Vụ việc bé gái 4 tuổi rơi từ cửa sổ phòng ngủ của gia đình ở tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex (Hà Đông, Hà Nội) xuống đất tử vong thương tâm vào tối ngày 19/4 đang khiến dư luận bàng hoàng.
Thời điểm xảy ra vụ việc, cửa sổ phòng ngủ mở hé, chưa được lắp đặt lưới an toàn, mẹ cháu bé thì đang dọn dẹp ở khu vực bếp.
Hiện trường bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex xuống đất tử vong. |
Đặc biệt qua sự việc xảy ra, dư luận đã đặt câu hỏi: Có phải các hạng mục lan can, ban công, cửa sổ tại chung cư Xuân Mai Complex không an toàn? Còn bao chung cư bị “lỗi” này? Chủ đầu tư có phải chịu trách nhiệm? Trong thiết kế xây dựng, lan can, ban công, cửa sổ chung cư như thế nào mới là đạt chuẩn?
Cửa sổ, ban công chung cư như nào là đạt chuẩn?
Thực tế, vụ việc bé gái 4 tuổi rơi ở chung cư Xuân Mai Complex không phải là lần đầu xảy ra trường hợp trẻ nhỏ bị rơi từ các nhà chung cư cao tầng. Thời gian qua, liên tiếp đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tương tự ở các tỉnh, thành phố lớn, những cháu bé may mắn thoát chết cũng có nhưng đa số đều tử vong thương tâm. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm hoạ từ cửa sổ, ban công, lô gia tại các chung cư và sự lơ là bất cẩn của người lớn trong việc trông coi con nhỏ.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe được ban hành từ năm 2008, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở (lỗ mở gồm cả các cửa sổ) phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
Nhiều gia đình sống tại các chung cư cao tầng đã lắp lưới an toàn ở ban công để tránh trường hợp trẻ nhỏ leo trèo lên dễ dàng. (Ảnh minh họa). |
Anh Nam, một kỹ sư xây dựng cho biết, một chung cư xây thiết kế xây dựng không nên chỉ để cho người lớn ở mà cần tính đến việc đảm bảo an toàn tính mạng đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Như vậy, một căn hộ bên trong chung cư nên được thiết kế xây dựng cầm có lan can, ban công cao từ 1,1m trở lên. Lan can được làm thanh dọc, .
Ngoài ra, chiều cao cửa sổ trong các căn hộ cũng phải cao từ 1m trở lên (tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ), nếu có thể hãy thiết kế tăng chiều cao của cửa sổ lên càng cao càng tốt sao cho vừa với an toàn, vừa tầm quan sát của người lớn. Cửa phải có chốt kĩ và khóa chặt khi không có người lớn giám sát. Cần lắp đặt chấn song hoặc lưới an toàn ở ban công để tránh trường hợp trẻ nhỏ leo trèo lên dễ dàng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, chưa có căn cứ để xác định vi phạm và trách nhiệm của chủ đầu tư các chung cư cao tầng trong những tai nạn thương tâm như vậy. Bởi lẽ, khi xây dựng và hoạt động, hầu hết các chủ đầu tư đều đã có và hoàn thiện được các giấy phép theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư cũng không thể tiên lượng đoán trước được phòng nào, tầng nào sẽ có trẻ nhỏ.
Do vậy, kết cấu các phòng thường được làm đồng bộ và đã được duyệt theo giấy phép xây dựng trước đó. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng cần phải xem xét thêm việc có những biện pháp phòng sẵn, lúc nào cũng có thể áp dụng ngay, áp dụng mọi lúc mọi nơi để tránh các tai nạn trẻ nhỏ rơi từ các chung cư thương tâm.
Luật sư Tùng chia sẻ thêm, người lớn thường có tâm lý chủ quan con còn nhỏ không thể trèo qua cửa sổ, lan can chung cư được hoặc nghĩ rằng việc đó sẽ không xảy ra, đôi khi là tâm lý "chạy ù ra ngoài 1 chút sẽ không sao đâu, sẽ chẳng có chuyện gì đâu".
Trẻ nhỏ hiếu động, tò mò và năng lực khám phá những điều mới mẻ vô cùng lớn, nhưng lại không thể biết, không thể lường trước được những tai nạn, hậu quả xảy ra. Trách nhiệm trông coi, chăm sóc thuộc về những người làm cha làm mẹ. Chính vì vậy, với những gia đình có con nhỏ ở chung cư cao tầng, nhà cao tầng cần phải chú trọng đến vấn đề an toàn và đề phòng rủi ro đối với con cái.
“Các bậc phụ huynh phải theo dõi, quan sát trẻ nhỏ mọi lúc mọi nơi và trò chuyện, giáo dục trẻ sao cho đúng cách, nhất là cho trẻ nhìn nhận biết được những điều nguy hiểm xung quanh”, luật sư Tùng khuyến cáo.