Tiểu thuyết Đứa trẻ cát của Tahar Ben Jelloun. Ảnh: H.N. |
Ở khu phố Ả Rập nọ, một ông chủ một xưởng gốm đã đưa ra một ý tưởng “thiên tài” thách thức định mệnh và tạo hóa đối với đứa con thứ tám.
Bảy lần sinh con là bảy lần ông mang nỗi mặc cảm và thất vọng với các cô con gái mà trong mắt ông thì chúng không hề tồn tại. Ở lần sinh thứ tám này, ông cả quyết rằng đứa trẻ nhất định phải là con trai. Trớ trêu thay, đứa trẻ chào đời vẫn là con gái. Nhưng với quyết tâm cực đoan của người cha, cùng sự đồng lõa bà vợ và bà vú, Mohammed Ahmed vẫn được nuôi dạy như một cậu bé theo phong tục và luật lệ Hồi giáo truyền thống.
Suốt thời hoa niên cho đến khi trưởng thành, Ahmed bao giờ cũng mang nỗi tò mò và băn khoăn về cơ thể của mình. Những bối rối về giới tính chỉ là thứ yếu, Ahmed ngày càng rơi vào bế tắc và nổi loạn để rồi đi đến một quyết định khiến ngay đến bậc sinh thành cũng ngỡ ngàng: kết hôn với cô em họ.
Song, quyết định táo bạo ấy chỉ đẩy Ahamed dấn sâu vào bi kịch không lối thoát mà ngay từ đầu người cha đã áp đặt nên. Không chỉ là bi kịch cá nhân, đó còn là bi kịch của cái xã hội do nam giới thống trị cùng những di chứng quái đản của quan niệm ấu trĩ, sự bảo thủ của một bộ phận dân cư trong bối cảnh xã hội Ả Rập khi đó.
Ngay từ khi chào đời, Ahmed đã thừa tự cái sai lầm chết người mà thế hệ trước đã để lại. Cả đời Ahmed vùng vẫy trong vũng lầy mà cô góp phần tạo ra và dự phần vào.
Cô đã tự vấn bản thân mình để từ đó bộc lộ căn tính độc đoán của người đàn ông sắm vai ông chủ trong các gia đình. Ở đó, phụ nữ chỉ là những bóng mờ hoàn toàn chịu sự sai khiến và định đoạt của bọn đàn ông dẫu cho đó có là sai lầm, có là bi kịch đi chăng nữa. Chỗ đứng cho người phụ nữ không có cả ở ngoài xã hội. Xã hội ấy được khắc dấu bởi những tàn dư, đầy rẫy bất công và ám ảnh bóng ma quá khứ.
Tiểu thuyết gia người Pháp gốc Maroc, Tahar Ben Jelloun đã sử dụng hình thức truyền miệng phong phú của người Ả Rập cùng thủ pháp đa thanh để vẽ nên một chân dung dị biệt - một người đàn ông dưới bản dạng nữ giới luôn chịu giằng xé “của sự lưu đày, của trạng thái không thể hòa nhập” - với hành trình tìm kiếm bản ngã tàn nghiệt; và đó là cuộc tìm kiếm vô tận và vô vọng.
Trong một bài phỏng vấn trên tờ Paris Review năm 1999, ông cho biết cuộc đời và nhân vật chính trong Đứa trẻ cát là hư cấu “bởi vì tôi muốn viết về thân phận người phụ nữ ở Bắc Phi, nhưng không muốn nó mang vẻ mô phạm, hay mang tính dấn thân. Tôi muốn phản ứng lại thứ văn chương nữ quyền của thập niên 1980, vốn đặt nặng tu từ, nghe the thé, và chẳng có chút tưởng tượng nào ở trong đó. Vì vậy, tôi nghĩ, nếu tôi bịa ra một đứa bé mà số mệnh bắt buộc phải tách ra khỏi dòng đời bình thường và sau đó sống cả hai thân phận, vừa là nam vừa là nữ, như vậy tôi có thể làm bật ra một số vấn đề”.