Diện mạo đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang bị biến đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết do những tác động từ biến đổi khí hậu và sự hủy hoại do chính con người gây nên. Trong bối cảnh phía thượng nguồn tập trung cho các dự án thủy điện và xây dựng kênh dẫn nước, lượng phù sa ít ỏi còn lại khi đến ĐBSCL chắc chắn sẽ không đủ để duy trì sự tồn tại bền vững trong tương lai. “Hành động khẩn nhằm hạn chế sự tan rã ĐBSCL” đang là vấn đề cấp thiết hơn lúc nào hết nhằm hạn chế những nguy cơ về an ninh trật tự, sinh kế và an ninh lương thực của quốc gia và thế giới.
Sạt lở do mất ổn định bờ đã gây hậu quả nghiêm trọng một số địa phương vùng ĐBSCL. |
Xu hướng sạt lở tại đồng bằng Sông Cửu Long sẽ còn tiếp tục mở rộng và diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh diễn biến thời tiết thất thường và sự thay đổi chế độ thủy văn ngày một cực đoan.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, cùng với việc dư luận trong nước và quốc tế đang phản đối các dự án xây dựng các đập thủy điện và chuyển dòng trên thượng nguồn sông Mê Kông thì những vấn đề nội tại cũng cần được giải quyết thấu đáo. Trong đó, những hạn chế trong quản lý đối với việc khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm đã tạo ra những tác động địa chất cực đoan.
Diễn biến trước mắt của quá trình tan rã đồng bằng chính là tình trạng sạt lở đang gia tăng về phạm vi và cường độ. Hậu quả của nó trong tương lai sẽ khiến cho tình hình sạt lở ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Sạt lở đang ngày càng phức tạp, ăn sâu vào đất liền. |
“Cần tăng cường quản lý việc khai thác cát. Về lâu về dài việc thiếu phù sa, cát sỏi khó có gì chống đỡ được. Tình hình sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn. Cần đánh giá và lập bản đồ ngay ở những nơi nguy cơ cao để di dời người dân và không xây dựng những công trình nhà cửa sát bờ sông. Một việc cần làm ngay khi biết rằng trong tương lai sẽ không còn một viên cát, hạt sỏi nào về ĐBSCL khi các đập thủy điện hoàn thành thì ngay từ bây giờ cát là nguồn tài nguyên rất quý. Cần phải khẩn trương quản lý việc khai thác cát sỏi trên toàn tuyến”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
ĐBSCL là nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người. Đây là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng sạt lở luôn là vấn đề nóng đi cùng sự phát triển.
Theo nghiên cứu chính thức, 38% diện tích đất ĐBSCL có thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100. Trong đó, những nguyên nhân gây sạt lở cho thấy yếu tố tác động của con người đang trở nên then chốt trong bức tranh sạt lở ở ĐBSCL hiện nay.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kiểm tra hiện trường một vụ sạt lở đất ở ĐBSCL. |
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông vùng ĐBSCL xảy ra ngày càng thường xuyên hơn nên không thể xây dựng công trình bảo vệ cho toàn bộ hệ thống. Vì thế, phải có sự ưu tiên đối với các khu vực thiết yếu. Cùng với đó, cần chú trọng đến các giải pháp phi công trình, ứng dụng thử nghiệm các loại vật liệu, công nghệ mới thay thế cho nguồn nguyên liệu cát phục vụ cho xây dựng, san lấp công trình.
“Cần có những giải pháp vật liệu xây dựng thay thế chứ không thể trông mãi vào nguồn cát nước ngọt trên sông Tiền, sông Hậu. Như vừa qua đi khảo sát cho thấy hàng trăm sà lan đang đậu chờ, 1 tuần lễ mới nhận được cát và cung cấp cả thị trường phía nam. Bản thân sản lượng cát của Đồng Tháp, An Giang không thể đáp ứng được. Như vậy, bản chất vấn đề là cung cầu không đáp ứng”, vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị.
Thảm họa lâu dài của mối đe dọa đến ĐBSCL, như cảnh báo từ các nhà khoa học và chuyên gia, chính là sự tan rã đồng bằng do thiết hụt lượng lớn phù sa bồi đắp hàng năm; sự gia tăng mực nước biển cũng như bàn tay tác động của con người. Vụ sạt lở bờ sông khu vực Vàm Nao nhấn chìm hàng trăm mét đất bờ sông cùng hàng chục căn nhà kiên cố mới đây là một dấu hiệu báo động cho quá trình tan rã đang hiện hữu.
Sạt lở ở Thanh Bình, Đồng Tháp, uy hiếp Quốc lộ 30. |
Trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là thay đổi thói quen, tập quán sinh sống của người dân. Để hạn chế tối đa thiệt hại, cần quy hoạch, xây dựng các cụm dân cư, di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch tỉnh An Giang nêu rõ, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở lên đến 20.000 hộ. Vì thế, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện các đề án di dời vào tuyến dân cư. Từ nay đến năm 2025, phải chuyển hết người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở về nơi ở mới: “Tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo cho các ngành chức năng để sớm xây dựng tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 theo chủ chương chung của Chính phủ để sớm đưa người dân vào khu dân cư này ổn định cuộc sống”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trước mắt sẽ yêu cầu Viện Khoa học địa chất phối hợp với các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu, đánh giá cụ thể, bài bản về hiện trạng sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu. Cùng với đó, xác định những vùng ổn định để quy hoạch các khu dân cư, để ổn định cuộc sống người dân.
“Cần có những nghiên cứu cơ bản để xác định một cách đầy đủ nguyên nhân. Phân ra các khu vực có mức độ nguy hiểm khác nhau, nguyên nhân khác nhau, từ đó có kế hoạch song song với việc di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tiếp tục duy trì hệ thống quan trắc. Đặc biệt là tiến hành các biện pháp điều chỉnh dòng chảy để có thể phòng tránh được các tác hại này… Tái khởi động lại dự án khu dân cư vượt lũ trước đây, nay là khu dân cư cho vùng sạt lở”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.