Tuy nhiên, các tài liệu lâu nay không thống nhất, chưa đưa ra văn bản nào của nhà Nguyễn quy định điều đó.
Vua Gia Long không quy định "tứ bất"
Vua Gia Long không quy định "tứ bất"
Trong tập 1 bộ Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1971, trang 370 có viết: "Nhà Nguyễn củng cố nền thống trị bằng cách tăng cường chế độ chuyên chế. Các vua Nguyễn muốn thâu tóm vào tay tất cả quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát... không muốn cho một ai chia sẻ quyền hành hoặc lấn át uy quyền của mình. Vì mục đích đó, Gia Long đặt ra lệ "bốn không" là không đặt tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc (mà đối với người trong hoàng tộc cũng chỉ phong tước danh dự mà thôi)".
Thực tế đoạn văn vừa trích dẫn trên đây không chính xác. Theo các văn bản triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ, không thấy có việc vua Gia Long quy định "tứ bất" bao giờ.
Trong khi đó, trong Đại Nam thực lục cũng như Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn lại ghi chép sự kiện: Bà Tống Thị Lan, tự là Liên, người quê Tống Sơn (Thanh Hoá) được đức thế tổ (Gia Long) lập làm vương hậu vào năm Bính Thìn (1796), đến năm Bính Dần (1806) thì lập làm Hoàng hậu. Đó là Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Bà sinh 2 hoàng tử: Trưởng là Nguyễn Phúc Chiên mất sớm. Thứ là Nguyễn Phúc Cảnh được phong Đông cung thái tử năm Quý Sửu (1792) nhưng bị lâm bệnh và mất năm Tân Dậu (1801).
Cùng với Thừa Thiên Cao hoàng hậu, vua Gia Long còn lập bà Trần Thị Đang, huý là Kính, người quê Văn Xá, huyện Hương Trà, làm Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Con trai trưởng của bà là Nguyễn Phúc Đảm về sau trở thành vua Minh Mạng (1820 - 1840).
Ảnh minh họa. |
Nhà Nguyễn không ban hành "tứ bất"
Kể từ đời Minh Mạng trở đi, người ta mới tổng kết cái lệ "bất tứ" của triều Nguyễn: Bất thiết tể tướng; bất thủ Trạng nguyên; bất lập hoàng hậu; bất phong Đông cung. Nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng nhà Nguyễn không ban hành một văn bản nào quy định "bốn không" này (tứ bất là điều bắt buộc mọi ông vua phải tuân thủ nghiêm ngặt điều đó).
Chẳng hạn trong thi cử, nếu nói nhà Nguyễn không chấm đỗ Trạng nguyên, cũng không hẳn vậy. Bởi theo sách Đại Nam thực lục thì triều Nguyễn vẫn có danh hiệu Trạng nguyên. Vua Thiệu Trị (1841 - 1847) nói "Văn lý mà làm vẹn cả mười phần, thật không phải dễ. Đức Hoàng khảo ta (tức vua Minh Mạng) mở giáp khoa, ý để cầu người có học, nhưng về nhất giáp (trạng nguyên) vẫn còn để trống. Đó cũng là để đợi người có tài cao, lạ chứ không phải câu nệ về mức thước đâu".
Như vậy là không phải đặt ra lệ không lấy Trạng nguyên mà có thể là do tiêu chuẩn thời đó đặt ra cao quá hoặc những người giỏi chưa ra ứng thí.
Còn chức tể tướng, hoặc tướng quốc không có trong bộ máy triều Nguyễn. Vị trí và trọng trách ấy được triều Nguyễn giao cho cả tập thể đại thần thân tín gồm Hội đồng nội các và Viện Cơ mật. Nói cho chính xác qua các sử liệu để lại thì từ thời Lê Trung Hưng (thời Lê - Trịnh) đã không thấy chức Tể tướng xuất hiện.
(còn nữa)
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU