Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ở Hà Nội, sự xuất hiện một số ca bệnh trong mấy ngày qua đã thực sự ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế, đời sống của người dân Thủ đô. Hàng quán thưa thớt, phương tiện tham gia giao thông giảm đáng kể, nhiều người lao động tự do đã bỏ về quê khiến cho đường phố Hà Nội vắng người hơn rất nhiều so với mọi khi.
Hồ Hoàn kiếm là một trong những điểm thu hút khách du lịch đông đúc nhất của Thủ đô Hà Nội. Đây còn là điểm sinh hoạt công cộng với nhiều hoạt động ngoài trời của người dân Hà Nội. Tại đây, do nhu cầu của khách du lịch cũng như người dân sống gần bờ Hồ nên số lượng người bán hàng rong dày đặc với nhiều mặt hàng như đồ ăn vặt, đồ lưu niệm, nước uống…
Hàng rong ở Hà Nội cũng ế ẩm vì dịch Covid -19. |
Thế nhưng, giờ đây, Hồ Hoàn Kiếm lại gần như vắng tanh. Hàng kem Thủy Tạ nằm trên đường Lý Thái Tổ luôn đông đúc người xếp hàng đứng mua nay vắng không một người, lác đác xung quanh các tuyến phố chỉ có một số ít du khách nước ngoài, bóng dáng người bán hàng rong trên phố cũng gần như không thấy.
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một người bán hàng rong là chị Nguyễn Thị Vinh quê huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Chị Vinh dắt chiếc xe đạp với nhiều loại bánh trái trong cái cái thúng được chằng chắc chắn trên xe. Chị cho biết, những người bán hàng rong quê ở các tỉnh lân cận từng thuê trọ cùng chị đa phần đã bỏ về quê, phần vì lo sợ dịch bệnh nhưng quan trọng là đi cả ngày không có khách mua. Còn chị, vì mưu sinh nên vẫn ngày ngày đưa bánh trái lên Bờ Hồ bán.
“Phải đi bán chứ, mặc cho số trời, bán cũng được ít lắm, có khách mấy đâu. Người đến bờ Hồ này giờ ít hẳn đi rồi. Dịch thì mình phòng tránh, mình đứng xa, bán rồi họ đi chứ cũng không phải lo quá” - chị Vinh nói.
Ở nhiều tuyến phố tại thành phố Hà Nội đã có tới 1/3 số cửa hàng buôn bán, kinh doanh đóng cửa. Trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các nhà hàng, quán ăn. Ngay cả dịch vụ làm đẹp của chị em phụ nữ cũng vắng khách một cách bất thường.
Chị Nguyễn Hoàng Lan Anh, nhân viên làm móng tại một tiệm làm đẹp ở quận Ba Đình cho biết, mặc dù trước kia mỗi khi đến làm các dịch vụ: móng – mi – spa đều phải đặt lịch trước nhưng những ngày gần đây gần như không có khách. Nhiều nhân viên đã xin nghỉ làm, bỏ về quê.
“Cửa hàng nhà mình ở Đống Đa nên cũng khá đông khách nhưng giờ thì gần như không có khách. Các tiệm khác gần đây thì hầu như đã đóng cửa vì không có khách. Nhiên viên ở của hàng mình thì đã xin nghỉ rất nhiều để về quê để tránh qua cái giai đoạn này” - chị Lan Anh chia sẻ.
Những người từ các tỉnh lẻ lên Hà Nội làm nghề tự do phần nhiều đã nghỉ việc, bỏ về quê. Sáng 12/3, WHO tuyên bố Covid -19 là đại dịch nguy hiểm toàn cầu, cùng với đó là thông tin về các hoạt động khoanh vùng cách ly, chống dịch của thành phố Hà Nội đã làm cho tâm lý lo lắng của nhiều người dân thủ đô lên cao hơn. Không chỉ còn là nâng cao các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, tránh tụ tập ăn uống và những nơi đông người… mà nhiều người dân ở Hà Nội đã tính đến phương án về quê sống tạm một thời gian, đợi dịch lắng xuống.
Ông Nguyễn Văn Hanh ở 113 Phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ cho rằng, đúng là không nên chủ quan nhưng việc di cư như vậy là không cần thiết, thậm chí còn tạo nguy cơ lây lan cho các vùng quê.
“Tôi ở 113 Thụy Khuê. Hàng ngày tôi vẫn đi làm nhưng rõ ràng là vắng người hẳn, ảnh hưởng lớn lắm. Nhiều người ở tỉnh thì họ về quê còn tôi ở đây thì vẫn cứ ở đây, phòng dịch cẩn thận là được… chưa tới mức phải chuyển đi đâu ở” - ông Hanh nói.
Trong các khu phố chính của Hà Nội, không ít người dân như ông Nguyễn Văn Hanh đã hiểu đúng để không bàng quan nhưng cũng không chủ quan trong phòng chống dịch, với một niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.