Ngày 31/5 là thời điểm cuối UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) yêu cầu 9 doanh nghiệp đang sử dụng, kinh doanh trên 28ha đất bãi biển Thùy Vân, kéo dài khoảng 3km từ đoạn giao sân golf Paradise đến đường Phan Chu Trinh phải bàn giao mặt bằng. |
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp có kiến nghị được tiếp tục sử dụng diện tích này cho đến khi tìm được nhà đầu tư mới nên TP Vũng Tàu đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. |
Theo ghi nhận của phóng viên chiều 31/5, dù là ngày làm việc trong tuần vẫn có nhiều khách đến một số cơ sở kinh doanh trên bãi biển Thùy Vân thuộc diện tích phải thu hồi. |
Hiện khá nhiều cơ sở hạ tầng, nhà hàng khách sạn xây dựng trong diện tích 28 ha gần như ngưng hoạt động vì thiếu khách thuê. Đến cuối tuần hoặc các dịp nghỉ lễ thì mới hoạt động hết công suất. |
Phía bên trong, bãi biển được các doanh nghiệp xây dựng các dãy nhà dài kinh doanh, tổ chức các hoạt động du lịch, sự kiện. |
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan gồm Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế tỉnh và UBND TP Vũng Tàu về việc giải quyết hiện trạng khu vực Bãi Sau (bãi tắm Thùy Vân) TP Vũng Tàu. |
Được biết, năm 1996, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Công ty đầu tư xây lắp BRVT (thời điểm này là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước - hiện nay là Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC) làm chủ đầu tư xây dựng bãi tắm Thùy Vân. |
Tuy nhiên, đến nay rất nhiều doanh nghiệp du lịch lớn đã "xí phần" bãi biển Thùy Vân, sử dụng nhiều năm nay như: Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC, Công ty CP Du lịch Nghinh Phong, Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười, Công ty CP Du lịch Quốc tế Vũng Tàu…. |
Điều đáng nói nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trái phép, không phép tại khu vực bãi tắm này. Thế nhưng, đa số chưa được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xử lý. Vì vậy đã dẫn đến việc không quản lý chặt chẽ đất đai, hạ tầng mà Nhà nước đã đầu tư tại dự án bãi tắm Thùy Vân. |
Sau kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo quy định số tiền hơn 326 tỷ đồng đối với 9 doanh nghiệp. Trong đó Công ty VRC phải nộp gần 36,7 tỷ đồng trong cả 2 giai đoạn từ năm 1996 đến 2017. |
TP Vũng Tàu cũng tiếp tục vận động các doanh nghiệp sớm bàn giao mặt bằng để thành phố có cơ sở thực hiện các thủ tục pháp lý cho việc đấu giá đất sau này. TP cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nội dung liên quan đến số tiền còn nợ ngân sách (hơn 326 tỷ đồng) đến thời điểm hiện nay theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |