Ở cảnh mở màn, phim đưa người xem trở về năm 1974. Khi ấy, Hà Phương (NSND Kim Xuân) phải chịu nhiều áp lực từ nhà chồng khi sinh con thứ ba. Sau hai con gái đầu, bà buộc phải sinh con trai để có người nối dõi gia tộc họ Vương. Đáng tiếc, cậu con trai vừa ra đời đã được tiên đoán có số yểu mệnh, đoản hậu.
Sau đó, phim dời bối cảnh đến 25 năm sau khi Vĩnh An (Dược Sĩ Tiến) - con trai Hà Phương – vừa trở về nhà từ nước ngoài. Anh được mẹ giao lại mọi quyền hành, trở thành người làm chủ gia tộc. Song, những vụ án mạng liên tục xảy ra khiến Vĩnh An phải tìm cách vén bức màn che đậy bí mật.
Có khá nhiều điểm chung giữa Hạnh phúc máu và Quả tim máu – tác phẩm do Victor Vũ đạo diễn, từng khuynh đảo phòng vé Việt khi ra mắt năm 2014. Từ nhan đề, sự xuất hiện của NSND Kim Xuân đến việc chọn thể loại kinh dị làm bàn đạp đều cho thấy sự quen thuộc trong dự án ra mắt sau 8 năm.
NSND Kim Xuân và Dược Sĩ Tiến vào vai mẹ con trong phim. |
Mô-típ căn nhà ma ám (haunted house) tiếp tục được sử dụng như “đặc sản” khó thiếu trong phim kinh dị Việt. Trong khoảng nửa tiếng đầu, những màn jump scare được sử dụng khá hiệu quả dù không quá mới. Ê-kíp gây sợ bằng thủ pháp “hù ma dọa quỷ”, cài cắm nhiều tình tiết cho thấy có vong linh đang vất vưởng trong căn nhà.
Thực tế, tựa tiếng Anh Blood Karma (Nghiệp chướng máu) phần nào thể hiện chính xác nội dung phim hơn tựa Việt Hạnh phúc máu. Theo đó, kịch bản cài cắm nhiều tình tiết để thể hiện ý nghĩa về luật nhân quả. Những kẻ gây ra cái ác rốt cuộc cũng sẽ phải trả giá, dù sớm hay muộn.
Điểm sáng trong phần kịch bản là yếu tố tín ngưỡng. Cả gia tộc họ Vương suốt bao đời thờ phụng một thế lực tâm linh bí ẩn, được họ gọi là “Ơn trên”. Ngay cả trước khi ăn, họ cũng dành thời gian để cầu nguyện như những con chiên ngoan đạo. Nếu thành tâm cầu khấn, Ơn trên sẽ mang đến phước lành và sự giàu sang, phú quý. Đổi lại, sự chết chóc là cái kết phải trả dành cho những kẻ phản trắc.
Tuy nhiên, yếu tố này chưa thực sự được đào sâu khai thác. Các tình tiết như cầu khấn, thờ phụng hay treo bùa chú về cơ bản vẫn không khác nhiều các tác phẩm cùng dòng. Nguồn gốc, ý nghĩa thực sự của tín ngưỡng không được nhắc đến, rốt cuộc chỉ như một đức tin mù quáng do con người tự tạo ra.
Tác phẩm là phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Chung. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm với điện ảnh, nhà làm phim vẫn cho thấy sự duy mỹ trong việc sắp xếp khung hình, tận dụng bối cảnh.
Ở hồi đầu, tác phẩm tạo được không khí bí ẩn cần thiết để lôi kéo khán giả. Từng thành viên trong gia tộc Vương Đinh lần lượt được giới thiệuu với tính cách kỳ quặc, đôi khi khó hiểu. Xuất hiện đầu tiên là cô ba Ánh Dao (Trác Thuý Miêu) – luôn thể hiện mình là người tân thời, chuộng lối sống phóng khoáng hơn là đề cao truyền thống gia tộc.
Dường như nhân vật nào trong gia đình họ Vương cũng có vấn đề, che đậy bí mật cá nhân. |
Những người con của bà Hà Phương cũng bất ổn. Trưởng nữ Kim Thiện (Trang Trần) nhẫn nhịn, ít nói. Thứ nữ Vọng Nam (Tuyết Quyên) có dấu hiệu tâm thần, lớn tuổi vẫn thích ôm búp bê. Em út Thái Phong (Hữu Tài) thì bị tật ở chân mà không rõ lý do.
