Một chiếc nón quai thao made in Vietnam được rao bán tới gần 35 USD trên Amazon - Ảnh: Internet |
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang thay đổi giá trị hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm tài nguyên bản địa. Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thông qua nền tảng Amazon, ông Trần Quý Hiển - Quản trị FBA Freedom Group (hội nhóm các nhà bán hàng trên Amazon) cho biết các sản phẩm Việt đang bán chạy trên Amazon không quá "cao siêu" mà rất gần gũi như: dầu dừa, dầu gấc, dầu tràm, hàng thủ công, đồ da, giày dép cũng như các thương hiệu đồ gia dụng, văn phòng phẩm có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài.
Lấy ví dụ chi tiết, ông Hiển nói trên Amazon, chiếc chổi đót được bán với giá 12 USD/chiếc, nón lá hơn 17 USD/chiếc và thậm chí còn sắp hết hàng, hay một chiếc giỏ mây có giá 60 USD/chiếc đã lọt vào tốp 10 sản phẩm bán chạy nhất trên sàn Amazon sau 7 ngày đưa lên và tên của giỏ này trở thành tốp 3 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất nhờ biết tối ưu hóa đúng cách.
Một gói cà phê G7 có giá 21 USD, hay một cái phin cà phê giá hơn 9 USD, chảo chiên bánh xèo thì lên đến 25 USD/chiếc... đang được bán chạy trên Amazon hiện nay và có doanh thu cao.
Hay mới đây tại Diễn đàn "Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU" tại TP.HCM, ông Hiển chia sẻ có gian hàng của một bạn nữ người Việt bán một bông hoa làm từ giấy với giá 30 USD/bông (tương đương với hơn 600.000 đồng). Với mức giá này, ở Việt Nam sẽ ít ai mua, nhưng khách quốc tế lại rất trưng dụng và mua nhiều.
Như vậy, có thể thấy rằng các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam muốn bán được trên các sàn thương mại điện tử nói chung và Amazon nói riêng, cần được tối ưu hóa, cá biệt hóa để tăng thêm giá trị cho từng sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng cần phải cải tiến mẫu mã của các sản phẩm để phù hợp với các thị trường, thị hiếu khác nhau trên toàn cầu.
Điều đó đồng nghĩa với việc để bán hàng xuyên quốc gia thành công, vấn đề là các doanh nghiệp, nhà bán hàng từ Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thương hiệu và duy trì chất lượng ổn định, đặc biệt cần có sự tìm hiểu kỹ càng nhu cầu khách hàng toàn cầu trước khi tung ra bất kỳ sản phẩm nào.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết sẽ tìm kiếm các đặc sản địa phương, tài nguyên bản địa để phát triển lên sàn thương mại điện tử, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.
Hiện VECOM đang thử nghiệm kết hợp với tỉnh Bến Tre đưa sản phẩm chế biến từ dừa lên sàn thương mại điện tử. Mục tiêu đến cuối năm 2019, 90% các đơn vị kinh doanh dừa của tỉnh này khai thác hiệu quả kênh bán hàng online.
Theo giới chuyên gia, xuất khẩu trực tuyến được xem là một trong những kênh hiệu quả nhất trong thời gian tới để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường, bao gồm những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Hiện hai sàn thương mại điện tử Amazon và Alibaba đều đang đẩy mạnh hoạt động thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử của mình. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho doanh nghiệp bởi chỉ tính riêng số lượng tài khoản người mua hàng trên Amazon đã lên tới 300 triệu, còn Alibaba vào khoảng 260 triệu.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỉ USD trong 2 năm tới. Do đó xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng.