Chính vì thế, nhiều người cũng hỏi tôi: Sao không thấy xuất hiện nữa? Nhưng mình phải hiểu tố chất diễn xuất vẫn còn đó, có cơ hội, có vai phù hợp thì các anh sẽ vẫn nhớ đến mình. Họ chưa nhớ đến là cũng có lý do bởi Táo quân là sân khấu không phải có thể dùng tiền hay vật chất mua được mà phải bằng khả năng, bằng cuộc sống nghệ thuật chỉn chu để tạo ra cơ hội. Chứ không thể vì không được "gọi" mà đến cổng Đài "ăn vạ": Các anh ơi cho em làm Táo với! (Cười)
Những năm qua, tôi hiểu, nghệ sĩ nên giữ gìn hình ảnh còn tôi lại ít quan tâm điều đó. Bản tính hay pha trò cộng thêm sự "cổ vũ" của mọi người rằng ở đâu có Hiệp Gà ở đó vui nên đôi khi tôi lại càng thể hiện sở trường đến mức "lố". Bởi thế, việc để "trượt dài" hình ảnh là điều tôi không lường tới.
Sau những vấp ngã và trong lúc chờ đợi cơ hội trở lại, tôi hiểu bản thân cần thay đổi, "update" thành một phiên bản tốt hơn. Không là bây giờ thì không còn lúc nào cả. Mình không phải còn có thể lớn nữa mà là già rồi!
Khi đã già, anh nhìn lại khoảng chục năm trước đứng sân khấu Táo quân, trải nghiệm và cảm giác khi đó thế nào?
Khi đó chỉ nghĩ rằng đó là một công việc, một vai diễn chứ ít nghĩ rằng đó là một trải nghiệm. Nhưng đến tầm này - khi đã trải qua nhiều biến cố - tôi mới hiểu sâu sắc hơn sự trải nghiệm. Đặc biệt, từ lúc làm bố đơn thân tôi có thời gian nhiều để nghĩ lại, nhìn lại quãng đường đã đi qua.
Nhớ lại nhiều hơn những năm 2009-2011 khi vẫn còn được đứng trên sân khấu Táo quân… Biết nói gì bây giờ? Tôi luôn có trong mình sự khát khao đúng nghĩa, hy vọng được quay trở lại, "thèm muốn" sân khấu ấy. Nếu đánh đổi rằng phải bỏ tất cả show diễn trong vài tháng để được có mặt lại sân khấu Táo quân - dù chỉ vài phút - tôi cũng sẵn sàng.
Vậy chắc hẳn, những ngày cuối năm này, nhìn đồng nghiệp và nhiều diễn viên trẻ đứng trên sân khấu đó, cảm giác rất chạnh lòng?
Nói không chạnh lòng là nói dối. Nhiều khi, tôi thấy xấu hổ và có chút tự ti. Tôi từng tự vấn chính mình: Giá như lúc ấy mình làm thế này, mình không làm thế kia, có lẽ mọi chuyện đã khác. Nhưng đó không phải áp lực hay là điều khiến tôi trăn trở nhất. Tôi tiếc vì khi cơ hội đến mà mình không thể phát huy, tận dụng để đẩy nó lên một tầm cao mới.
Nhưng tiếc nuối hay chạnh lòng cũng không thể làm gì khác. Tất cả là bài học trong cuộc sống và là động lực để mình cố gắng hơn. Và quan trọng nhất là phải biết mình là ai, mình ở đâu, mình đang làm gì. Tôi biết chắc chắn rằng khả năng nghệ thuật của mình còn đến đâu, có thể cố gắng đến đâu. Nắm được điều đó thì mình có niềm vui, niềm tin và có thể làm tốt để đảm bảo cuộc sống. Hiện tại có thể nói cuộc sống của tôi rất tốt, tuyệt vời hơn nhiều so với năm tháng trước đây. Chỉ có công việc là chưa như ý!
"Nhớ thương" sân khấu Táo quân như thế thì đêm Giao thừa anh cũng đợi chờ "bom tấn" này hơn cả một khán giả?
Đây chắc chắn là chương trình tôi đợi chờ mỗi dịp Tết nhưng không phải năm nào cũng xem được đúng lịch lên sóng vì có thể vướng lịch diễn. Dù sao thì tôi vẫn sẽ xem lại vào ngày hôm sau. Tôi không chỉ xem mà còn xem chi tiết, để ý từng li từng tí và luôn khách quan để nhìn nhận.
Tôi thấy hầu như năm nào Táo quân cũng có khán giả chê thế này thế kia nhưng mình từng đứng trên đó, biết được sự sáng tạo của các nghệ sĩ qua từng vai diễn mỗi năm. Khách quan mà nói, theo tôi, Táo quân mỗi năm đều hay, chất hơn những năm trước rất nhiều. Bởi nghệ sĩ thì tinh tế, sắc nét, có kỹ thuật, hỗ trợ hiện đại và đạo diễn luôn già dơ, sáng tạo hơn. Không thể vì năm nay ít "trend", ít câu hài hước mà cho rằng "Táo dở". Như thế là rất buồn với các nghệ sĩ!
