Chạy về phía biên giới
Dù đã rời Ukraine về Việt Nam được 7 ngày nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1984, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh chạy nạn khỏi vùng giao tranh.
Chị Hồng cho biết, chồng chị là anh Lê Thanh Hoàng Hiệp (SN 1984) sang Ukraine từ năm 2000, đến năm 2007 hai người làm lễ cưới, lập nghiệp tại thành phố cảng Odessa. Một năm sau, con gái đầu lòng chào đời nơi đất khách quê người. Lạ lẫm, thiếu thốn sự chăm lo của gia đình nội, ngoại nhưng anh chị thương yêu nhau cùng vượt qua khó khăn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ở thành phố cảng Odessa, Ukraine) trở về an toàn |
“Chúng tôi sống trong Khu đô thị Làng Sen do chính người Việt Nam xây dựng để đồng bào có nơi trú ngụ. Trong tòa nhà có khoảng 400 người, họ thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. “Máu đỏ da vàng” nên khi ở xứ người thì coi nhau như anh em trong nhà. Cũng như các hộ gia đình khác, hằng ngày tôi và chồng kinh doanh, buôn bán ở chợ đầu mối.
Cuộc sống nhàn nhã trôi qua, năm 2014 tôi sinh cháu thứ hai và năm 2017 cháu thứ ba chào đời. Tết Nguyên đán 2022, chồng tôi về Việt Nam ăn Tết. Ba mẹ con ở lại, chồng chưa kịp sang thì xung đột quân sự xảy ra”, chị Hồng chia sẻ.
Đến biên giới Moldova, những người trong đoàn được tiếp nhận tị nạn. Một tổ chức xã hội phát cho sim điện thoại liên lạc, hướng dẫn mọi người đến chỗ được phép ở. Ai cũng lo sợ, không dám tách đoàn. Hội Chữ thập Đỏ sở tại quan tâm lo cho ăn uống, tất cả đều miễn phí. Ở biên giới Moldova 2 ngày, 3 đêm thì Đại sứ quán Việt Nam ở Romania tới tập hợp mọi người và đưa sang nước này; ngày 7/3, máy bay từ Việt Nam sang đón về nước.
Chị Hồng kể, khoảng 5h sáng 24/2, đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng nổ lớn, nhưng không nghĩ đó là tiếng bom đạn. Rồi tiếng nổ thứ 2 vang lên, chị choàng dậy, lên các nhóm mạng xã hội của người Việt để tìm hiểu thông tin. Lúc đó, chị mới biết đã xảy ra xung đột quân sự.
Hoang mang, nhìn các con đang ngủ mà lo lắng. Chị nhắn tin về cho chồng, sau khi chồng trấn an, chị mới bình tĩnh tiếp nhận sự thực và tính toán cho những ngày tiếp theo. Trời sáng, chị Hồng cùng mọi người trong tòa nhà đi siêu thị để tích trữ lương thực, thuốc men.
“Ngày 1/3, chúng tôi quyết định chạy nạn, một đoàn khoảng 60 người lên 11 ô tô hướng về biên giới giữa Ukraine và Moldova. Nếu đi đường chính thì quãng đường 300km nên chúng tôi chọn đi đường tắt khoảng 70km, mặc kệ đường khó đi.
Trên đường, ai cũng căng thẳng, lo bom rơi đạn lạc. Qua mỗi chốt kiểm soát quân sự, các xe đều tăng tốc trên 120km/h. Đi đến chốt kiểm soát cuối cùng thì tắc đường khoảng 200m, phải mất 2 giờ đồng hồ chờ đợi mới qua được biên giới”, chị Hồng kể.
“Hết chiến sự sẽ trở lại Ukraine”
Đó là lời khẳng định của anh Lê Thanh Hoàng Hiệp khi phóng viên hỏi về dự định khi xung đột kết thúc.
“Chúng tôi, những người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Ukraine, đều có một tình cảm đặc biệt đối với đất nước và người dân nơi đó. Ngược lại, người bản địa cũng vậy. So với người dân các nước sinh sống trong thành phố cảng Odessa, người Việt Nam vẫn được người bản địa dành tình cảm tốt hơn. Không chỉ chăm chỉ, chịu khó mà người Việt Nam còn hiền lành, thân thiện. 22 năm sống bên Ukraine, tôi thấm hiểu điều đó.
Ngoài ra, chúng tôi còn công việc, nhà cửa, tài sản, bạn bè bên đó nên tất nhiên sẽ trở lại”, anh Hiệp chia sẻ.
Mở điện thoại ra, anh Hiệp cho phóng viên đọc những tin nhắn mà bạn anh ở Ukraine gửi. Các bạn thân của anh có Pasa, Luda, Senoda, Vitalich, Galia…
“Một số người nghĩ vợ con tôi chưa về nước nên gọi để giúp đỡ. "Nhà mình ở ngoại ô, có hầm trú ẩn an toàn, gia đình bạn di chuyển qua đây, lương thực đầy đủ cho chúng ta". Tôi đáp "Vợ con về đến Việt Nam rồi, gia đình bạn an toàn nhé" thì họ lại hỏi "Có quay trở lại không, có gặp nhau nữa không?". Tôi khẳng định sẽ quay lại thì họ mới không hỏi nữa và dành những lời chúc an lành cho nhau”, anh Hiệp dịch những dòng tin nhắn.