UNICEF cho biết tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng đang cản trở việc vận chuyển hàng cứu trợ và khiến cho các bệnh viện không thể hoạt động.
Phát ngôn viên UNICEF Christof Boulierac cho biết nguồn cung ứng nhiên liệu ở Yemen có thể cạn kẹt trong vòng chưa đầy một tuần.
"Nếu những sự hạn chế nhập khẩu đối với lương thực và nhiên liệu cho mục đích thương mại tiếp tục được áp dụng, điều đó sẽ giết chết nhiều trẻ em hơn bom đạn trong những tháng sắp tới đây”.
Đài TNHK dẫn lời ông Boulierac nói rằng 120.000 trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng nặng trong 3 tháng tới, nếu các dịch vụ y tế và vệ sinh không hoạt động bình thường do nhiên liệu không được cung ứng một cách đều đặn.
Phát ngôn viên UNICEF Christof Boulierac cho biết 2,5 triệu trẻ em Yemen dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm khác vì hệ thống vệ sinh bị sụp đổ. |
Ông cho biết 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm khác vì hệ thống vệ sinh bị sụp đổ và các chính quyền thành phố không thể cung ứng nước máy cho dân chúng vì thiếu xăng dầu.
Ông Boulierac cho biết các chương trình chủng ngừa đã bị ngưng tại nhiều trung tâm y tế trên khắp nước, làm cho trẻ em bị nguy cơ nhiễm các chứng bệnh sưng phổi, ban sởi và những bệnh truyền nhiễm khác thuộc loại có thể phòng ngừa. Ông nói thêm: "Trong tình hình khó khăn này, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đang cung cấp các dịch vụ thiết yếu về y tế, dinh dưỡng, vệ sinh trên khắp Yemen. Tuy nhiên, việc đi lại của chúng tôi tại nhiều khu vực gặp phải vô vàn khó khăn và chúng tôi thường xuyên bị các bên tham gia xung đột ngăn không cho tới những nơi mà dân chúng cần tới chúng tôi nhiều nhất”.
Trước khi cuộc xung đột hiện nay bắt đầu, Yemen đã phải nhập khẩu 90% lương thực và phần lớn lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Trong lúc chiến sự leo thang, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết đòi hỏi tất cả các loại hàng hoá nhập vào Yemen phải được kiểm tra để bảo đảm là vũ khí không lọt vào nước này.
Người phát ngôn của Văn phòng Cứu trợ Liên Hợp Quốc, ông Jens Laerke, nói rằng đó là trở ngại chính làm cho nhiên liệu và các mặt hàng cứu trợ không thể được nhập vào Yemen với một số lượng thoả đáng. Ông nói: "Điều này có… tác động vô cùng tai hại đối với các hoạt động cứu trợ. Mặc dù chúng tôi đã dự trữ các loại vật phẩm cứu trợ tại nước này, chúng tôi không thể đưa tới tay những người cần được giúp đỡ chỉ vì chúng tôi không thể vận chuyển chúng”.
Giao tranh giữa liên quân do Ả-rập Xê-út cầm đầu và quân nổi dậy Houthi đang leo thang, trước khi có cuộc ngưng bắn năm ngày vì lý do nhân đạo, bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ Tư (12/5) tuần này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong khoảng thời gian từ ngày 19/3 đến ngày 4/5/2015, có tới 1.439 người thiệt mạng và gần 6.000 người bị thương ở Yemen. Trong số các nạn nhân nói trên có nhiều người là dân thường.