Vậy trong dàn nghệ sĩ nhà Táo, ngay cả những "Táo trẻ" kế cận vài năm gần đây, anh ấn tượng với ai nhất?
Trong dàn Táo kỳ cựu thực sự chẳng có ai để chê, toàn những người được "trời" cho sự thông minh, duyên dáng, hài hước,...chẳng còn gì bàn cãi.
Còn dàn "Táo trẻ"? Như tôi đã nói, chỉ nghệ sĩ thực sự xuất sắc mới được chọn vào Táo quân. Trong dàn nhân tố trẻ mà họ được chọn thì chắc chắn phải có lý do. Tôi nhìn thấy ở các bạn ấy nhiệt huyết, sức sáng tạo, sự update 4.0 thành công. Tất nhiên, còn xét đến độ duyên thì dù sao đứng cùng dàn Táo kỳ cựu các bạn ấy vẫn còn hơi non. Đôi chỗ còn có sự vội vàng, vụng về non trẻ, chưa thể già dơ được bằng các anh chị.
Nhưng nên nhớ, ai cũng có giai đoạn đầu non trẻ, các bạn tiến bộ theo từng năm, nỗ lực rất nhiều. Tôi nghĩ các bạn ấy dần dần tiến bộ, xứng đáng là đội ngũ Táo kế cận.
"Không có vợ nhưng tôi may mắn có đến 2 người phụ nữ tuyệt vời bên cạnh"
Rời màn ảnh khá lâu như thế, không biết điều này có "làm khó" cuộc sống "gà trống nuôi con" của anh?
Nói thật là cuộc sống của tôi không quá giàu có, không có nhiều tài sản tích lũy chứ nói khó khăn thì chưa bao giờ. Vì tôi chỉ không xuất hiện trên truyền hình nhưng tại các sân khấu biểu diễn ở ngoài trời, diễn tỉnh, event,... Hiệp Gà vẫn là cái tên được bầu show yêu thích vì tính tôi thoải mái, dễ chịu, dễ giảm cát-xê nên được lòng. (Cười lớn)
Tôi hay nói vui trên mạng xã hội là cố làm đi kiếm nồi bánh chưng chứ nhà tôi nhiều thịt, nhiều đỗ, nhân bánh chưng đủ cả, có thiếu gì đâu. Cũng rủng rỉnh để đáp ứng chi tiêu và mua sắm cho con cái. Như Tết năm nay tôi vẫn có show đến hết tối 29 Tết chứ thường niên là tôi đi diễn qua Giao thừa và về xông nhà luôn. Có năm nào không đi diễn đêm 30, các con còn ngạc nhiên: Sao năm nay bố không đi?
Hiệp Gà bên cạnh con trai. |
Dù thế nhưng ngôi nhà thiếu bàn tay phụ nữ chắc những ngày cuối năm vẫn gặp chút khó khăn - nhất là khi anh còn đi diễn xuyên Tết?
Lý thuyết thì đúng là như thế nhưng tôi may mắn gia đình có đến 2 người phụ nữ là mẹ và con gái. Cô con gái lớp 11 lo toan cho bố từ đôi giày, đôi tất, quần áo đi làm rồi biết cả nấu ăn chiều bố. Còn mẹ tôi thì quá tuyệt vời, biết con thích ăn cá kho là cho ăn cá kho cả tuần. Thích ăn gì là mẹ ốp cho ăn bằng chán thì thôi. (Cười)
Tất nhiên, nói thế thôi chứ thiếu bàn tay người vợ cũng có những bất tiện. Ví dụ: con gái chuẩn bị 5 đôi tất thể nào cũng có 3 đôi trượt; quần áo đôi khi cũng lôm côm; mẹ không tỉ mỉ khi sơ mi trắng chưa giặt kỹ cổ - tay áo đã bỏ máy giặt;... Thế nhưng để lựa chọn giữa việc có 1 người phụ nữ bên cạnh và cuộc sống độc thân vui vẻ hiện tại thì tôi thích như hiện tại hơn. Tất nhiên có cả 2 thì trọn vẹn hơn nhưng không cân đối được thì chấp nhận điều đó.
Tôi đang hình dung, đi diễn xuyên Tết như thế không biết anh đi sắm Tết vào lúc nào đây?
Có sao đâu, vì các show diễn của tôi chủ yếu vào buổi tối nên vẫn còn thời gian ban ngày đưa con sắm tết và trang trí ngôi nhà, bên cạnh người thân. Tôi rất thích không khí chuẩn bị Tết này. Đặc biệt, khi sống đơn thân, việc sắm Tết có phần rôm rả hơn vì tính vốn xông xênh giờ lại không bị ai quản lý tài chính.
