Mới đây, Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Đặng Văn Dũng (SN 1989, trú tại Đoàn Xá, Kiến Thuỵ, Hải Phòng); Bùi Thị Phương (SN 1990, trú tại Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hoà Bình) và Vũ Thị Hiền (SN 1996, trú tại Nam Thái, Nam Trực, Nam Định) để điều tra hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Đáng chú ý, nạn nhân là bé gái sinh năm 2020 và là con đẻ của Vũ Thị Hiền. Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi bán con dù chưa đạt, Hiền và các đồng phạm sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Hiền (áo vàng) cùng đồng phạm. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, TS. luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, hành vi của 3 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Do đó, cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam bảo vệ các quyền trẻ em, trong đó có quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục bởi cha mẹ, những người thân thích cho đến khi trưởng thành.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Cụ thể, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về các hành vi bị cấm trong đó có hành vi: "Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.". Người thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của luật trẻ em sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với hành vi mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Luật Trẻ em cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên thực tế. Quy định về quy trình thực hiện các biện pháp để bảo vệ trẻ em, phòng ngừa trẻ em khỏi nguy cơ bị bắt cóc, bị đánh tráo, chiếm đoạt, bị bạo hành, xâm hại...
Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định cha, mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái đến khi trưởng thành.
Bởi vậy, trường hợp người mẹ không thực hiện nghĩa vụ của người làm mẹ là bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con mình, không những là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật. Tuỳ vào tính chất mức độ của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của nhóm đối tượng này để xác định có phải là giữ người trái pháp luật hay đã đến mức có thể xử lý về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi theo các quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của pháp luật, chỉ có cha mẹ, người giám hộ, người có trách nhiệm trong việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em thì mới có quyền giữ trẻ em để trông coi, bảo quản, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh. Còn những người khác không có chức năng nhiệm vụ quyền hạn, không có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà lại thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em hoặc giao trẻ em cho người khác chiếm giữ là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (nếu trường hợp người bị giữ là trẻ em). Trường hợp giữ trẻ em nhằm mục đích giao cho người khác để nhận tiền thì đây là hành vi mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 bộ luật hình sự.
Trong vụ việc trên, nếu kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy các đối tượng này đã có hành vi chuyển giao trẻ em nhằm nhận tiền, lợi ích vật chất sẽ bị xử lý hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi với mức chế tài nghiêm khắc theo quy định tại điều 151 Bộ luật Hình sự. Trường hợp mới ở mức độ giai đoạn chuẩn bị, "giao dịch" mua bán người chưa được thực hiện, chưa thành công, các đối tượng này có thể được áp dụng quy định về phạm tội chưa đạt để giảm bớt một phần trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ diễn biến hành vi của các đối tượng gây án để áp dụng pháp luật một cách chính xác, đảm bảo công bằng, khách quan.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ lời khai ban đầu của đối tượng về khoản nợ đến mức phải "bán con". Nếu có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đến mức có thể xử lý hình sự hoặc có hành vi cưỡng đoạt tài sản thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng vi phạm về cho vay trong giao dịch dân sự, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.
Qua vụ việc này cho thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thiếu trách nhiệm, buông thả, coi nhẹ chuẩn mực đạo đức xã hội. Chỉ vì mưu cầu, lợi ích cá nhân, vì tính ích kỷ của bản thân mình mà sẵn sàng bán cả đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Hành vi của người phụ nữ trong trường hợp này là rất đáng trách, đáng lên án và cần phải có bản án nghiêm minh, thích đáng để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phá đường dây mua, bán người sang Trung Quốc:
Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.