Hồ Bồng Lai bị xẻ thịt, đua nhau lấn chiếm trái phép

(VietnamDaily) - Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân thôn Bồng Lai (xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đã tự ý vượt lập, lấn chiếm trái phép hồ Bồng Lai để kinh doanh buôn bán.

Hồ Bồng Lai bị lấn chiếm, "xẻ thịt"
Thời gian qua, hồ nước Bồng Lai thuộc thôn Bồng Lai (xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) bị hàng chục hộ dân lấn chiếm trái phép trong suốt một thời gian dài.
Nhiều người dân trong thôn bức xúc trước thực trạng trên và yêu cầu UBND xã Ninh Hải, UBND huyện Ninh Giang phải có biện pháp chấm dứt tình trạng trên, trả lại hồ nước cho cộng đồng thôn Bồng Lai.
Ghi nhận của PV Kiến Thức, hồ Bồng Lai là hồ nước có cảnh quan thiên nhiên đẹp nằm giữa thôn Bồng Lai (xã Ninh Hải). Ngay bên cạnh hồ nước có di tích Đình, chùa Bồng Lai – là nơi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động tín ngưỡng của người dân thôn Bồng Lai và người dân xã Ninh Hải.
Tuy nhiên, hiện nay, xung quanh hồ vẫn tồn tại hàng chục công trình của 9 hộ dân lấn chiếm diện tích hồ Bồng Lai. Những công trình lụp xụp, khiến cảnh quan nơi đây nhếch nhác. Thậm chí, có hộ dân còn thản nhiên xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn ven hồ nước.
Hai Duong: Ho Bong Lai bi
 Hồ Bồng Lai hiện đang bị 9 hộ dân lấn chiếm.
Theo một người dân địa phương cho biết, trước đây, số công trình lấn chiếm hồ nước còn nhiều hơn hiện tại với tổng số 39 hộ có hành vi lấn chiếm. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều hộ đã nhận thức được hành vi của mình nên đã tự động dỡ bỏ những công trình trên. Song, một số hộ hiện vẫn chưa thực hiện việc tháo dỡ các công trình lấn chiếm trái phép.
Tìm hiểu của PV Kiến Thức, vào ngày 11/6/2004, Thanh tra huyện Ninh Giang đã ban hành kết luận số 06/Kl-TTr xem xét nội dung tố cáo của ông Lê Văn Thường (thôn Bồng Lai) trong đó nêu rõ, kiểm tra tài liệu, quản lý đất đai, xác minh hiện trạng đất hồ Bồng Lai, đoàn thanh tra xác định, đất hồ Bồng Lai phía trong quanh bờ hồ từ năm 1993 đến năm 2011 có 39 hộ dân tự ý vượt lập, lấn chiếm vườn, làm quán kinh doanh với tổng diện tích lên đến 2.806,8 m2. Thời điểm đó, khi các hộ dân vượt lập lấn chiếm, UBND xã không ngăn chặn và không có biện pháp xử lý.
Cụ thể, kiểm tra bản đồ địa chính và sổ mục kê quản lý đất đai xã Ninh Hải đo lập năm 1985 thì diện tích đất bờ hồ chưa bị lấn chiếm. Kiểm tra bản đồ địa chính và sổ mục kê đo lập năm 2001, đất bờ hồ Bồng Lai có 44 thửa của 39 hộ dân sử dụng với diện tích 2.806,8 m2. Kiểm tra hiện trạng đất bờ hồ Bồng Lai, xung quanh bờ hồ có một số hộ dân lấn chiếm vượt lập làm vườn, làm quán kinh doanh.
Hai Duong: Ho Bong Lai bi
 Những công trình lụp xụp khiến cảnh quan nhếch nhác.
Kết luận thanh tra của Thanh tra huyện Ninh Giang cũng nêu rõ, làm việc với ông Lê Văn Thường (cán bộ địa chính xã năm 1986-1994); ông Phạm Quang Hưng (chủ tịch xã năm 1990-1994); ông Lê Quang Đám (chủ tịch xã giai đoạn 1994-1999), cả 4 ông đều cung cấp, năm 1992 UBND xã giao hồ Bồng Lai cho HTX Bồng Lai quản lý khi đó chưa hộ nào lấn chiếm vượt lập.
Đến đầu năm 1993, có hộ ông Thảo vượt làm quán thợ mộc và 4 người đấu hồ vượt 2 vị trí tại cống hồ và chợ làm quán trông cá. Từ năm 1994 đến 2001, tiếp tục có một số hộ tự ý vượt lập lấn chiếm đất hồ. Thời kỳ này, UBND xã Ninh Hải có nhắc nhở các hộ lấn chiếm nhưng không có văn bản và không có biện pháp xử lý.
Khi đó, Thanh tra huyện Ninh Giang kết luận, việc tự ý vượt lập, lấn chiếm 2.806,8 m2 đất bờ hồ của 39 hộ dân là việc làm sai trái, vi phạm điều 5, luật đất đai năm 1988 và điều 6 luật đất đai năm 1993. Cụ thể, tại điều 6 Luật đất đai 1993 quy định: “Nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích đất được giao, hủy hoại đất”.
Từ đó, Thanh tra huyện Ninh Giang khi đó, yêu cầu UBND xã Ninh Hải thu hồi 2.806,8 m2 đất lấn chiếm bờ hồ của 39 hộ dân đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật.
Hai Duong: Ho Bong Lai bi
 Thậm chí người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngay sát hồ.
Chủ tịch UBND xã Ninh Hải nói gì?
Thực trạng các hộ dân lấn chiếm đất hồ Bồng Lai trong thời gian dài dù đã được Thanh tra huyện Ninh Giang chỉ rõ. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân một phần do trong nhiều năm qua,UBND xã Ninh Hải qua các thời kỳ đã buông lỏng công tác quản lý đất đai, để người dân tự do lấn chiếm, quai cạp đất của tập thể và chuyển nhượng không hợp pháp nhưng không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Ngày 12/7/2019, khi làm việc với PV Kiến Thức, ông Phạm Quang Toan, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải thừa nhận có tình trạng hàng chục hộ dân lấn chiếm đất hồ trong suốt thời gian dài và hiện còn có 9 hộ chưa tự tháo dỡ các công trình trên đất lấn chiếm.
Hai Duong: Ho Bong Lai bi
 Con đường bao quanh hồ phải thi công dang dở do các hộ dân lấn chiếm trái phép chưa tháo dỡ công trình.
“Năm 2019, xã Ninh Hải đăng ký về đích nông thôn mới và đã được UBND huyện Ninh Giang đồng ý. Trong quá trình về đích nông thôn mới, địa phương triển khai làm một số tuyến đường từ tiền ngân sách, trong đó có tuyến đường vòng quanh hộ Bồng Lai. UBND xã đã vận động các hộ dân lấn chiếm đất hồ tự giác tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho địa phương quản lý, làm đường tạo cảnh quan, môi trường hồ Bồng Lai và khu di tích đình, chùa Bồng Lai. Hiện 30 hộ dân đã chấp hành tháo dỡ nhưng vẫn còn 9 hộ dân chưa chấp hành”, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết.
Ông Phạm Quang Toan cho biết them, hiện xã đã thành lập ban chỉ đạo để giải tỏa và mời các hộ dân lên làm việc và yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ nhưng đến thời điểm hiện tại chưa chấp hành. Mới đây, UBND xã đã lập biên bản xử phạt hành chính và thực hiện các quy trình xử lý tiếp theo.
Hai Duong: Ho Bong Lai bi
 Nhiều hộ dân đã tự ý tháo dỡ trong khi vẫn còn những hộ dân chây ì.
Lý do 9 hộ chưa đồng ý chấp hành, theo ông Toan, các hộ dân đề nghị hỗ trợ công cải tạo, san lấp đất từ 1993 đến 2001.
“Tuy nhiên, khi xã yêu cầu các hộ đưa ra các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất để được xem xét nhưng các hộ dân không có giấy tờ gì, không có trong sổ mục kê và không đăng ký ở xã, tự lấn chiếm để làm hàng quán. Do vậy, việc hỗ trợ là không có cơ sở trong khi thôn không có tiền, không nằm trong khoàn chi của xã. Các hộ không chấp hành thì buộc xã phải thực hiện các bước xử lý theo quy định của nhà nước, thậm chí cưỡng chế để giải tỏa”, ông Phạm Quang Toan cho biết.
Hai Duong: Ho Bong Lai bi
Năm 2004, Thanh tra huyện Ninh Giang đã chỉ rõ những hành vi lấn chiếm hồ Bồng Lai trong kết luận thanh tra số 06. 
Dư luận đề nghị UBND huyện Ninh Giang và UBND xã Ninh Hải cần có những biện pháp để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm trên, xem xét các quy định của pháp luật để có hướng hỗ trợ người dân phù hợp với quy định. Đồng thời, nếu các hộ dân không tự tháo dỡ giải tỏa các công trình trên đất lấn chiếm, chính quyền cần có biện pháp cưỡng chế theo các quy định của pháp luật đất đai. Đối với các hộ dân, cần chấp hành các quy định của pháp luật, trả lại diện tích đất cho hồ Bồng Lai để tạo cảnh quan, nơi vui chơi sinh hoạt cho cộng đồng dân cư thôn Bồng Lai.
>>> Xem thêm video: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán tại Hà Nội
 

Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong nói gì về Kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm?

(VietnamDaily) - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sau khi nhận được kết luận thanh tra, UBND TP.HCM sẽ báo cáo với Thường trực Thành ủy và tổ chức họp báo. 

Thông tin này được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với báo chí bên lề đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP HCM lần XI (sáng nay 27/6).
Theo đó, Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã nắm được thông tin qua báo chí về kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, về văn bản kết luận vụ Thủ Thiêm theo đường chính thống từ Thanh tra Chính phủ thì chưa được chuyển đến UBND TP HCM.
Ông dự kiến, thứ 2 tuần sau UBND TP HCM sẽ báo cáo với Thường trực Thành ủy. Sau đó sẽ tổ chức họp báo. Ông khẳng định UBND TP HCM đang lập kế hoạch thực hiện những đầu việc liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Chu tich TP HCM Nguyen Thanh Phong noi gi ve Ket luan thanh tra vu Thu Thiem?
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong. 
Về quyền lợi của người dân khiếu kiện Thủ Thiêm, không được nhắc đến trong kết luận thanh tra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết vấn đề này đã có trong Thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, chiều 26/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hàng loạt khuyết điểm, sai phạm đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện dự án này.
Cụ thể, Thường trực Thành ủy, UBND TP phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 1 m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 26 triệu đồng/m2. Trong khi giá ban đầu các sở, ngành đề xuất là gấp đôi con số này.
Toàn bộ hơn 220 ha quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có được từ nguồn vốn ngân sách nhưng TP đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư không qua đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.
Trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, Xây dựng, Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm.
Kết luận thanh tra cũng khẳng định, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh là nhà đầu tư dự án bốn tuyến đường chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chưa đánh giá kinh nghiệm, năng lực tài chính của nhà đầu tư… là chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
UBND TP đã phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là hơn 12.000 tỉ đồng cho việc xây dựng bốn tuyến đường khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan. Qua thanh tra phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỉ đồng.
Từ đó tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giao cho Kiểm toán Nhà nước trong quá trình kiểm toán xem xét gần 4.000 tỉ đồng chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho dự án BT bốn tuyến đường chính thiếu căn cứ; hơn 1.700 tỉ đồng các khoản do phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án BT tăng sai và hơn 25 tỉ đồng chi phí không đủ điều kiện quyết toán vào dự án của Công ty Đại Quang Minh.
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30-9-2018 là hơn 26.315 tỉ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này trên 4.286 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận.

Trong kết luận nêu, giao UBND Thành phố chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm; các sở Giao thông vận tải, Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến Trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố; các đơn vị Tư vấn, các nhà đầu tư dự án, v.v đã có khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong Phần Kết quả và Kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra này.

Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trung Thuỷ Group phối hợp với bị can Lê Tấn Hùng các thương vụ đất vàng nào ở TP HCM?

(Vietnamdaily) - Ông Lê Tấn Hùng và Tập đoàn Trung Thuỷ đã có nhiều thương vụ hợp tác đầu tư liên quan đến đất đai tại TP HCM.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (SAGRI), quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đồng thời Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can Lê Tấn Hùng, 56 tuổi, nguyên tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thành Mỹ, 60 tuổi nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư.

Trung Thuy Group phoi hop voi bi can Le Tan Hung cac thuong vu dat vang nao o TP HCM?
Ông Lê Tấn Hùng (trái) và Nguyễn Thành Mỹ tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Bộ Công an) 

Cả hai cùng bị khởi tố điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Động thái này được đưa ra sau hơn một năm Sagri bị Thanh tra TP HCM và Kiểm toán Nhà nước xác định xảy ra hàng loạt hành vi sai phạm.

"Đất vàng" bán rẻ như cho dưới thời ông Lê Tấn Hùng

Trong kết luận chuyển sang cơ quan điều tra, Thanh tra TP HCM xác định, quá trình ông Hùng quản lý, điều hành hoạt động của Sagri (từ năm 2016) có nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Trong đó, nổi bật là sai phạm liên quan dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9).

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2017, Hội đồng thành viên (HĐTV) Sagri thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2)

Nghịch lý ở chỗ, mức giá mà Sagri chuyển nhượng dự án này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bảng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty Phong Phú là 72%.

Theo Thanh tra TPHCM, Sagri chuyển nhượng vốn góp (quyền sử dụng đất) tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là chưa đúng quy định.

Sagri cũng bị cho là báo cáo không trung thực khi đã ủy quyền cho Tổng công ty Phong Phú tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án (thực hiện phân lô bán nền từ năm 2012) nhưng 5 năm sau lại có văn bản gửi UBND thành phố cam kết "chưa huy động vốn". Việc này có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Cũng trong giai đoạn này, công ty cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn – Forimex (Forimex là công ty thành viên của Sagri với tỷ lệ vốn góp trên 26%) còn bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng.

Chưa kể, khu đất này được Sở Tài nguyên - Môi trường Kiên Giang cho Forimex thuê khu đất để trồng cây lâu năm. Trong hợp đồng có điều khoản "... không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba...".

Để thực hiện việc này, người đại diện vốn của Sagri (hơn 26%) tại Forimex đã biểu quyết chuyển nhượng khu đất trước khi xin ý kiến hội đồng thành viên Sagri. Theo kết luận thanh tra, việc bán đất giá bèo nói trên là trái quy định, đặc biệt là vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Trung Thuy Group phoi hop voi bi can Le Tan Hung cac thuong vu dat vang nao o TP HCM?-Hinh-2
 

Hàng loạt dự án đất vàng của Sagri về Tập đoàn Trung Thuỷ

Cơ quan thanh tra TP.HCM xác định Sagri có nhiều sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng" nhưng không xin ý kiến của UBND thành phố hoặc chưa được chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất.

Trong đó, đáng chú ý là những thương vụ hợp tác đầu tư của Sagri có liên quan đến Tập đoàn Trung Thuỷ, một tập đoàn bất động sản có tiếng trên thị trường địa ốc, được điều hành bởi ông Nguyễn Trung Tín (chồng của hoa hậu Thu Thảo - pv).

Một trong những thương vụ đáng chú ý mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai phạm tại Văn bản số 386/TB-KTNN ngày 15/8/2018, đó là việc thành lập pháp nhân mới công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri để thực hiện Dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, với tổng diện tích đất 650ha và tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng.

Công ty này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Trung Thuỷ góp 104,96 tỷ đồng tương đương 64% vốn điều lệ, Sagri góp 59 tỷ đồng tương ứng 36%. Theo thoả thuận, Trung Thuỷ cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn mà không tính lãi trong 3 năm kể từ ngày thành lập công ty.

Ngày 30/12/2016, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho Trung Thuỷ Sagri.

