Ngày 23/7, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trở thành Thủ tướng Anh sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua vào chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Chiều 24/7, ông sẽ đặt chân vào số 10 phố Downing, gánh vác những trọng trách nặng nề mà người tiền nhiệm Theresa May để lại.
Khó khăn trước tiên mà cựu Ngoại trưởng Anh phải đối mặt là sự ra đi của hàng loạt các quan chức cấp cao trong chính phủ để phản đối việc ông lên nắm quyền.
Theo Telegraph, khoảng 12 bộ trưởng khác của Anh sẽ từ chức từ ngày 22 đến 24/7.
Tân thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: Irish Times) |
Mới đây nhất, Quốc phụ khanh phụ trách vấn đề châu Âu và châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Anh - Alan Duncan tuyên bố sẽ rời bỏ vị trí hiện tại. Trong đơn từ chức, ông Duncan bày tỏ tiếc nuối về thực trạng xứ sở sương mù đang bị bóng đen Brexit bao trùm.
Người đầu tiên phát động "làn sóng từ chức" là Quốc vụ khanh phụ trách Doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng và hợp tác thuộc Bộ Văn hóa, người thông báo rời văn phòng vào tuần trước.
Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond khẳng định ông sẽ nối gót ông Duncan nếu ông Johnson trở thành thủ tướng Anh.
Trong bài diễn văn ăn mừng chiến thắng cách đây ít giờ, ông Johnson bày tỏ vinh dự khi được phục vụ trong nội các Anh, sau khi bà May rời nhiệm sở. Tuy nhiên, những xáo động không nhỏ trong chính quyền với hàng loạt những cái tên đã và đang đe dọa từ chức sẽ là bài toán không đơn giản với ông Johnson khi lên nắm quyền.
Khi tranh cử chạy đua vào chiếc ghế quyền lực ở số 10 phố Downing, cựu Ngoại trưởng Anh từng nhiều lần bày tỏ quan điểm về Brexit.
Hôm 8/6, ông tuyên bố sẽ từ chối thanh toán khoản phí Anh "chia tay" EU cho đến khi khối này đồng ý những điều khoản tốt hơn đưa London rời liên minh châu Âu. Các quan chức châu Âu cũng không dưới một lần nói rằng họ rất ngại phải đàm phán với cựu thị trưởng London, người ủng hộ Brexit ngay từ đầu.
Tuy nhiên, thực tế, giới chức EU nhiều lần bày tỏ quan điểm cứng rắn rằng họ không chấp nhận bất cứ kịch bản đàm phán lại Brexit trong bối cảnh khối này vẫn chưa đóng khung được "bộ sậu" lãnh đạo mới dưới thời tân Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.
Ở Anh, chính trường nước này cũng tan đàn xẻ nghé vì những bất đồng liên quan tới thỏa thuận dứt áo rời châu Âu. Nhiều người ủng hộ quyết tâm dứt áo rời ngôi nhà chung của ông Johnson, nhưng không ít ý kiến kêu gọi tân thủ tướng Anh ngừng ngay ý định rời EU mà không có thoả thuận.
Thậm chí một nhóm gồm 42 nghị sĩ đảng Bảo thủ còn đe dọa sẽ mở cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ non trẻ nếu ông Johnson có ý định theo đuổi chính sách mạo hiểm với Brexit.
Với việc thời hạn Brexit (31/10/2019) chỉ còn hơn 3 tháng, các nhà quan sát tin rằng thỏa thuân này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tạm hoãn sau hạn chót này.
Bên cạnh vấn đề trong nước, tân thủ tướng Anh phải đau đầu giải quyết bài toán khủng hoảng hiện tại với Iran. Quan hệ giữa Tehran và London đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua sau các vụ bắt giữ qua lại trên Vùng Vịnh.
Hôm 21/7, Đại sứ Iran tại Anh cảnh báo London không nên gia tăng căng thẳng khi giới chức Anh đánh tiếng đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, sau khi nước này bắt giữ tàu chở dầu của Anh cuối tuần trước.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ông Johnson trong những ngày tới sẽ là đưa tàu chở dầu nước này bị Tehran bắt giữ và thủy thủ đoàn trở về an toàn. Nhiệm vụ dài hơn sau đó sẽ là cùng Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran vốn đang đứng trước nguy cơ đổ bể, sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018.
Song song với đó, ông Johnson cũng phải tìm cách hàn gắn quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Anh. Mối quan hệ đặc biệt này bị sứt mẻ nghiêm trọng vụ rò rỉ các bức điện tiên với nhiều nhận xét chê bai Tổng thống Trump và chính quyền Washington của đại sứ Anh tại Washington, người từ chức cách đây hơn chục ngày.
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Mời độc giả xem thêm video về tân Thủ tướng Anh Boris Johnson (Nguồn: The Guardian)