Đạo diễn dụng công khi chọn lối kể tuyến tính, đan xen giữa quá khứ và hiện tại để dẫn dắt khán giả bước vào những góc khuất nhà họ Vương. Nhiều tình tiết gợi mở từ đầu nhưng chưa được giải thích, ít nhiều tạo nên sự tò mò từ phía người xem.
Đáng tiếc, cũng vì dành quá nhiều tình cảm cho đứa con tinh thần, nhà làm phim chưa mạnh dạn trong phần cắt dựng. Khâu biên tập chưa kỹ khiến phim bị luẩn quẩn ở đoạn cuối, dẫn đến đôi chỗ bị dài dòng.
Phần thiết kế sản xuất được đầu tư nhưng chưa sáng tạo. Đơn cử, tông màu đen - đỏ được sử dụng xuyên suốt phim, tượng trưng cho các thế lực hắc ám và ám ảnh về cái chết.
Giống Quả tim máu, phim cũng xuất hiện án mạng và chân dung hung thủ chỉ xuất hiện ở những cảnh cuối cùng. Lúc này, tác phẩm không còn đi theo hướng kinh dị mà mang màu sắc trinh thám. Theo thời gian, khi các bí mật được lật mở cũng là lúc câu chuyện mất dần sức hút.
Đến cuối, phim sa đà vào các tình tiết tâm lý khiến các cảnh quay trở nên nặng nề. Song, kịch bản mỏng, chưa xây dựng tốt các nhân vật nên một số phân đoạn còn mang tính khiên cưỡng, chủ yếu sắp đặt theo ý đồ biên kịch.
Trước khi ra mắt, phim Hạnh phúc máu không tạo được nhiều sự chú ý vì ê-kíp thiếu vắng diễn viên ngôi sao. Phim được quảng bá với dàn diễn viên thực lực gồm NSND Kim Xuân, NSƯT Lê Thiện hay Công Ninh. Tuy nhiên, diễn xuất của các diễn viên chưa thực sự đồng đều và còn thiên về lối xử lý sân khấu.
Các diễn viên trẻ hoàn toàn lép vế so với lớp gạo cội về diễn xuất, cách xử lý nhân vật. |
Xuất hiện trong phần lớn thời lượng, NSND Kim Xuân là yếu tố giúp phim duy trì được sự hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên, lối diễn của bà còn bị lặp lại ở nhiều phân đoạn. Trong khi đó, diễn xuất của Dược Sĩ Tiến, Trác Thúy Miêu, Trang Trần khá non nớt so với một tác phẩm điện ảnh, chưa thể hiện được sự đa dạng và mang đến cảm xúc cho phim. Trong dàn diễn viên, Hữu Tài là một điểm sáng.
Ngoài ra, phim còn mắc nhiều lỗi không đáng có. Chẳng hạn như Trang Trần nói giọng Bắc, vào vai trưởng nữ trong một gia đình nói tiếng Nam. Trong một số cảnh quay, các nhân vật qua mặt cảnh sát dễ dàng phần nào làm giảm kịch tính cần thiết.
Việc các diễn viên tự đóng vai chính mình lúc trẻ cũng phần nào chưa hợp lý. Điển hình là NSND không có nhiều khác biệt trước và sau 25 năm. Hơn nữa, kịch bản còn tham lam cú twist nhưng chưa đầu tư phát triển diễn biến tâm lý các nhân vật, khiến câu chuyện thiếu chiều sâu.
Chính vì không có ngôi sao, Hạnh phúc máu vốn không phải là cái tên được mong chờ sẽ vực dậy doanh thu phòng vé Việt sau thất bại nặng nề của Virus cuồng loạn và Huyền sử vua Đinh. Song, dự án vẫn được đầu tư quảng bá mạnh mẽ, nhất là phần nhạc phim thu hút nhiều giọng ca nổi tiếng như Hà Trần, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Tùng Dương,…
Sau 3 ngày phát hành, phim hiện đạt gần 5 tỷ đồng tại phòng vé theo thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập. Con số này không quá ấn tượng tuy nhiên vẫn nổi bật hơn nhiều những phim Việt thời gian gần đây. Trên bảng xếp hạng, tác phẩm đứng ở vị trí thứ ba, xếp sau các phim ngoại như One Piece Film Red và bom tấn Black Panther: Wakanda Forever.
Nhìn chung, Hạnh phúc máu có nhiều điểm đáng ghi nhận, nhất là với tác phẩm điện ảnh đầu tay. Tuy nhiên, cách xây dựng câu chuyện bị cũ. Nếu ra đời sớm hơn 10 năm, có lẽ tác phẩm đã là một cú hích dành cho phim Việt.