Việc hợp tác thành lập pháp nhân mới là Công ty Trung Thủy Sagri để thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng bị Thanh tra TP xác định là sai phạm. Cụ thể, Công ty Bò sữa TP.HCM đã giao đất cho Công ty Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận giao đất của UBND TP.HCM; đồng thời khu đất 650ha này do Công ty Bò sữa thuê đất hàng năm nhưng Sagri đã sử dụng mặt bằng khu đất làm vốn góp là vi phạm quy định tại Điều 175 Luật Đất đai.

Cũng theo văn bản của Kiểm toán Nhà nước, Sagri đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy thành lập pháp nhân mới là Công tyTNHH Trung Thủy Agri để thực hiện ngành nghề kinh doanh bất động sản, là ngành nghề phải thoái vốn theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Sagri được xác định đã bàn giao 140 ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Agri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Trung Thuy Group phoi hop voi bi can Le Tan Hung cac thuong vu dat vang nao o TP HCM?-Hinh-3
 

Ngoài ra, bằng việc hợp tác với Sagri, Tập đoàn Trung Thuỷ của ông Nguyễn Trung Tín cũng đã thâu tóm thành công nhiều lô đất vàng tại TP.HCM. Đơn cử như Dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh được hợp tác vào năm 2016. Thời gian hợp tác là 20 năm.

Đây chính là cao ốc văn phòng DreamPlex 2 do Tập đoàn Trung Thủy khai thác kinh doanh, có 3 tầng không gian làm việc chung cho các startup và công ty với diện tích mỗi tầng khoảng 700 m2; một hội trường với sức chứa 220 người. Hiện toà nhà đã đi vào hoạt động và đang được Tập đoàn Trung Thuỷ khai thác kinh doanh. Khoản chia doanh thu = tiền thuê đất + khoản chia hợp tác. Khoản chia hợp tác 5 năm đầu là 11,7 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến 2017, Sagri cũng đã ký 7 hợp đồng hợp tác thành lập pháp nhân mới với công ty bên ngoài để kinh doanh trên các khu đất có diện tích 794 ha. Trong số đó, 6 hợp đồng là hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư trên 16 khu đất của Sagri với tổng diện tích 26,4 ha, bất chấp theo quy định, bất động sản thuộc ngành kinh doanh phải thoái vốn, không được phép đầu tư.

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đang quản lý khoảng 7.000 ha đất và tổng tài sản đến cuối năm 2017 gần 3.000 tỷ đồng. Nhưng năm 2017, tổng công ty này chỉ tạo ra được hơn 47 tỷ đồng lợi nhuận, đạt gần 30% kế hoạch đã đề ra. 

Tập đoàn Trung Thuỷ Group do bà Dương Thanh Thuỷ (mẹ đẻ CEO Nguyễn Trung Tín) thành lập năm 1994, ban đầu kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, là người khai sinh thương hiệu Miss Aodai. Năm 2003 thì tập đoàn này đã bước và kinh doanh BĐS khi trúng đấu giá khu đất 22 Bis Lê Thánh Tôn, quận 1. Năm 2008 Tập đoàn Trung Thuỷ tiếp tục được biết đến là nhà phát triển bất động sản cao cấp với dự án chung cư Lancaster tại số 20 Núi Trúc, HN.

Trên đà phát triển, Trung Thuỷ tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khác như Lancaster Lincoln nằm tại mặt tiền Nguyễn Tất Thành, Quận 4; Lancaster Legacy tại số 78 Tôn Thất Thuyết; và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng khác như Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (diện tích 100 ha); Khu du lịch Nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại Bình Thuận, Khu du lịch Nghỉ dưỡng Trung Thủy (Đà Lạt), Khu căn hộ cao cấp – văn phòng – trung tâm thương mại (Quận 1, TPHCM)…


Tin mới

Nhà Đà Nẵng trở lại thua lỗ sau 7 quý

Nhà Đà Nẵng trở lại thua lỗ sau 7 quý

(Vietnamdaily) - Nhà Đà Nẵng lý giải nguyên nhân thua lỗ là do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm. Năm trước, công ty ghi nhận doanh thu lớn từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy B.