCCC đã gửi một lá thư tay với đại ý bao biện: “tin đồn vu khống và huyễn hoặc”, “Chưa từng có thợ mỏ nào mắc bệnh bụi phổi silic ở công ty chúng tôi”.
Ủy ban lao động của Hạ viện sau đó đã đi thị sát thực địa và kết luận rằng: “Địa đạo tổ chim ưng đã trở thành mồ chôn và phi nhân tính cho tất cả những ai bị ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống, tương lai”. Quốc hội đã không hành động để chống lại các công ty, nhưng cùng năm đó đã thông qua một đạo luật nhằm uy cầu sử dụng mặt nạ phòng độc trong các điều kiện làm việc bụi bặm. Hơn 500 đơn kiện đã đệ trình để chống lại UCCC và nhà thầu Rinehart & Dennis, nhiều đơn trong số đó đã được giải quyết bên ngoài tòa án. Tập đoàn Dow Chemical đã chi tiền để mua lại UCCC vào năm 2001 và không trả lời phản hồi từ phóng viên của hãng tin NPR trong một cuộc phỏng vấn.
SỰ CHỐI BỎ LỊCH SỬ
Thảm họa Địa đạo tổ chim ưng đã được đưa vào tiểu thuyết, bài hát dân ca và nghệ thuật. Năm 1938, nhà thơ Muriel Rukeyser đã xuất bản tác phẩm “Sách của Người Chết” nhằm dựa theo những cuộc phỏng vấn của bà với các nạn nhân sống sót từ thảm họa và gia đình của họ. Năm ngoái 2018, cuốn sách đã được tái phát hành. Bà Sheila Flack-Jones đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm nhằm nhớ đến ông bác Dewey Flack của mình. Bà John bức xúc nói: “Thật sự tôi đang rất giận dữ. Một sự thật quá đỗi đau lòng. Tôi đã khóc cho bác tôi, người mà tôi chưa từng biết mặt. Qúa đớn đau cho cả gia đình tôi khi ông bác đã một đi không trở lại”. Sử gia Matthew Watts từng làm kỹ sư cho UCCC trong suốt 2 thập niên, nhưng ông sống cách tuyến địa đạo 2 dặm và mới chỉ biết sự thật tồi tệ cách đây vài năm. Sử gia Watts ngậm ngùi cho biết: “Màn đêm đã phủ bóng lên số phận các thợ mỏ gốc Phi đặc biệt là tại tiểu bang Virginia này, như thể chưa từng xảy ra sự vụ khủng khiếp đó. Chúng tôi không nói về nó, đó là bản chất của Tây Virginia. Chúng tôi sống với sự lãng quên lịch sử, một sự chối bỏ lịch sử”.
Nghĩa địa Whippoorwill ở Summersville (Tây Virginia), nơi an giấc ngàn thu của Dewey Flack, các hồ sơ lưu lại nói rằng khi Flack mất, một chiếc xe đã chở xác người thợ mỏ khốn khổ cùng với những người khác đến nơi họ sẽ được an táng cùng nhau. Nhà xuất bản tờ báo địa phương Charlotte Yeager cho biết: “Đôi khi xác người được xếp chồng lên nhau như những súc gỗ lim”. Cũng theo bà Yeager thì có một hợp đồng hẳn hoi cho người đạo tỳ: mỗi xác chết đem đi chôn cất sẽ được trả công 50 USD. Khi phòng xác của người đạo tỳ đã hết xác, ông ta đã chôn thêm 40 thợ mỏ khác trong những cỗ quan tài đơn giản trong một ngôi mộ tập thể thuộc khuôn viên một nghĩa địa nô lệ cổ của gia đình mình. Thập niên 1970, khu nông trang có nghĩa địa nô lệ được khai quật để tiến hành là một con đường mới, và hài cốt của những thợ mỏ xấu số đã được tái an táng tại nghĩa địa Whippoorwill.
Nghĩa địa cũ bị bỏ hoang cho đến khi bà Charlotte Yeager tìm thấy nó và phục hồi lại nguyên trạng, định vị mỗi ngôi mộ bằng thiết bị radar. Giờ đây bà Charlotte là người duy nhất trông nom nghĩa trang này. Mỗi tuần 1 lần, bà lại ra thăm nghĩa địa để đánh giá về các thiệt hại từ cơn bão gần đó: cành tay gãy đổ và bia mộ bị thất lạc. Lắc đầu, mắt ngấn nước, bà Charlotte bùi ngùi: “Mỗi ngôi mộ đều có quan tài nằm trong đó. Họ đang an giấc. Ở đây, họ tìm được chốn bình yên”. Các ngôi mộ nằm rải rác trong khuôn viên, tất cả đều giống hệt nhau và được đánh dấu bằng một cây thánh giá bằng gỗ. Thật khó để biết trong số các mộ đó, mộ nào là của thợ mỏ Dewey Flack