Tôi thực sự không thiếu thốn gì - kể cả thời gian, chỉ thiếu bờ vai để tựa vào - nhưng nó không hẳn là quan trọng và không thực sự là cần thiết với tôi trong lúc này.
Tôi muốn nói tôi hài lòng nhưng không phải đang cổ súy chuyện sống đơn thân. Không ai nên chọn cuộc sống đơn thân, đặc biệt là phụ nữ. Sẽ vất vả nhất là cuối năm, có quá nhiều nỗi niềm. Tôi đơn thân nhưng có nhiều may mắn đó là lý do tôi chọn về quê sống.
"Con gái nói bố nên dùng sản phẩm nghệ thuật để chứng tỏ khát khao trở lại"
Nhưng có một vấn đề là con gái anh năm nay lớp 11 - tuổi ẩm ương như thế không có mẹ bên cạnh, một ông bố đơn thân "đối phó" với rắc rối này ra sao?
Tôi biết con gái đôi khi ngại tâm sự với bố những vấn đề nhạy cảm - nhất là con đang ở tuổi mới lớn nên tôi quan sát con từ xa và đặt nhiều "camera" bạn bè, anh em, thầy cô,… Chỉ cần có 1 vấn đề gì đó tôi sẽ nhẹ nhàng nói với con bằng cách bóng gió xa xôi 1 câu chuyện nào đó. Con cũng đã lớn khôn nên mưa dầm thấm lâu sẽ hiểu vấn đề. Còn về việc học, tôi không bao giờ chọn cách chỉ chích mà luôn đón nhận kết quả và động viên, không gây sức ép.
Bên cạnh đó, thực tế mối quan hệ của con với mẹ đẻ vẫn đặc biệt tốt nên mọi câu chuyện, công việc hàng ngày con vẫn thoải mái chia sẻ với mẹ. Và mối quan hệ giữa tôi và vợ cũ cũng rất tốt, có khi còn tốt hơn xưa. Mối quan hệ 2 bên rất ổn chỉ là không phù hợp để sống chung nữa nên các con cũng thoải mái.
Nói như thế là anh thuộc tuýp phụ huynh nói không với việc giáo dục con bằng roi vọt?
Không! Chính xác thì tôi vẫn thuộc tuýp quan niệm "thương cho roi cho vọt". Có hai lần cụ thể tôi dùng đòn với con gái - đó là khi đã là bố đơn thân. Tôi không phải kiểu bộc phát mà đánh con, mỗi lần đánh tôi đều có lập trình cụ thể và nói rõ với con: nếu con còn lặp lại lỗi đó, con sẽ tiếp tục bị như thế.
Còn với cậu con trai 4 tuổi, thì roi được rải khắp nhà. Tôi đánh là lằn mông đít cho sợ chứ không kiểu doạ doạ vì như thế trẻ con sẽ nhờn.
Đó là những lúc cần dạy con thôi chứ bình thường tôi là ông bố được yêu thương lắm. Mỗi khi về nhà tôi trở thành cái "rốn" để từ bà rồi đến các con trút lên tâm sự.
Riêng cậu con trai, tôi chỉ dám nói chuyện 10 phút chứ đến phút thứ 11 là không thể chịu được vì cậu ấy hỏi nhiều quá. (Cười). Cô con gái là Bí thư đoàn đấy, không thiếu một chương trình nào ở trường là không đến tay. Tôi còn phải tiết chế bớt lại nhưng con vẫn thích và làm rất tốt các phong trào của trường, thậm chí dàn dựng tiết mục múa như một biên đạo. Khả năng thẩm âm cũng tốt. Nhiều lúc tôi nói vui, hồi bằng tuổi nó bố có mà xách dép.
Còn cậu con trai thì chắc không trượt được nghệ thuật vì có tố chất lắm, bộc lộ từ nhỏ và thần thái rõ ràng.
Con gái tham gia các phong trào đoàn trường như thế thì liệu có khi nào cô bé "ngại" trước những thông tin tiêu cực liên quan đến bố không?
Tôi cũng từng hỏi con, có ảnh hưởng gì hay suy nghĩ gì không? Bạn ấy nói chẳng sao, con chẳng bận tâm. Thực sự, tôi không để con thiếu thốn, thua kém các bạn về điều kiện nhưng nhưng vẫn có nhiều cái lại không bằng. Chính vì thế con có ý thức tự lập rất cao, rất bản lĩnh.
Cũng có khi tôi nói chuyện phỏng vấn, con bảo bố bây giờ lên báo dễ bị ném đá, nói xấu nên con không thích. Nó bảo bố nên im lặng và chứng minh sự trở lại của mình bằng những sản phẩm nghệ thuật thôi!